Nhất quán quan điểm: Sức khỏe và tính mạng của nhân dân là trên hết
Trong phòng, chống đại dịch Covid-19, lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam nhất quán quan điểm: Sức khỏe và tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết. Để thực hiện mục tiêu ấy, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến sức khỏe, tính mạng và đời sống nhân dân.
Cùng với các biện pháp chuyên môn, nhiều biện pháp quản lý xã hội được thực hiện. Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, Việt Nam thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, “ai ở đâu ở yên đó”, lập các chốt kiểm soát việc đi lại và thực hiện các quy định về phòng, chống dịch của nhân dân. Thủ tướng chỉ đạo: Giãn cách xã hội phải làm triệt để và trong thời gian ngắn, đạt mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh. Dứt khoát không để tình trạng giãn cách kéo dài, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân,... Như vậy, chủ trương của Việt Nam về việc này là rất rõ ràng, công khai, minh bạch. Qua khảo sát về dư luận xã hội, các tầng lớp nhân dân đều nhận định công tác phòng, chống dịch của Chính phủ đang đi đúng hướng, các giải pháp đồng bộ về giãn cách xã hội, điều trị, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự được người dân đồng tình.
Theo tinh thần đó, tại các địa bàn, nhất là tại các điểm nóng, biện pháp giãn cách xã hội đã phát huy tốt tác dụng, góp phần quan trọng hạn chế lây lan của dịch bệnh. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát thì biện pháp giãn cách xã hội cũng dừng, các chốt kiểm dịch cũng dỡ bỏ. Đến nay, tuy đã được kiểm soát nhưng tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp gây khó khăn cho cuộc sống của nhân dân ở nhiều địa phương và những nỗ lực phòng, chống dịch vẫn đang tiếp tục. Trong điều kiện mới, Việt Nam khuyến cáo người dân hạn chế đi lại; ở những địa bàn nguy cơ cao chỉ bán hàng mang về, không tụ tập đông người; thực hiện "1 cung đường, 2 điểm đến"... để phòng, chống dịch Covid-19.
Quyền tự do đi lại, cư trú của công dân được bảo đảm
Cần khẳng định mạnh mẽ rằng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền tự do đi lại, cư trú của công dân. Điều 23 Hiến pháp 2013 của Việt Nam khẳng định: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Trong bối cảnh hội nhập, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhu cầu phát triển giao lưu, quan hệ mọi mặt giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế, những quy định pháp luật về việc đi lại, cư trú của công dân Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam ngày càng được bổ sung, sửa đổi theo hướng cởi mở và tự do. Các thủ tục hành chính gây phiền hà cho việc đi lại, cư trú của công dân đều bị bãi bỏ. Quyền tự do xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam được hiến định trong Hiến pháp 2013 và cụ thể hóa trong Luật Xuất cảnh, nhập cảnh được Quốc hội thông qua ngày 22/11/2019. Theo đó, công dân Việt Nam có các quyền về xuất cảnh, nhập cảnh: “Được cấp giấy tờ xuất, nhập cảnh theo quy định; người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử; được xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định; được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật; yêu cầu cung cấp thông tin về xuất cảnh, nhập cảnh của mình; yêu cầu cập nhật, chỉnh sửa thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, giấy tờ xuất nhập cảnh của mình để bảo đảm đầy đủ, chính xác; sử dụng hộ chiếu của mình để thực hiện giao dịch hoặc thủ tục khác theo quy định của pháp luật; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Việt Nam đã ký kết Hiệp định lãnh sự; Hiệp định tương trợ tư pháp; Hiệp định kiều dân; Hiệp định thỏa thuận miễn thị thực; đơn phương miễn thị thực nhập cảnh cho công dân một số nước, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập cảnh, cư trú của công dân và người nước ngoài, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài cũng như giải quyết các vấn đề phát sinh từ việc cư trú, đi lại của công dân Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam.
Thực tế đã khẳng định quyền tự do đi lại, tự do cư trúcủa công dân Việt Nam luôn được Nhà nước tôn trọng, bảo đảm. Công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân, các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của Chính phủ Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, tạo điều kiện cho công dân ra nước ngoài công tác, học tập, lao động, du lịch, khám chữa bệnh, thăm thân... Nhờ những cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất cảnh, nhập cảnh nên số lượt công dân Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài với nhiều mục đích khác nhau ngày càng tăng.
Không thể qua mắt được nhân dân ta
Sự thật về bảo đảm quyền tự do đi lại, cư trú của công dân ở Việt Nam và việc hạn chế đi lại để phòng, chống dịch Covid-19 chỉ là vậy, thế nhưng trên BBC NEWS tiếng Việt, RFA và một vài trang mạng, những kẻ lâu nay chuyên sống bằng nghề “bới lông tìm vết” đã khoác áo “bảo vệ nhân quyền” rêu rao rằng biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ Việt Nam là “vi phạm quyền tự do đi lại, tự do cư trú” của người dân. Nguy hiểm hơn chúng còn dựng chuyện, xuyên tạc nói rằng Nhà nước ta lợi dụng giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 để đàn áp, bắt giam những “nhà dân chủ”, “nhà hoạt động nhân quyền”. Chúng triệt để khai thác những khó khăn, bất cập, những vấn đề nảy sinh trong xã hội để bóp méo, xuyên tạc làm sai lệch bản chất từ đó kích động bức xúc xã hội, suy diễn, quy chụp vu cáo chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Cần khẳng định rằng, tất cả những biện pháp mà Việt Nam thực hiện không nhằm mục tiêu nào khác là ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch Covid-19 bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân. Cùng với phòng, chống dịch Covid-19, các lĩnh vực, các mặt công tác khác vẫn phải bảo đảm hoạt động. Việt Nam không vì phòng, chống Covid-19 mà buông lỏng quản lý xã hội, giữ gìn trật tự kỷ cương. Những người bị các cơ quan chức năng bắt giữ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội là do họ đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Họ không là “những nhà dân chủ”, “nhà hoạt động nhân quyền” như cách gọi của một số cá nhân, tổ chức mưu toan sử dụng họ làm công cụ để chống phá Việt Nam.
Những giọng điệu ấy không nhằm động cơ gì khác là nói xấu, làm suy giảm uy tín của Đảng và Nhà nước Việt Nam; gieo rắc tâm lý bi quan, hoài nghi, thiếu tin tưởng vào các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ Việt Nam; kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; phủ nhận những nỗ lực và kết quả của Việt Nam trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19. Nhưng xét cho cùng mục tiêu sâu xa của các giọng điệu ấy vẫn là xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ và thực chất là tấn công vào nền tảng tư tưởng, thế giới quan, phương pháp luận của Đảng ta.
Nhưng tất cả những luận điệu, chiêu trò ấy dù thâm hiểm đến đâu đi chăng nữa cũng không thể che mắt được nhân dân Việt Nam. Tuyệt đại đa số nhân dân ta hiểu rằng, các chủ trương, chính sách, biện pháp mà Chính phủ và các địa phương áp dụng là linh hoạt, phù hợp và cần thiết với tình hình cụ thể của công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 và không nhằm mục đích gì khác là bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân cũng như bảo đảm quyền con người. Những thành quả to lớn của Việt Nam trong bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người nói chung; quyền tự do đi lại, tự do cư trú và quyền được chăm sóc, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của công dân,… là không thể phủ nhận. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta kiên quyết đấu tranh phản bác, đập tan mọi luận điệu, chiêu trò “núp bóng Covid-19” để chống phá Việt Nam.