Hàng năm, từ ngày 15 tháng Chạp, đồng bào các dân tộc vùng cao Nghệ An, trong đó nhiều nhất là các huyện: Quế Phong, Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương... vào rừng đi lấy lá dong về bán Tết. Có những gia đình tận dụng đất vườn nhà để trồng cây lá dong, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Ảnh: Xuân Hoàng Lá dong tự nhiên thường mọc trong rừng sâu, ở những nơi có độ ẩm cao, đặc biệt là dọc các khe suối nên bà con phải đi bộ cả tiếng đồng hồ mới vào đến nơi. Mỗi ngày 1 người có thể lấy được trên dưới 1 nghìn lá dong. Ảnh: Quang An Giá thu mua lá dong của thương lái tùy thuộc vào từng năm. Như năm nay, thương lái thu mua cho bà con từ 300 - 400 đồng/lá. Mỗi người có thể thu về 300 - 400 nghìn đồng/ngày từ hái lá dong. Ảnh: Quang An Ống giang dùng để chẻ lạt gói bánh chưng cũng không thể thiếu đối với mỗi gia đình vào ngày cận Tết. Do vậy, đồng bào vùng cao tranh thủ những ngày trước Tết, vào rừng tìm những bụi giang có cây thẳng đẹp mang về bán cho thương lái. Không những nam giới mà phụ nữ cũng tham gia cưa cắt ống giang. Ảnh: Xuân Hoàng Mỗi ống giang đều được cắt đứt gọn bằng cưa tay, giữ hai đầu mắt lại, đảm bảo ống giang không bị vỡ. Ảnh: Quang An Giang lấy từ rừng về, sau khi cắt khúc (2 ống/khúc) sau đó bó chặt, mỗi bó 50 ống cho dễ vận chuyển. Ảnh: Xuân Hoàng Ống giang được tập kết thành từng đống hai bên đường của thôn, bản, chờ thương lái đến thu mua. Anh Cầm Bá Đào ở bản Piêng Văn, xã Đồng Văn (Quế Phong) cho biết, mỗi ngày 1 người có thể lấy được 250 - 300 ống giang, bán với giá 1.000 đồng/ống, thu về từ 250.000 - 300.000 đồng. Ảnh: Quang An Những ngày cuối năm, thương lái từ nhiều địa phương ở miền xuôi, ngược các huyện miền núi Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông, Kỳ Sơn... để thu mua "lộc rừng" về cung ứng thị trường gói bánh chưng Tết. Đây là dịp để bà con vùng cao có nguồn thu nhập đáng kể để trang trải Tết. Ảnh: Xuân Hoàng