Đã có một thế hệ phóng viên xung phong vào chiến trường với tuổi trẻ, tinh thần dũng cảm, không ngại gian khổ, hiểm nguy. Nhớ về họ, nhắc lại những kỷ niệm về một thời làm báo chiến trường, không chỉ để tri ân quá khứ mà còn là cơ hội để những người làm báo đi sau có thêm cho mình những trải nghiệm đáng quý, để hiểu và trân trọng nghề hơn.
Nhà báo – nhà văn chiến trường Dương Thị Xuân Quý: Dấn thân trong sống và tác nghiệp
Nhà báo – nhà văn Dương Thị Xuân Quý khi đó đang là PV của Báo Phụ nữ Việt Nam (từ năm 1961 đến năm 1968), vào chiến trường Quảng Nam – Liên khu 5 tháng 7/1968, nơi có người chồng là nhà thơ Bùi Minh Quốc cũng đã vào đó trước một năm. Khi đó con gái mới mười sáu tháng tuổi, Xuân Quý để con lại cho bà ngoại nuôi ở nơi sơ tán.
Vào chiến trường với tư cách PV Tạp chí Văn nghệ giải phóng thuộc Trung Trung Bộ (Khu 5). Và đến đêm ngày 8 tháng 3 năm 1969, trong một trận càn quét ác liệt của quân địch, bà đã hy sinh tại thôn Thi Thại, tỉnh Quảng Nam.
Trong hồi kí của Bùi Minh Quốc – chồng bà: “Với chiếc xe đạp lọc cọc, Quý thường xuyên có mặt ở các làng xóm miền Bắc, từ Thái Bình, Hải Hưng, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh đến làng xóm ngoại thành Hà Nội. Quý về đó không phải chỉ như một cô nhà báo với cuốn sổ cây bút trong tay gặp người này người nọ hỏi và ghi, rồi đi.
Không, Quý về đó như một con người tìm đến những con người, sống đời sống của người nông dân chân lấm tay bùn một nắng hai sương, chia sẻ từng niềm vui nỗi khổ của một chị đội trưởng sản xuất, một cô cán bộ kỹ thuật, một cô bí thư xã đoàn, một anh chủ nhiệm hợp tác xã. Mang thai bé Ly đến tháng thứ sáu, Quý vẫn lặn lội về Quảng Nạp (Thái Bình) vừa lấy tài liệu vừa đi cấy với chị em xã viên”.
Ở chiến trường, bà vẫn giữ tính xông xáo ấy, luôn đề nghị cho đi về dưới vùng sâu- vùng đồng bằng nơi đang diễn ra chiến sự ác liệt để được sống và hiểu bộ đội, nhân dân kháng chiến thế nào, tội ác của kẻ thù xâm lược ra sao… Những ngày đó, khi nhận được tin cấp trên đồng ý cho đi, bà rất vui sướng ghi trong nhật ký: “15/12/1968… Lạ thế, biết là nguy hiểm lắm nhưng sẵn sàng lao vào, dù có hy sinh. Đời người ai chả chết… Lo, mình lo chứ. Nhưng mình quyết tâm và mình nghĩ thế này: Dù có chết thì cũng như bao người đã chết thôi. Nghĩ vậy, không thấy sợ nữa”.
Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp: “Viết đêm với đèn cơ động bỏ túi”
Nhà báo, Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp, nguyên phóng viên tòa soạn tiền phương, Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ (1953-1954) kể lại câu chuyện tác nghiệp thời của ông: “Phóng viên tác nghiệp độc lập, một thân một mình lo mọi thứ. Biết được hướng đơn vị đóng quân, tên cán bộ chỉ huy, ký hiệu liên lạc, cứ thế mà đi tìm. Càng tiếp cận được nhiều đơn vị, chiến sĩ càng tốt; ít khi ăn đến hai bữa ở một bếp, ngủ đến hai lần ở một nơi. Viết nhanh gọn, súc tích, nhiều khi viết đêm với đèn cơ động bỏ túi bằng lọ mực hay ống tiêm cũ…”.
Đại tá, nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp còn cho rằng: “Sẽ không có lần thứ hai làm báo như ở mặt trận Điện Biên Phủ. Trong làng báo thế giới, cũng không có một tòa báo ở chiến trường như Điện Biên Phủ của ta…”.
Nhờ đồng đội thu thập thông tin hay
Thu thập thông tin của phóng viên chiến trường là cả những chuỗi câu chuyện ly kỳ và khó khăn và đầy sáng tạo. Nhớ lại cảnh tác nghiệp của những năm chống Mỹ, ngoài việc vượt đường xa, vượt bom đạn để đến tận nơi, các phóng viên ngày đó đều phải dựa vào việc thu thập thông tin của các chiến sỹ. Với các loạt bài đăng dài kỳ, đó là sự cộng hưởng, góp công góp sức của rất nhiều CTV khai thác và thu thập giúp nguồn thông tin.
Cũng trong chiến tranh mới có những loạt bài ghi chép đăng hàng chục số báo mà viết đến đâu in đến đó… Nhà báo Nguyễn Mạnh Hùng, phóng viên chiến trường những năm chống Mỹ kể lại: “Điều kiện thu thập thông tin trong chiến tranh vô cùng khó khăn nên nhiều bài viết phải có sự đóng góp thông tin từ nhiều nguồn, nhiều người. Phóng viên có mặt ở một góc trận đánh kết hợp với phóng viên ở Sở chỉ huy trận đánh hoặc chiến dịch. Ngoài ra còn kết hợp thông tin từ Tổng hành dinh, Cục Tác chiến, báo chí nước ngoài…”.
Những ngày đó, các phóng viên luôn ở tinh thần chiến đấu cao độ, luôn tìm mọi cách tiếp cận thông tin để có những bài viết quý giá… và ở đó, có thể là những trang viết, dòng tin đổi bằng máu, bằng sự hy sinh của đồng đội.
Theo Congluan.vn