(Baonghean.vn) - "Cần quy định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp xã; phải công khai, minh bạch quy hoạch khoáng sản, khu vực chưa cấp phép để người dân giám sát, bảo vệ...".

Chiều 14/8, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe và cho ý kiến về dự thảo Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì; tham gia cuộc họp có đại diện các sở, ngành liên quan. 

Nghệ An là tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại nhiều địa phương vẫn diễn biến phức tạp. Nhận thức, hiểu biết và trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ khoáng sản của một số cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn còn hạn chế; công tác kiểm tra, xử phạt chưa triệt để. Vì vậy, việc quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác là vấn đề cấp bách.

1502700940284.jpgĐồng chí Đinh Viết Hồng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến của các ngành để chỉnh sửa trước khi trình UBND tỉnh thông qua. Ảnh: Phạm Bằng

Theo dự thảo phương án, trên địa bàn tỉnh có 206 khu vực đã thực hiện đóng cửa mỏ; 9 khu vực đã và đang thực hiện điều tra đánh giá khoáng sản; 4 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; các khu vực có tiềm năng, triển vọng khoáng sản; 10 khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; 581 khu vực thuộc quy hoạch khoáng sản của địa phương và trung ương... là các đối tượng cần được bảo vệ.

Mục tiêu là nhằm quản lý chặt chẽ, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh; bảo vệ cảnh quan, môi trường, an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương tại khu vực có khoáng sản. Bên cạnh đó, quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản trái pháp luật. 

Quan điểm của phương án là thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách pháp luật, chiến lược Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Chỉ cho phép tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản khi đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc UBND tỉnh cấp giấy phép. Chính quyền địa phương không được thỏa thuận, cho phép các tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác khoáng sản trái pháp luật dưới mọi hình thức. 

Tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên sông Lam vẫn đang diễn biến phức tạp. Ảnh tư liệu

Cùng đó, không cho phép bất cứ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng việc triển khai dự án đầu tư hoặc lợi dụng việc được phép sử dụng đất để thăm dò, khai thác khoáng sản trái pháp luật. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trái pháp luật, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

Để thực hiện tốt công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, các nhiệm vụ và giải pháp phải thực hiện là tăng cường công tác tuyên tuyền, phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp và hiệu quả; công tác kiểm tra, xử phạt hoạt động khoáng sản trái phép; Công tác quy hoạch, cấp phép hoạt động khoáng sản.

Đóng góp vào dự thảo phương án, ông Nguyễn Trường Giang - Phó giám đốc Sở Xây dựng nêu ý kiến, cần làm rõ vai trò của UBND cấp huyện và UBND cấp xã trong nhiệm vụ bảo vệ khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, cần làm rõ nhiệm vụ của các lực lượng chuyên trách. Ví dụ, thanh tra giao thông chỉ có trách nhiệm kiểm tra, xử phạt các xe chở vật liệu khoáng sản nếu chở quá tải, quá khổ chứ làm sao kiểm tra được khoáng sản có phép hay không phép.

Đại diện Sở Xây dựng cho rằng, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của UBND cấp huyện và UBND cấp xã trong trong công tác bảo vệ khai thác khoáng sản chưa khai thác. Ảnh: Phạm Bằng

Ông Nguyễn Huy Cương – Phó giám đốc Sở Công thương cho rằng, về đối tượng bảo vệ cần xếp thứ tự ưu tiên theo tính chất quan trọng trong từng lĩnh vực, khu vực. Về nguyên nhân tình hình quản lý khai thác khoáng sản còn nhiều tồn tại, ông Cương cho rằng, phải đặc biệt chú ý đến các công ty, doanh nghiệp đưa tàu lớn hút cát trên lòng sông, phải quy định rõ trách nhiệm bảo vệ khoáng sản cho các chủ sử dụng các công trình...

Ông Nguyễn Hồng Hải - Cục phó Cục thuế Nghệ An cho rằng, sau khi góp ý lần 1, dự thảo phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã hoàn chỉnh hơn. Tuy nhiên, theo ông Hải thì ngoài việc cần phải làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương thì cần công khai, minh bạch thông tin vùng có khoáng sản, vùng được phép khai thác khoáng sản gì, khai thác thế nào, bao nhiêu để người dân giám sát, cùng bảo vệ.

Về những giải pháp thực hiện, đại diện Sở Tư pháp cho rằng, các giải pháp trong dự thảo còn mang tính chất chung chung, chưa cụ thể, chưa làm nổi bật cách thức, phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. “Ví dụ như công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức thì là hình thức như thế nào...”.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các sở, ngành, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đã trực tiếp giải trình các nội dung liên quan; đồng thời đề nghị các sở, ngành góp ý kiến đầy đủ, cụ thể để đơn vị tổng hợp, chỉnh sửa cho phù hợp, đúng quy định. 

Kết luận cuộc họp, đồng chí Đinh Viết Hồng cho rằng đây là quy định mới trong công tác quản lý nhà nước trước tình hình khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp. Theo đó, đến hết năm 2017, UBND tỉnh phải ban hành được phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo chỉ đạo của Chính phủ.

Về các nội dung trong phương án, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải nêu rõ được cơ quan đầu mối trong công tác bảo vệ. Về nội dung tổ chức thực hiện cần tách nội dung trách nhiệm của UBND xã ra khỏi UBND huyện. Về đối tượng khoáng sản cần bảo vệ thì thống nhất với dự thảo nhưng cần sắp xếp theo trình tự đối tượng quan trọng lên đầu. Đối với các ý kiến đóng góp của các ngành, Sở Tài nguyên và Môi trường cố gắng tiếp thu đầy đủ, chỉnh sửa phương án phù hợp và sau đó gửi lại các ngành xin ý kiến lần cuối trước khi trình UBND tỉnh thông qua. 

Phạm Bằng