(Baonghean) - Một chiều tháng Tư, anh Xồng Bá Cha, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) dẫn chúng tôi vào bản Thăm Hín, thăm gia đình anh Thò Nênh Thông. Nhiều năm nay, anh Thông (SN 1978) được xem là tấm gương sản xuất giỏi nhất của xã. Bà con dân bản theo gương anh cũng từng bước thoát nghèo và phấn đấu khấm khá.

Anh Thò Nênh Thông tiếp chúng tôi bên ngôi nhà gỗ truyền thống bao đời của người Mông, anh tâm sự: “Mọi người cứ nói vậy thôi, chứ mình thấy đời sống còn khổ mà sản vật từ núi rừng dần cạn nên phải tìm cách thoát khỏi cái nghèo đã…”. Qua câu chuyện, anh cho biết, quê anh vốn ở bản Thăm Hín này, nhưng năm 1985 bố mẹ chuyển về sinh sống tại bản Lưu Thông (xã Lưu Kiền, Tương Dương). Cuộc sống khổ cực, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm...

Năm 21 tuổi, Thò Nênh Thông kết hôn với cô gái Lầu Y Gồ, cuộc sống càng khó khăn khi vợ sinh con. Vì thế, anh bàn với vợ vay vốn ngân hàng đầu tư nuôi dê. Hai vợ chồng háo hức mua 20 con dê, nhưng do không biết cách chọn giống và kỹ thuật chăm sóc nên sau một thời gian đàn dê chết hết. Loay hoay mãi đến năm 2003, cả gia đình anh dắt díu nhau trở về quê hương bản quán ở Thăm Hín làm ăn sinh sống. 

Anh Thò Nênh Thông chăm sóc vườn dứa.
Anh Thò Nênh Thông chăm sóc vườn dứa.

Về lại Thăm Hín không có một đồng vốn trong tay, khó khăn chồng chất khó khăn. Anh đến các nhà quen trong bản vay mượn được 600 nghìn đồng để mua 1 con bò. Nhưng chừng ấy chưa đủ để cải thiện cuộc sống gia đình đang cần cái ăn, cái mặc trước mắt. Có lần anh về quê vợ dự đám cưới, tình cờ anh gặp ông Lầu Súa Đà đang mang số tiền 15 triệu đồng đi gửi ngân hàng. Vợ chồng anh mạnh bạo hỏi vay, được ông vui vẻ đồng ý. Có được số tiền lớn trong tay, anh quyết định mua tiếp bò để nuôi. Trong năm 2003, anh mua đi, bán lại và lãi được hơn 40 triệu đồng từ 24 con bò. 

Có vốn, có hướng làm ăn, anh ra tận Sơn La tìm hiểu kỹ thuật nuôi nhím. Và anh là người Mông đầu tiên ở mảnh đất rẻo cao này mạnh dạn đầu tư nuôi nhím thịt theo kỹ thuật mới. Năm 2008, lúc phong trào nuôi nhím đang phát triển mạnh, nhận thấy khu vực này có nhiều điều kiện thuận lợi, anh mua 3 cặp nhím về nuôi. Năm 2010, đàn nhím đã phát triển lên 12 con.

Tại thời điểm ấy, 1 kg nhím thịt có giá 270 ngàn đồng, tính ra vợ chồng anh còn thu lãi hơn chục triệu đồng. Tuy nhiên, công việc nuôi nhím dần dần khó khăn khi giá nhím thịt trên thị trường ngày càng xuống dốc. Vợ chồng anh lại bàn nhau đầu tư vào canh tác nương rẫy với các loại cây trồng truyền thống của người Mông. Và cũng từ đây, Thò Nênh Thông đã được mọi người biết đến là một tấm gương điển hình sản xuất giỏi. 

Năm 2004, được Ban Quản lý bản Thăm Hín đồng ý cho sản xuất trên vùng đất gần xã Na Ngoi, vợ chồng anh đã xin giống gừng về để trồng. Nhưng thời điểm ấy, đến mùa thu hoạch gừng cũng không biết bán cho ai bởi đường sá rất khó khăn, ô tô không vào tới nơi được. Một vài thương lái đã dựa vào đó để ép giá. Năm 2008, nhận thấy điều kiện thuận lợi, anh đầu tư trồng, thu về 3 tấn gừng, năm 2010 mở rộng diện tích, thu về 6 tấn gừng giống. Thu nhập tuy không cao vì giá gừng rẻ nhưng cũng mang lại cho vợ chồng anh hơn 50 triệu đồng/năm. Đặc biệt năm 2014, giá gừng tăng mạnh nên anh đã thu về hơn 120 triệu đồng.

Anh bảo: “Mình không giấu dốt, cái gì không biết phải đi hỏi. Có những mùa, gừng trồng bị sâu bệnh phá hoại, mình lại cất công vào tận Đoàn kinh tế quốc phòng 4 nhờ các anh ấy hướng dẫn cho cách chăm sóc, cách phòng trừ sâu bệnh. Vì thế gừng của gia đình mình cũng được khách hàng ưa chuộng”. Những kỹ thuật học được anh đều truyền lại cho dân bản. Nhờ đó, từ khi cây gừng được đưa vào trồng thí điểm tại bản Thăm Hín tới nay, bà con đã từng bước thoát nghèo và trở thành bản có sản lượng gừng lớn nhất ở xã Nậm Càn.

Một loại cây trồng khác cũng mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình Thò Nênh Thông là cây đào. Đây là loại cây phù hợp với khí hậu lạnh vùng núi cao. Trước đây, ở các bản của người Mông, cây đào cũng sinh sôi phát triển mạnh, nhưng không ai biết dựa vào thế mạnh đó để phát triển kinh tế mà chỉ đơn thuần là để lấy quả ăn. Nhận thấy cứ mỗi năm vào dịp Tết, người dưới xuôi thường lên vùng biên giới lấy đào về bán, năm 2007, anh Thông trồng hơn 1.000 gốc đào. Hàng năm, anh đều thuê người chăm bón, tỉa cành nên đào phát triển nhanh chóng. Sau 5 năm, những gốc đào anh trồng đã phát huy hiệu quả. Năm 2013, anh thu về hơn 60 triệu đồng và năm 2014 là 72 triệu đồng từ đào.

Với mô hình kinh tế tổng hợp, biết phát huy lợi thế đất rẫy, Thò Nênh Thông đã có cuộc sống khấm khá. Anh cho rằng: “Nhờ bám vào nương rẫy, bám vào đất mà bây giờ các con ta đều được học hành tử tế tại Thị trấn Mường Xén. Gia đình ta cũng đỡ vất vả hơn, không còn là hộ nghèo nữa và đang từng bước làm giàu”…

Đào Thọ