(Baonghean) - Sau bao trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế, chị Nguyễn Thị Mến ở thôn 4, xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích 1 ha đất nông nghiệp. Bước đi mạnh dạn của chị đã mang lại thu nhập cao, mở hướng làm ăn mới cho nhân dân địa phương.
Phải qua mấy quãng đường nội đồng, chúng tôi mới đến được gia trại của gia đình chị Nguyễn Thị Mến. Nghe cán bộ xã giới thiệu về thành tích làm kinh tế của gia đình, chị vội xua tay nói: “Có thành tích chi đáng kể mô chú! Làm nông vất vả, thu nhập cũng đủ chi phí sinh hoạt cho gia đình thôi”.
Ấy là chị khiêm tốn vậy chứ với bà con thôn 4 này, không ai là không biết về mô hình kinh tế hiệu quả của gia đình Thôn trưởng Nguyễn Thị Mến. Nhiều năm về trước, cũng như những người dân trong thôn, kinh tế gia đình chị chỉ trông chờ vào 1 ha trồng ngô, mía, thu nhập chẳng đáng là bao. Đúng vào thời điểm Đảng ủy xã Hoa Sơn khuyến khích bà con năng động tự chuyển đổi nhằm xây dựng các mô hình kinh tế cao hơn, chị bàn với chồng hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên diện tích đất sản xuất vào năm 2014. Tận dụng vị trí ở gần nguồn nước thủy lợi, chị đầu tư đào 2 ao thả cá, rồi thiết kế các chân ruộng trồng các loại rau màu. Tất cả được quy hoạch liên hoàn để sử dụng hiệu quả nguồn nước ở ao cá phục vụ tưới tiêu. Trong các ao, gia đình chị nuôi các loại cá trắm, chép, trôi, mè, mỗi năm cho thu nhập khá. Nhưng hiệu quả hơn cả vẫn là chân ruộng rau màu. Mùa nào thức nấy, từ trồng bí, dưa chuột, mướp đắng đến đậu leo, mướp hương… Lau vội mồ hôi trên trán, chị Mến cho biết: “Lúc đầu mới triển khai cũng lo lắng lắm! Nhưng càng làm càng có thêm kinh nghiệm, rồi vợ chồng cũng bảo nhau tham gia thêm các lớp tập huấn kỹ thuật do xã, các đoàn thể tổ chức để nắm thêm kiến thức gieo trồng nên cũng yên tâm làm ăn”.
Sau hơn 1 năm chuyển đổi mô hình sản xuất, theo tính toán của chị Mến, hiệu quả được nâng lên rất nhiều. Trước đây, cùng trên diện tích ấy, gia đình làm cả ngô và mía cũng chỉ mang lại 24 triệu đồng, ấy là chưa tính công đầu tư. Nhưng chỉ với 1,3 sào dưa chuột vừa rồi thu hoạch, cũng đã mang về thu nhập 15 triệu đồng. “Trồng màu cũng như nuôi con mọn, phải chăm bón từng tí một. Nhưng, thời gian cho thu hoạch nhanh nên mỗi năm quay vòng được nhiều vụ, nhiều loại cây, đầu ra lại ổn định nên hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với trước chuyển đổi” - chị Nguyễn Thị Mến chia sẻ, ánh mắt rạng ngời về những kế hoạch tương lai. Theo đó, thời gian tới, gia đình chị sẽ mạnh dạn chuyển toàn bộ hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm từ trong nhà ra ngoài bãi để đảm bảo vệ sinh môi trường cho gia đình, thôn xóm.
Tư duy nông nghiệp tiến bộ ấy không chỉ giúp phát triển kinh tế gia đình chị, mà còn tạo niềm tin, động lực cho nhiều hộ dân trong xóm mạnh dạn chuyển đổi phương thức làm ăn, đưa đời sống xóm làng ngày càng khởi sắc. Người dân thôn 4 cảm mến người thôn trưởng tận tụy còn bởi sự nhiệt tình, tâm huyết với công việc. Bận rộn với công việc đồng áng, nhưng chị thường xuyên cùng ban cán sự thôn đi đến từng gia đình để trò chuyện, tư vấn, động viên nhân dân năng động, vươn lên làm giàu. Cũng từng thấm cảnh chật vật kinh tế, nên khi trò chuyện với bà con, chị Mến nói như trải lòng mình, ai cũng cảm nhận được sự chân tình từ chị. Ở xã Hoa Sơn nói riêng và toàn huyện Anh Sơn nói chung, chị Nguyễn Thị Mến được bình chọn là một trong những cá nhân tiêu biểu trong thực hiện phong trào thi đua “dân vận khéo” giai đoạn 2011 - 2015. Chị tâm niệm, công tác dân vận phải xuất phát từ cái tâm, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, có như vậy mới thành công.
Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn cho biết: “Thực hiện chủ trương của xã khuyến khích bà con tự chuyển đổi mô hình sản xuất, là thôn trưởng, chị Mến đã tiên phong, gương mẫu thực hiện và bước đầu thành công, trở thành hạt nhân trong thay đổi tư duy làm nông nghiệp, mở ra hướng sản xuất mới cho người dân địa phương. Hiện nay, trên địa bàn xã Hoa Sơn cũng đã xuất hiện những mô hình chuyển đổi kinh tế của bà con nông dân. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế để nâng cao đời sống, xây dựng nông thôn mới”.
Trong 5 năm (từ 2011 - 2015) các tổ chức trong hệ thống chính trị huyện Anh Sơn đã phối hợp xây dựng được 627 mô hình "Dân vận khéo". Trong đó, lĩnh vực kinh tế có 238 mô hình; lĩnh vực văn hoá - xã hội có 156 mô hình; lĩnh vực quốc phòng an ninh có 121 mô hình; lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị có 112 mô hình. |
Nhật Lệ