(Baonghean) - Do tính chất công việc nên tôi thường xuyên công tác ở nước ngoài. Nơi tôi đến đa số là các quốc gia vùng Đông Nam Á. Điều đặc biệt đọng lại trong tôi không phải nước đó giàu, văn minh, rừng vàng, biển bạc,… mà là ở cách hành xử giữa người với người.
Đó là quốc gia Campuchia, nơi tôi thường đến. Tôi thích cách lịch thiệp của họ. Dù là người xa lạ, họ vẫn có cái nhìn trìu mến và cử chỉ thân thiện. Nhiều lần, đoàn du lịch của chúng tôi va quệt vào xe ô tô, xe Tuk Tuk của họ nhưng thay vì sửng cồ, khó chịu, họ lại lùi xe để nhường đường cho khách qua và chắp tay, cúi đầu.
Một kiểu xã giao thuần túy của quốc gia họ nhưng rất đẹp. Nhiều khách người Việt cho rằng đó là do quốc gia họ không có tài nguyên, đa phần hàng hóa đều nhập khẩu, chỉ nhờ vào du lịch nên họ ra sức “lấy lòng”. Điều đó cũng đúng nhưng chưa đủ. Cách hành xử có văn hóa của một người tốt hay xấu là do nếp quen trong cộng đồng, do giáo dục cả một thời gian dài mà có…
Nước ta có tài nguyên trù phú, danh lam thắng cảnh (thậm chí nhiều nơi được UNESCO công nhận là di sản thế giới) trải dài từ Bắc vào Nam, thuận lợi cho việc du lịch. Ngành Du lịch Việt cũng đang phát triển, dù không bằng một số quốc gia trong khu vực, cho thấy chúng ta chú trọng lĩnh vực thiên về dịch vụ.
Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây là cách hành xử của người Việt chúng ta chưa được nhã nhặn, nhất là những thành phố lớn, khi mà hàng triệu con người đổ về đó sinh sống để tìm kế mưu sinh. Vì thế, ngành Du lịch ít nhiều bị ảnh hưởng. “Một con sâu làm rầu nồi canh” - chưa bao giờ một số người cá biệt nghĩ thế, nên hình ảnh đánh chửi nhau vì mâu thuẫn nhỏ cứ diễn ra hàng ngày.
Như khi va quệt xe, thay vì người sai hoặc cả hai xin lỗi làm hòa, hoặc nhã nhặn tranh luận, hoặc nhờ cảnh sát giao thông giải quyết, thì họ lại cãi vã rồi dẫn đến xô xát, nhiều khi gây án mạng. Chẳng những đàn ông, mà phụ nữ cũng vào cuộc. Họ sẵn sàng nắm tóc, chửi bới, đánh tơi bời người khách chỉ vì không mua hàng hoặc trả giá quá thấp.
Điều đáng buồn hơn là giới trẻ Việt ngày nay, còn ngồi ghế nhà trường nhưng mang trong mình tính khí hung hãn. Các em sẵn sàng đánh bạn chỉ vì những chuyện vô cớ hoặc kết bè kết phái để bắt nạt những người bạn yếu thế hơn mình. Một nam sinh bê nguyên chồng ghế nện lên đầu nữ sinh học cùng trường (ở Trà Vinh) đã thể hiện sự “không đáng mặt đàn ông”, nói chi đến việc xúc phạm thân thể người khác.
Hay 2 cô gái với tuổi đời chưa đầy 18 đã hẹn nhau ra phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) để đánh nhau chỉ vì bị chê xấu. Đó là chưa nói một số quán ăn, cứ ỷ gia truyền, “đắt khách” rồi “chảnh” và có cái quyền mắng mỏ “thượng đế”.
Hoặc một số chủ quán, do thực khách phản ánh tính giá quá cao, không phục nên bị hăm dọa đánh, hoặc đánh đến nhập viện suýt mất mạng.
Đã đến lúc một số người Việt cần từ bỏ thói hung hãn để thay đổi bộ mặt thành phố nói riêng và với quốc thể Việt Nam nói chung. Đừng để bạn bè năm châu đến một lần rồi bỏ chạy chỉ vì chứng kiến một số cá nhân quá hung hãn, cứ “không ưa là đánh, là gây sự”.
Để làm được điều đó, tất nhiên cần phải trải qua một quá trình dài, có hệ thống. Nhưng chậm không phải là muộn mà là chắc. Chẳng phải người Nhật đã trải qua một thời gian dài hàng trăm năm để có văn hóa xếp hàng, văn hóa kinh doanh, văn hóa nhẫn nhịn…
Nhà trường, gia đình cần giáo dục con trẻ ngay từ nhỏ thông qua những bài học sinh động, thực tế (chứ không phải đơn thuần trên mặt giấy), để trẻ biết cách hành xử tốt giữa người với người. Mặt khác, người lớn rất nên kìm chế tính hung hãn, hành xử nhã nhặn để làm gương cho con trẻ và để duy trì tính lịch sự, hòa hiếu thành lề thói.
Đúng là ai cũng có lúc nóng giận, nhưng cần phải biết chế ngự, xử sự theo cách nhân văn thay vì hùng hổ đánh nhau. Nếu làm được như thế, chẳng những ngành Du lịch Việt Nam phát triển, mà các ngành khác và tổng thể kinh tế Việt Nam sẽ thịnh vượng, vươn xa; con người Việt Nam cũng sẽ được nức tiếng trên toàn thế giới vì cách hành xử có văn hóa./.
Trung Thành