Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có cuộc gặp không chính thức với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Vũ Hán (Trung Quốc) trong tuần này. Ảnh: AP

Cuộc gặp 2 ngày của nhà lãnh đạo Trung - Ấn, bắt đầu từ 27/4, diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với các mối đe dọa xuất phát từ hành động thương mại của Mỹ, và việc Ấn Độ tìm cách đưa sự phát triển kinh tế đi đúng hướng trước thềm bầu cử vào năm tới. 

Cuộc gặp lần này cũng được tổ chức sau gần 1 năm quân đội hai nước đụng độ trong suốt 73 ngày, liên quan tới đường biên giới tranh chấp ở Doklam dưới chân núi Himalaya. Căng thẳng biên giới vẫn tiếp diễn, khi lực lượng Không quân Ấn Độ thời gian qua hoàn tất cuộc diễn tập tác chiến lớn nhất dọc đường biên giới giữa nước này với Trung Quốc và Pakistan. 
Trong khi đó, ngày 23/4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng khẳng định với người đồng cấp Pakistan Khawaja Asif rằng, Bắc Kinh sẽ tiếp tục ủng hộ Islamabad và các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng tại khu vực tranh chấp Kashmir.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, cả Thủ tướng Modi và Chủ tịch Tập đều có vô số lý do để tìm ra điểm chung. Giáo sư Srikanth Kondapalli tới từ Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) nhận xét, Bắc Kinh lo ngại Ấn Độ tăng cường hợp tác với Mỹ, trong đó phải kể đến quyết định khôi phục Đối thoại An ninh Bộ tứ, có sự tham gia của các quan chức tới từ Australia và Nhật Bản.
Chuyên gia này nói: “Bất cứ khi nào Trung Quốc cảm thấy mối quan hệ Mỹ - Ấn đang được cải thiện, Trung Quốc sẽ có động thái phát đi tín hiệu, và kêu gọi thiết lập "trật tự đa cực" để đối phó với vị thế "đơn cực’" của Mỹ”. 

Quân đội Trung-Ấn đụng độ trong suốt 73 ngày, liên quan tới đường biên giới tranh chấp ở Doklam. Ảnh: Getty

Trong khi đó, Giáo sư Thời Ân Hoằng nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân (Trung Quốc) cho rằng, cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Ấn nằm trong nỗ lực cải thiện quan hệ song phương.

Giáo sư Thời nhận định: “Đây là một phần trong nỗ lực hòa giải mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Ấn Độ kể từ tháng 8 năm ngoái, khi hai nước nhất trí chấm dứt bất đồng ở Doklam”. 

Ông Du Youkang, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Pakistan tại Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) cho rằng, mục đích chính của cuộc gặp là đảm bảo quan hệ đối tác ổn định trong tương lai giữa Trung Quốc và Ấn Độ, nhất là khi tồn tại bất ổn trong quan hệ thương mại và ngoại giao với Washington. 

Còn chuyên gia kinh tế Mohan Guruswamy tới từ Viện United Service ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ) nhận xét, Trung Quốc “rất cần bạn bè”. Chuyên gia này nói: “Trung Quốc đạt được nhiều thứ khi phát triển mối quan hệ kinh tế với Ấn Độ”. 

Tuy vậy, Giáo sư Madhav Nalapat nghiên cứu địa chính trị tại Đại học Manipal nhấn mạnh, Thủ tướng Modi cũng cần giành được sự ủng hộ ở trong nước trước thềm bầu cử năm tới. Giáo sư Nalapat khẳng định, mối quan hệ ấm lên sau gần 6 thập kỷ băng giá giữa New Delhi và Bắc Kinh sẽ là một thành tựu lịch sử, mang lại lợi ích đáng kể cho cả hai nước./.