(Baonghean) Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, khóa XI của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập “Về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước”.

Tổng Bí thư chỉ rõ: “Đây là lần đầu tiên Trung ương bàn và ra Nghị quyết về vấn đề này. Trung ương nhấn mạnh, việc xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chủ động và sớm phát hiện cán bộ có triển vọng lãnh đạo, quản lý trưởng thành từ thực tiễn; chú trọng cán bộ xuất thân từ công nhân, nông dân, trí thức; tăng tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, con em gia đình có công với cách mạng, cán bộ khoa học - công nghệ, văn hoá, nghệ thuật... Việc xây dựng và thực hiện quy hoạch phải đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công tâm, minh bạch, khách quan; lấy quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước làm cơ sở cho công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội Đảng toàn quốc”.

Khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang nhân lên việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh vào chiều sâu theo tinh thần Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị thì việc nhìn nhận lại về công tác cán bộ qua Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và các Hội nghi Trung ương, khóa XI là đúng quy luật phát triển của cách mạng. Đảng ta nhận rõ: “Đội ngũ cán bộ cấp Trung ương, cấp chiến lược quan trọng, nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản. Công tác quy hoạch cán bộ mới tập trung thực hiện ở địa phương, chưa thực hiện được ở cấp Trung ương, dẫn đến sự hụt hẫng, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ.

Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước”. Và qua phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư 6 (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã thẳng thắn chỉ ra một số khuyết điểm lớn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiều khóa, trong đó nêu “Chưa tập trung chỉ đạo làm rõ, đánh giá đầy đủ thực chất tình hình để kịp thời có biện pháp kiên quyết khắc phục một số tiêu cực (như chạy chức, chạy quyền, chạy tội…) và một số trường hợp phân công, đề bạt cán bộ chưa chính xác, chưa được dư luận đồng tình”.

Với sự nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước Ban Chấp hành Trung ương và trước nhân dân của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những yếu kém, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, những suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 4, chúng ta tin rằng ngay sau bế mạc Hội nghị Trung ương 6, công tác cán bộ ở các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ có sự chuyển biến. Theo đó, nguồn quy hoạch sẽ dồi dào, mỗi chức danh có thể quy hoạch vài ba người, một người có thể quy hoạch vào vài ba chức danh. Lấy quy hoạch lãnh đạo chủ chốt ở các cấp làm cơ sở cho quy hoạch cấp chiến lược. Lấy quy hoạch cấp chiến lược thúc đẩy quy hoạch chủ chốt cấp dưới…

Phan Nguyễn