(Baonghean) - Cơ sở sản xuất nước mắm cá cơm truyền thống Quang Chính của chị Trần Thị Chính, ở khối Phú Lợi 2, phường Quỳnh Dị (TX. Hoàng Mai) có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động. Thương hiệu nước mắm của chị không chỉ nổi tiếng trong tỉnh mà còn mở rộng ra các tỉnh khác…
Xưởng sản xuất nước mắm của gia đình chị Chính khá nổi tiếng ở làng nghề Phú Lợi. Trên 600m2 đất thuê của xã tại vùng quy hoạch làng nghề, gia đình chị đã mở rộng quy mô sản xuất. Chị Chính cho biết, để đầu tư cơ sở sản xuất nước mắm, những ngày đầu gặp vô vàn khó khăn, đầu tiên là vốn, mặt bằng và quan trọng nhất là sự cạnh tranh trên thị trường.
...Ấy là vào năm 2001, khi được xã cho thuê mặt bằng để mở rộng sản xuất và Ngân hàng cho vay vốn, chị tập trung mở cơ sở sản xuất với tên gọi Quang Chính. Mặc dù nước mắm làm ra chất lượng tốt, thơm ngon, người dân trong vùng ai cũng biết, nhưng để có thị trường lớn hơn, vợ chồng chị lặn lội hàng tháng trời mang sản phẩm đi quảng cáo ở khắp các vùng trong tỉnh, rồi từ đó vươn ra nhiều tỉnh, thành như: Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Nội…
Trong khi nhiều nơi ngày càng cải tiến việc sản xuất nước mắm để làm sao có lợi nhuận cao nhất, thì gia đình chị vẫn duy trì công thức chế biến truyền thống. Chị Chính cho biết: “Để làm ra những chai nước mắm chất lượng cao không phải dễ, nguyên liệu nhập vào phải tươi và quy trình chế biến phải rất nghiêm ngặt, tuân thủ tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm. Cá cơm tươi vừa đưa lên bờ, được phân loại, rửa sạch, trộn đều với phụ gia, gồm: muối sạch (để càng lâu càng tốt), thính gạo, vừng rang thơm, rồi cho vào thùng, chum, vại… sau đó tiến hành gài nén, chèn vật nặng lên làm cho cá chìm xuống. Trong thời gian đó, phải theo dõi sát sao, đảm bảo phơi nắng đều. Thường thì cá được muối trong vòng 6 tháng đến một năm thành chợp, và cuối cùng là khâu rút nước mắm được tiến hành vào ban đêm hoặc sáng sớm để đảm bảo vệ sinh và độ tinh khiết”.
Để chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, đảm bảo sản xuất nước mắm quanh năm, ngoài việc hợp đồng, hỗ trợ nguồn vốn cho một số chủ tàu, gia đình chị Chính còn đầu tư tàu công suất lớn, đảm bảo mỗi chuyến ra khơi đánh bắt được 10 - 15 tấn cá. Vì vậy, xưởng sản xuất nước mắm của chị có thể chưng cất quanh năm, luôn có sản phẩm bán cho khách hàng. Ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ sở nước mắm Quang Chính còn quan tâm đầu tư cải tiến mẫu mã, nhãn mác để sản phẩm thu hút người tiêu dùng hơn, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Do đó, bên cạnh tạo việc làm ổn định cho các thành viên trong gia đình, mỗi năm cơ sở sản xuất của chị Chính còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương, với thu nhập 200 nghìn đồng/ngày/người.
Bài, ảnh: Quảng An