Tỷ lệ thành công của hệ thống đánh chặn trên đất liền GMD chỉ là 55% khiến các chuyên gia hoài nghi lá chắn này có thể bảo vệ nước Mỹ trước tên lửa đạn đạo liên lục địa Triều Tiên.

Trong khi Mỹ tưng bừng kỷ niệm ngày quốc khánh lần thứ 241, Triều Tiên âm thầm phóng tên lửa đạn đạo đầu tiên và gọi đó là "món quà" gửi tới Washington.

Ngày 4/7, Triều Tiên bắn thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang tên Hwasong-14. Tên lửa đạt độ cao tới 2.802 km và bay được quãng đường 933 km. Các chuyên gia quân sự nhận định, nếu phóng ở quỹ đạo tiêu chuẩn, tên lửa có thể đạt tầm bắn 6.700 km, đủ khả năng tấn công bang Alaska của Mỹ.

Trong cuộc họp báo vào ngày 6/7, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Jeff Davis nói với các phóng viên: “Chúng tôi tin tưởng khả năng của mình trong việc chống lại các mối đe dọa, ngay cả những mối đe dọa mới hình thành”.

Phát ngôn viên Davis trích dẫn đợt thử nghiệm đánh chặn thành công trong tháng 5. Một tên lửa đánh chặn của Mỹ đã phá hủy thành công mục tiêu ICBM giả định nhưng ông thừa nhận chương trình thử nghiệm chưa thực sự hoàn hảo.

“Dù có kết quả khác nhau trong thử nghiệm nhưng chúng tôi có thể bắn nhiều hơn một tên lửa đánh chặn”, phát ngôn viên Davis nói.

Hoài nghi tính hiệu quả

Các chuyên gia cảnh báo rằng, công nghệ tên lửa Triều Tiên đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có thể bị choáng ngợp, trừ khi họ theo kịp mối đe dọa này. Riki Ellison, người đồng sáng lập Liên minh Vận động Phòng thủ Tên lửa nói: “Trong những năm tới, Mỹ phải tăng cường hơn nữa năng lực hiện tại của các hệ thống, đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai”.

image_3913993.jpgTên lửa đánh chặn của hệ thống GMD rời bệ phóng trong đợt thử nghiệm vào tháng 5. Ảnh: Boeing.

Hồ sơ thử nghiệm của Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) cho thấy kết quả chưa thực sự khả quan. Các thành phần trong lá chắn mà MDA xây dựng gồm nhiều lớp, sử dụng bộ cảm biến trong không gian, trên biển và trên đất liền tạo thành chiếc ô bảo vệ cho nước Mỹ và các vùng lãnh thổ khác.

Trong đó, hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD) có tỷ lệ thành công trong các thử nghiệm chỉ 55%. Hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển Aegis BMD triển khai trên các tàu chiến và Aegis lên bờ có tỷ lệ thành công khoảng 83%.

Cuối cùng, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) có tỷ lệ thành công cao nhất tới 100%, trong 13 lần thử nghiệm từ năm 2006. Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, chính phủ đã chi hơn 200 tỷ USD cho việc phát triển, thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia tin rằng, kết quả từ các cuộc thử nghiệm không chứng minh được Mỹ có thể ngăn chặn cuộc tấn công hạt nhân của Triều Tiên. Laura Grego, nhà vật lý thuộc Liên hiệp các nhà khoa học Mỹ nói với Business Insider: “Nó chưa thể chứng minh khả năng hoạt động trong môi trường chiến đấu thực tế, vì điều kiện thử nghiệm thuận lợi hơn nhiều”.

Chính giám đốc MDA từng thừa nhận lá chắn tên lửa chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt là với hệ thống GMD. Michael Elleman, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng, cho biết mặc dù Triều Tiên đã đạt bước tiến trong việc chế tạo ICBM đáng tin cậy, không có gì đảm bảo Mỹ có thể tự bảo vệ mình.

Vì sao ICBM nguy hiểm?

ICBM rất khó bị ngăn chặn. Ảnh tên lửa Hwasong-14 của Triều Tiên rời bệ phóng. Ảnh: KCNA/Reuters.

John Pike, chuyên gia về an ninh nói với Business Insider: “ICBM trở nên nguy hiểm vì nó cho phép một quốc gia thoát khỏi bối cảnh khu vực và tiến tới những tác động trên toàn cầu. Bất kể nguồn gốc xung đột, một quốc gia có thể gây ảnh hưởng lên toàn thế giới chỉ bằng cách lan truyền cuộc chiến với ICBM”.

ICBM thường sử dụng động cơ 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn tăng cường được sử dụng để đưa tên lửa rời khỏi bệ phóng lên độ cao khoảng 150-400 km. Sau khi đốt cháy hết nhiên liệu, nó sẽ tách khỏi thân tên lửa và kích hoạt động cơ giai đoạn 2 để đưa tên lửa lên độ cao khoảng 1.200 km.

Sau đó, động cơ giai đoạn 3 tiếp tục được kích hoạt để đưa tên lửa giảm dần độ cao, khi cách mặt đất ở độ cao khoảng 100 km, đầu đạn sẽ tách khỏi tên lửa và lao đến mục tiêu với tốc độ gấp khoảng 20 lần vận tốc âm thanh (khoảng 24.000 km/h).

Điều làm cho ICBM trở nên đặc biệt nguy hiểm là nó hầu như không thể bị ngăn chặn. Một khi đã rời bệ phóng, tên lửa cứ thế lao đến mục tiêu. Với tốc độ di chuyển lên đến 24.000 km/h, việc đánh chặn là nhiệm vụ vô cùng khó khăn.

Theo Zing.vn

TIN LIÊN QUAN