Thần kinh khi hoạt động đến một mức nào đó thì chuyển sang ức chế cũng ở ngưỡng cần thiết để bảo vệ. Khi dùng thuốc làm xáo trộn quá trình này sẽ có hại.
Amphetamin: Kích thích tâm thần, làm tăng dopamin, norepinephrin, serotonin não do đó làm tăng sự tỉnh táo, tăng sự chú ý, giảm mệt mỏi, giảm thèm ăn. Trước đây dùng chống cơn buồn ngủ cho binh lính. Ngày nay, thuốc được dùng trong phạm vi lâm sàng hạn chế để điều trị một số triệu chứng sau chấn thương não, chứng buồn ngủ ban ngày của bệnh ngủ rũ, hội chứng giữ nguyên tư thế, hội chứng tim nhanh, hội chứng mệt mỏi mạn tính, có nước dùng trong chứng rối loạn mất tập trung tăng động (ADHD). Amphetamin và dẫn chất của nó là nhóm thuốc gây nghiện (gọi là ma túy trẻ, ecstasy).
Khi dùng thuốc này kéo dài để học thi thì các em sẽ quen, thèm thuốc không bỏ được, có khuynh hướng dùng tăng liều để "phê". Lúc đó sẽ bị các triệu chứng độc, ban đầu có hứng thú giả tạo (do sự tăng và bóp méo cảm giác) như có cảm giác tự tin, có quyền lực, có ưu thế, tỉnh táo, mất ngủ, quên ngủ, không kiểm soát được cử động, lắc lư, nói nhiều, dễ giao tiếp nhưng không ý thức được lời nói, gây hấn, tăng động, đỏ bừng, khô miệng, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, tăng thở… về sau sẽ chuyển sang suy kiệt (do rối loạn chức năng) như đau đầu, chóng mặt, sốt, đổ mồ hôi, tiêu chảy, táo bón, mờ mắt, khô ngứa da, tái nhợt, rối loạn cương dương, mệt mỏi, ngủ li bì, thậm chí trụy mạch, suy hô hấp tử. Thả lỏng để các em dùng amphetamin là đưa chúng vào con đường nghiện ngập.
Thuốc không làm tăng trí nhớ khi học thi
Ritalin: Có những trẻ có tình trạng kích thích không tới ngưỡng cần thiết để hoạt đông; định làm một việc gì đó nhưng quên mất, lại nghĩ sang việc khác, rồi lại quên, lại tiếp tục nghĩ đến việc khác nữa… cứ thế suy nghĩ cứ lướt qua mà không cố định ở việc nào (mất tập trung). Từ đó, trẻ làm hết việc này sang việc linh tinh khác không đâu vào đâu (tăng động). Thuật ngữ chuyên môn gọi là rối loạn mất tập trung tăng động (ADHD = attension deficid and hyperactivity disorder).
Dùng ritalin làm tăng hoạt động của thụ thể dopaminergic não, do đó làm tăng dopamin, kích thích tâm thần, làm cho sự kích thích đạt đến ngưỡng cần thiết nên tăng sự tập trung, được dùng trong chứng ADHD. Việc dùng này là theo giả thiết chứ chưa có nghiên cứu, kết luận rõ ràng. Trong thực tế, khi dùng cho trẻ ADHD có thu được một số lợi ích khiêm tốn nhưng cũng gặp không ít rủi ro.
Thử nghiệm dùng trong vài tuần thấy có 0,1% trẻ bị các rối loạn tâm thần. Thử nghiệm dùng sau nhiều năm thậm chí chỉ sau nhiều tháng thấy 6% trẻ bị loạn thần. Điển hình là ngay sau khi ngừng điều trị, xuất hiện triệu chứng loạn thần bao gồm: hội chứng lệ thuộc thuốc, hoang tưởng, tâm thần phân liệt, ảo giác về âm thanh, về thị giác, có cảm giác có người hại mình, cảm giác lo âu, cảm giác quá thoải mái (phởn phơ), dễ nhạy cảm, nhầm lẫn, hoang tưởng, cảm giác mình có ưu thế, tăng sự kích động, hung hăng, bạo lực. Trẻ còn nhỏ dùng lâu dài thuốc này khi lớn lên sẽ hoạt động cứng nhắc như cái máy, không thể sống bình thường nếu không có thuốc. Các em học sinh có tâm trí bình thường mà dùng loại thuốc này để tăng trí nhớ là sai chỉ định, dĩ nhiên sẽ chuốc lấy các tai họa như nói trên.
Nước ta không chủ trương điều trị ADHD bằng thuốc nên cũng không cho nhập ritalin. Tuy nhiên, vì có nhiều nước dùng chúng trong điều trị ADHD nên thuốc thẩm lậu vào nước ta, bán chui, không nên mua dùng.
Piracetam (nootropyl): Tác động trực tiếp lên não, cải thiện khả năng dẫn truyền thần kinh trên cả chủ thể bình thường lẫn chủ thể từng trải qua sự thiếu hụt một vài chức năng hệ thần kinh trung ương, làm dịu sự dẫn truyền thần kinh ở não, làm phục hồi sự nhận thức, nhớ, học tập, tính linh hoạt, tỉnh táo… nên trước đây gọi là thuốc hưng trí. Tuy nhiên, năm 2002, các nghiên cứu cho biết piracetam có cải thiện trí nhớ cho những người suy giảm trí nhớ lúc cao tuổi; sau đó, năm 2008, Học viện Khoa học y tế Anh chỉ ra rằng, piracetam có tác dụng với mất trí nhớ do thiếu sót chức năng trong hệ thống nhận thức.
Như vậy, việc dùng piracetam theo các nghiên cứu mới nhất là để phục hồi lại sự thiếu hụt chức năng nhận thức, sự suy giảm nhận thức do tuổi tác chứ không phải làm tăng trí nhớ. Các em học sinh có chức năng nhận thức bình thường, không suy giảm trí nhớ mà dùng piracetam để tăng trí nhớ là không đúng chỉ định nên không thể có hiệu quả như mong đợi.
Một số thuốc khác: glutaminol, glutamyl- B6, cervetonic (gồm glutamiuic + vitamin B1), pho- L (gồm phosphoserin + glutamin + vitamin B12).Theo lý thuyết, acid glutamic làm tăng sự kích thích (trong hệ GABA- glutamat), vitamin B1 giúp cho sự dẫn truyền thần kinh, vitamin B6 tốt cho tiền đình, B12 và phoserin có lợi cho thần kinh. Tuy nhiên, dùng đơn độc hay phối hợp các chất trên không hề thấy chúng làm tăng trí nhớ. Các thuốc trên chỉ dùng trong chứng suy nhược chức năng chung chứ không có một chỉ định đặc hiệu nào, đương nhiên sẽ không có hiệu năng làm tăng trí nhớ.
Ginkgo biloba: Người cao tuổi bị thiếu máu tuần hoàn não thoáng qua nên hay bị quên trong chốc lát (kèm theo nhức đầu, chóng mặt, nhìn mờ…). Dùng ginkgo biloba để tăng cường tuần hoàn não phòng các chứng trên. Các em học sinh không bị bệnh này mà dùng ginkgo biloba là sai chỉ định và không thể làm tăng trí nhớ.
Không có thuốc làm tăng trí nhớ. Muốn tránh sự căng thẳng trong học tập cần phải có kế hoạch, không để bài vở đọng lại đến giờ chót mới tăng tốc học. Bồi dưỡng sức khỏe bằng ăn uống hay dùng một số vitamin, vi lượng sẽ giúp cho thần kinh hoạt động tốt hơn, nhưng cũng cần làm từ đầu chứ không phải đợi đến lúc gần thi.