(Baonghean) Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ thị trường, thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP; Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh giảm mạnh lãi suất nhằm giảm áp lực chi phí vốn vay cho doanh nghiệp. Thế nhưng, trong điều kiện nền kinh tế suy yếu, sức mua giảm sút, hàng tồn kho lớn… sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn còn yếu…

Đến  các khu công nghiệp  (KCN) của tỉnh: Nam Cấm, Bắc Vinh,  Nghi Phú, thấy rõ sự khó khăn ở hoạt động của doanh nghiệp. Nhìn chung, cả 3 KCN này đều trầm lắng, thiếu sự sôi động của. Bên cạnh một số đơn vị còn cố gắng cầm cự sản xuất thì nhiều nhà máy đã đóng cửa im lìm, mặc cho cỏ và bụi phủ kín khuôn viên.

                  Đầu ra khó, doanh nghiệp giảm nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất.

Ông Nguyễn Đình Sinh- Giám đốc Công ty CP Austdoor Nghệ An (tại Khu CN Nghi Phú) chia sẻ: Gần đây, lãi suất vay ngân hàng đã hạ nhưng tình hình kinh tế khó khăn, sức mua của khách hàng kém, do đó doanh nghiệp không vay vốn nhiều. Có những thời điểm lãi suất cao, doanh nghiệp chúng tôi phải vay vốn với lãi suất lên tới 21,3%/năm, đến thời điểm hiện nay giảm xuống còn 13%/năm nhưng doanh nghiệp không dám vay vốn thêm để đầu tư sản xuất. Các năm trước nhu cầu vốn vay 6 – 7 tỷ đồng để phục vụ sản xuất, năm nay chúng tôi chỉ vay 3 tỷ đồng. Hiện thị trường bất động sản đang đóng băng, các dự án chung cư đô thị ngừng triển khai, sản phẩm cửa cuốn, cửa nhựa Austdoor của chúng tôi tiêu thụ chậm. Trong khi các chi phí sản xuất khác đều tăng nhưng giá bán sản phẩm không tăng được. 7 tháng đầu năm 2012, mức doanh thu mới đạt  60% so với kế hoạch đề ra.

Bà Nguyễn Thị Loan – Phó Giám đốc Công ty TNHH Việt Mỹ (tại KCN Nghi Phú) bộc bạch: Những năm trước sản xuất, kinh doanh thuận lợi, có thời điểm lãi suất vay cao lên tới 23%/năm, nhưng nhu cầu vốn vẫn lớn. Nay được vay vốn lãi suất thấp 12%/năm, song nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp rất ít vì sản phẩm không có đầu ra. Công ty chúng tôi chuyên sản xuất phân bón NPK và kinh doanh thương mại, sản phẩm chủ yếu phục vụ thị trường nông nghiệp, nông thôn, nhưng  thời tiết ngày càng phức tạp, thiên tai, sản xuất nông nghiệp bấp bênh, kém hiệu quả, mất mùa. Bên cạnh đó, giá vật tư phân bón đầu vào cao, trong khi giá đầu ra cho nông sản thấp, nông dân cắt giảm đầu tư phục vụ sản xuất. Công ty thường xuyên cho dân vay phân bón từ đầu vụ sản xuất, đến cuối vụ mới thanh toán tiền (không tính lãi suất) nhưng sức tiêu thụ vẫn kém. Năm nay tiêu thụ phân bón mới chỉ bằng khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, hàng tồn kho nhiều. Ngân hàng đang mời chúng tôi vay vốn rẻ, song Công ty không dám vay thêm vì sản phẩm không có đầu ra.

Cùng suy nghĩ, ông Lê Xuân Đạt – Giám đốc Nhà máy gạch Granite Trung Đô (tại KCN Bắc Vinh) cho hay:  Năm nay quả là một năm vô cùng khó khăn, đặc biệt đối với ngành Xây dựng. Đơn vị sản xuất gạch ốp lát như chúng tôi phải đối mặt với nhiều áp lực, thị trường trong nước tiêu thụ quá khó, cạnh tranh khốc liệt với gạch Trung Quốc giá rẻ, giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá điện tăng, xăng dầu lên giá đẩy chi phí vận tải tăng …

Trong khi đó đầu ra phải giảm do hàng tồn kho lớn, phải xả hàng để nuôi đội ngũ cán bộ, công nhân, duy trì bảo dưỡng máy móc. 7 tháng đầu năm 2012, Nhà máy gạch Granite Trung Đô tiêu thụ gần 1 triệu viên ngói và 1,2 triệu m2 gạch lát, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng tiêu thụ thấp, nhà máy hạn chế sản xuất nên nhu cầu vay vốn thấp hơn. Chính sách giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cắt giảm chi phí đáng kể, song trong bối cảnh hiện nay, hàng hoá sản xuất ra không tiêu thụ được thì vốn rẻ, cũng khó hấp thụ. Năm nay chúng tôi chỉ mong hoạt động được hoà vốn là tốt rồi!

Lãi suất đã giảm nhưng điều mà doanh nghiệp cần hơn trong lúc này là thị trường tiêu thụ, đầu ra cho sản phẩm. Chỉ khi sức mua tăng, lượng lưu thông hàng hoá ổn định trở lại thì mới thúc đẩy sản xuất, tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

Quỳnh Lan