(Baonghean) - Không chỉ được biết đến với vai trò là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Thường vụ Hội Nông dân phường Quang Phong nhiệt tình và tâm huyết, anh Phan Chí Dũng (ở khối Đóng, phường Quang Phong, TX Thái Hòa) còn được biết đến là một tấm gương thanh niên làm kinh tế giỏi.

Sinh năm 1977 trong một gia đình đông con, nghèo khó. Năm 2000, anh Dũng hết vào Nam, ra Bắc, rồi sang tận trời Nga xa xôi để làm thuê kiếm sống nhưng cũng chỉ đủ ăn. Với bản chất của một thanh niên “sinh ra từ làng” trong anh luôn đau đáu một khát vọng phải làm gì để giàu. Và cũng chính ý thức điều này  anh đã quyết định trở về gây dựng từ đầu ngay tại quê.

images1417952_anh_d_ng__b_n_tr_i__gi_i_thi_u_v__tr_u_gi_ng_v_a____c_mua_v_..jpgAnh Phan Chí Dũng (phải) giới thiệu về những con trâu sinh sản mà anh mới nuôi thí điểm

Nghĩ là làm, sau khi mày mò học hỏi mô hình nuôi nhím, nuôi dúi ở các tỉnh phía Bắc, đầu năm 2012, anh Phan Chí Dũng huy động gia đình, người thân và vay ngân hàng 40 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mua con giống. Thời điểm đó, một cặp nhím có giá tới 30 triệu, vì vậy anh chỉ mua được 2 cặp làm giống. Tuy nhiên, chỉ sau một năm cặp nhím bắt đầu sinh sản, với chu kỳ 5 tháng/lứa, mỗi lứa 2-3 con.

Kết hợp nuôi nhím, anh Dũng nuôi thêm dúi bởi chuồng trại, cách nuôi cũng không khác mấy. Dúi đẻ dày, 3 tháng/lứa, mỗi lứa 3-4 con, con to có thể lên tới 2 kg. Từ 5 cặp dúi giống ban đầu, gia đình anh đã nhân lên được hàng chục con.

Anh Dũng chia sẻ: “Thời điểm nào trong chuồng cũng có từ 5 đôi nhím sinh sản và hơn 10 nhím con, chưa kể đến 50 con dúi. Nếu không tính việc bán nhím, dúi giống sinh sản, chỉ bán nhím thịt, với giá 500 ngàn đồng/kg, dúi 300 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm tôi thu được gần 200 triệu đồng”.

Anh Phan Chí Dũng (trái) giới thiệu về chuồng trại chăn nuôi.

Không dừng lại ở đó, nhận thấy ở quê nguồn thức ăn cho bò rất dồi dào, cây ngô, rơm rạ bà con thu hoạch xong thường đốt bỏ rất lãng phí. Sau khi tìm hiểu kỹ, anh quyết định mở rộng sang nuôi nhốt bò sinh sản. Đầu năm 2014, từ nguồn vốn tích cóp được, anh mua 10 con bò cái sinh sản. Để có nguồn thức ăn, ngoài dành 1ha đất trồng cỏ, vào mùa vụ, anh đi thu gom các cây ngô, rơm rạ bà con bỏ không về phơi khô dự trữ thức ăn cho bò trong mùa đông.

Chỉ sau 1 năm chăm sóc, đàn bò đã sinh sản lứa đầu tiên với gần chục con. Mới đây, đầu tháng 10/2015 gia đình anh xuất bán, thu về gần 300 triệu đồng. Đáng nói, từ sự chia sẻ, hỗ trợ về kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi của gia đình anh Dũng, riêng tại địa bàn khối Đóng với 143 hộ thì đã có đến 100 hộ phát triển trồng cỏ nuôi bò cho thu nhập cao.

Anh Dũng còn cho biết thêm: Hiện nay, với mong muốn mở rộng quy mô chăn nuôi, vừa phát triển hơn nữa kinh tế gia đình, vừa có cơ hội tạo việc làm cho lao động địa phương, anh mạnh dạn vay ngân hàng 300 triệu đồng, cùng với đó thuê của phường 1,2 ha đất để trồng cỏ, tiếp tục chuyển hướng sang nuôi trâu sinh sản. Theo tính toán của anh Dũng, 15 con trâu giống đầu tư ban đầu sau 1 năm rưỡi sẽ sinh sản 15 con nghé, với giá trung bình hiện nay 15 triệu/con, tính ra chỉ hơn 2 năm sẽ thu lại vốn…

                                            Đặng Nguyễn

TIN LIÊN QUAN