33722965_2152022.png

Ông Võ Hồ Hoàng Vũ – Giám đốc Nhà hát nghệ thuật hát bội TP. Hồ Chí Minh:

Làm mới nghệ thuật truyền thống để thu hút khán giả trẻ

Đến với liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2022, Nhà hát nghệ thuật hát bội TP. Hồ Chí Minh mang đến vở “Chiếc áo thiên nga” của nhà viết kịch Lê Duy Hạnh và đạo diễn trẻ Đông Hồ với nội dung về tình yêu giữa nàng Mỵ Châu và chàng Trọng Thủy. Khác với những vở diễn lịch sử khác, chúng tôi không đưa nhiều yếu tố chính trị mà tập trung khai thác câu chuyện tình yêu đôi lứa.

Qua vở diễn này, chúng tôi muốn gửi đến tất cả bạn bè, đồng nghiệp cũng như người dân Nghệ An một tác phẩm tuồng, dựa trên những đặc trưng của tuồng nhưng lại mang hơi thở hiện đại, dễ tiếp cận đến những đối tượng khán giả trẻ tuổi. Chúng tôi hy vọng những đổi mới về trang phục, tiết tấu âm nhạc, góc nhìn… của vở diễn sẽ gần gũi hơn với khán giả trẻ tuổi, khiến họ yêu loại hình nghệ thuật truyền thống này hơn. Vở diễn được dàn dựng để tham gia Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch năm 2022 nhưng cũng đã kịp biểu diễn phục vụ khán giả TP. Hồ Chí Minh và nhận được phản hồi rất tốt.   

Một cảnh trong vở diễn "Chiếc áo thiên nga". Ảnh: ĐVCC

Về công tác tổ chức, chúng tôi cảm thấy rất may mắn vì được về Nghệ An dự liên hoan đúng dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Bác. Không chỉ được thưởng thức những chương trình kỷ niệm đặc sắc của địa phương, được về thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi còn tranh thủ thăm thú những điểm du lịch nổi tiếng ở Nghệ An và đã có những trải nghiệm rất tốt ở biển Cửa Lò.

Một lý do nữa khiến tôi ấn tượng với liên hoan lần này là người dân ở đây rất ủng hộ, háo hức với liên hoan. Đây là động lực rất lớn cho các đoàn và các nghệ sỹ. Chúng tôi hy vọng liên hoan sẽ cống hiến nhiều vở diễn hay, chất lượng cho khán giả.

_________________________

Ông Phạm Ngọc Tuấn – Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam:

Các đoàn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh

Liên hoan năm nay thật sự là một sự kiện đặc biệt và được các đơn vị chuẩn bị rất kỹ lưỡng trong một thời gian dài. Tuy nhiên, trong thời gian chuẩn bị, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng như các đơn vị Tuồng và Dân ca kịch cả nước gặp rất nhiều khó khăn do gián đoạn, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Điều này dẫn đến chất lượng một số tác phẩm không được như mong muốn. Loại hình nghệ thuật này đòi hỏi phải làm việc tập thể nên chỉ cần 1 trường hợp mắc Covid-19 thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều, cứ luân phiên nghỉ như vậy khiến thời gian tập kéo dài. Bên cạnh đó, với những nghệ sỹ của loại hình nghệ thuật có cường độ lao động nặng nhọc như tuồng sẽ gặp nhiều khó khăn trong phục hồi sức khỏe sau khi mắc Covid-19.

Riêng tại đơn vị chúng tôi, tình hình dịch phức tạp của những tháng đầu năm 2022 khiến kế hoạch bị đảo lộn, bị động hơn rất nhiều.

Ở vai trò của mình, tôi thật sự kỳ vọng sau liên hoan, vai trò và giá trị của Tuồng và Dân ca kịch sẽ được nhìn nhận một cách đúng đắn. Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất đề cao vai trò gốc rễ của giá trị văn hóa. Tuy nhiên, từ chủ trương đến thực tiễn là một chặng đường dài. Để đạt được mục tiêu trên, chúng ta cần có những thay đổi cụ thể để phục hồi, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, có những chính sách phù hợp để thu hút, giữ chân nhân tài trong lĩnh vực này.

_________________________

Bà Hoàng Yến – Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa

Nhìn nhận đúng để có chính sách thu hút nhân tài

Đến với liên hoan lần này, chúng tôi biểu diễn vở “Phượng Hoàng Trung Đô” - khắc họa nhân vật La Sơn Phu Tử trong hành trình giúp Vua Quang Trung xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô. Chúng tôi hy vọng khi tái hiện câu chuyện này trên mảnh đất Nghệ An, vở diễn sẽ đem lại nhiều cảm xúc cho cả nghệ sỹ và khán giả.

Tình trạng chung của các đơn vị khi tham gia liên hoan năm nay là gặp khó khăn về nhân sự, ở đâu cũng có tình trạng thiếu diễn viên nên phải điều diễn viên từ môn này sang môn khác. Ngoài ra, lực lượng diễn viên đang bị già hóa, khó tuyển dụng, thiếu vắng những gương mặt trẻ một cách nghiêm trọng. Nguyên nhân sâu xa của thực trạng này là các chế độ, chính sách cho nghệ sỹ quá thấp, không đủ để trang trải cuộc sống. Nếu như ngày xưa, lương thấp nhưng người nghệ sỹ còn có niềm vui vì khán giả nhiệt tình thì nay, lương thấp và khán giả lạnh nhạt khiến nhiều người bỏ nghề, không chọn nghề. Tôi mong rằng sau liên hoan lần này, các cơ quan chức năng, ban, ngành sẽ nhìn nhận rõ thực trạng phát triển của nghệ thuật truyền thống để có những quyết sách hợp lý, giải quyết tình hình, thu hút nhân tài.

Trước khi có những thay đổi từ cấp Nhà nước, tỉnh tôi và một số địa phương khác đã chủ động chi ngân sách hỗ trợ cho anh em nghệ sỹ, đây là một việc làm rất cần thiết, ý nghĩa. Mới đây, khi biết tỉnh Nghệ An cũng đã thực hiện chính sách này, tôi rất mừng.

Về với Nghệ An lần này, tôi đánh giá rất cao công tác truyền thông của ban tổ chức. Nếu có thể, tôi hy vọng quy mô Nhà hát sẽ được đầu tư hơn và công tác chỉ dẫn cho các đoàn trong quá trình di chuyển được chu đáo hơn.