(Baonghean) - Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ Xuân về các Toà soạn báo lại nhộn nhịp chuẩn bị ra số báo Tết. Nhắc đến báo Tết, mọi người lại thấy rộn ràng, phấn khích. Cán bộ, phóng viên, nhân viên ngoài tất bật với với những số báo hàng ngày còn phải vất vả "chạy" cho kịp tiến độ xuất bản báo Tết. Tất cả đều cố gắng làm sao cho số báo đặc biệt ấy thật bắt mắt với độc giả trong những ngày Xuân.
Ở phương Tây không có báo Tết, chỉ có những phụ trương mỏng ra trong các số đầu năm, tổng kết những sự kiện, những nhân vật nổi bật trong năm mà thôi. Còn ở ta, báo Tết đã trở thành một món ăn tinh thần khi Xuân về. Báo Tết vừa thể hiện sự đánh giá nhìn nhận, tổng kết cả năm, có dự cảm cho năm mới, thường được chuyển tải nhiều nội dung văn hóa văn nghệ. Báo Tết còn là nơi quy tụ những cây viết tên tuổi, những bài viết và hình ảnh đặc sắc. Báo Tết còn được cố gắng để là ấn phẩm đẹp nhất trong năm của các tòa soạn.
Làm báo Tết tại tòa soạn Báo Nghệ An.
Làm báo tết vui, nhưng rất bận rộn. Những ngày cuối năm này, cường độ công việc ở các tòa soạn “căng” hẳn lên vừa ra báo ngày, lại phải khẩn trương hoàn tất báo Tết trong một thời gian ngắn. Ban Biên tập, các biên tập viên, kỹ thuật viên, hoạ sỹ nhiều lúc phải thức thâu đêm. Còn cánh phóng viên cũng đầu tư nhiều cho các bài viết, nội dung tuyên truyền, phối hợp với doanh nghiệp, cơ sở để cùng “chung vui” vào số báo Tết.
Thế rồi mọi việc cũng qua. Khi nhìn thấy tờ báo Tết vừa in xong "sáng trưng", thì những vất vả của mọi người như tan biến tự bao giờ. Biết làm báo Tết là vất vả đấy, nhưng nếu không có báo Tết thì lại cảm thấy hụt hẫng đi không khí của mùa Xuân! Và hơn bao giờ hết, báo Tết luôn là các ấn phẩm đặc biệt, một món ăn tinh thần được gửi tới các chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo xa xôi đang ngày đêm canh giữ vùng biên cương của Tổ quốc. Báo Tết còn là món quà gửi tới những người sống xa quê hương, nơi luôn cần các thông tin văn hóa, hoạt động truyền thống của quê hương mỗi dịp Xuân về...
Làm báo Tết
Duy Ngọc