(Baonghean.vn) - Nơi tôi từng sống cũng có một dòng sông, không nước xanh trong vắt những buổi trưa hè nhưng vẫn đậm dấu ấn với biết bao đứa trẻ nhà tầng. Dòng sông tuổi thơ ấy có tên là sông Vinh hay còn gọi là sông Cửa Tiền vì nó chảy qua trước mặt Cửa Tiền, thuộc Thành cổ Nghệ An.
Đến giờ thỉnh thoảng đường ống nước sạch của Vinaconex xây dựng bị vỡ, dân Hà thành nhốn nhác vì thiếu nước sinh hoạt. Thời ấy, có khi khu nhà tầng Quang Trung mất nước cả nửa tháng trời, những ngày đầu còn vào dân xin nước giếng nhưng lâu dần nước giếng cũng cạn. Nếu mất nước vào đúng dịp hè thì thật là cơ cực, vì khí hậu xứ Nghệ thật khắc nghiệt.
Thế là, hàng ngày đi làm, bố mẹ đều kèm theo chiếc can nhựa 20l sau xe đạp, còn bọn trẻ chúng tôi, chiều chiều lũ lượt kéo nhau ra sông Cửa Tiền. Những chị, những mẹ cho quần áo bẩn vào cái làn nhựa hoặc bao tải giữa, đèo bồng sau xe đạp, kéo nhau đi thành đoàn đi giặt ở sông, trông như đi trẩy hội.
Dòng sông tuổi thơ
Thuở xa xưa Thành cổ Nghệ An bao gồm địa phận ba phường Cửa Nam, Đội Cung và Quang Trung của thành phố Vinh. Cửa Tiền là cửa chính hướng về phía Nam, cửa để Vua ngự giá, các quan trong lục bộ triều đình và Tổng đốc ra vào. Sông Vinh (còn gọi là sông Cồn Mộc) nối liền kênh Nhà Lê với dòng Lam Giang, chảy quanh hệ thống kênh hào bảo vệ thành, đoạn chảy qua trước mặt Cửa Tiền thành Nghệ An nên được gọi là sông Cửa Tiền.
Bọn trẻ Quang Trung thường chọn 2 bến tắm. Bến phía cầu Cửa Tiền, nơi neo đậu của các nốc (thuyền nhỏ) chở cát, sạt nên bãi tắm ít bùn; bến phía sau Nhà máy xay xát Vinh, thẳng đồn cảnh sát PCCC đi vào, nơi có khá nhiều tàu sắt bị đắm thuận lợi cho việc giặt giũ và thi bơi. Thường những ngày như thế, chúng tôi hẹn nhau ở sân cầu trượt khu A, rồi đi thành đoàn, những đứa trẻ gầy gò, khuôn mặt hớn hở kéo nhau đi bộ hàng cây số đi tắm sông. Suốt cả ngày hè bị “giam lỏng” trong những căn nhà hộp nóng bức, dưới nhiệt độ thời tiết bao giờ cũng trên 400C đây là lúc những đứa trẻ nhà tầng chúng tôi như chim sổ lồng. Nhớ lại những ngày tháng ấy, giai điệu bài hát Trở về dòng sông tuổi thơ do Mỹ Linh thể hiện quay quắt tìm về trong mỗi chúng tôi:
Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà
Con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi
Bao năm xa quê ấy trong mơ tôi vẫn thấy
Hôm nay tôi trở về lòng chợt vui thấy sông không già
Vừa đến bến sông, bọn tôi vất vội quần áo trên bờ và tồng ngồng gieo mình xuống dòng sông mát rượu. Một cảm giác rất là Yomost!
Trên dòng sông ấy chúng tôi tha hồ ngụp, lặn và nô đùa. Còn các mẹ, các chị chọn chỗ để đem từng đống quần áo bẩn ra giặt. Những tia nắng cuối ngày trải dài trên sông, chiều bến sông quê nhà thật là êm ả. Có những hôm hứng chí, chúng tôi bơi sang bờ bên kia, rủ nhau đi bắt cua. Cuối buổi, cả bọn tập trung dồn hết số cua bắt được cho một đứa bỏ vào bao ni-lông đưa về nhà dùng cải thiện buổi tối.
Đôi khi hứng chí, chúng tôi rủ nhau bơi thi, thi nội bộ chán trong nhà thì đi rủ bọn các khu nhà tầng khác cùng bơi thi. Những cuộc bơi thi “con nít Quang Trung” đã làm cho ngày hè bớt đi sự oi ả, cho vất vả cơm áo gạo tiền lùi về phía sau.
Vòng nguyệt quế
Ngày ấy, tiểu khu Vinh Tân trồng rất nhiều rau muống nước cung cấp cho thành phố. Chiều chiều, khi nắng dịu các mẹ, các chị thường chèo thuyền gò bằng tôn để đi hái rau cạnh sông. Ở ngón tay cái, các mẹ, các chị thường đeo một cái vuốt sắt sắc lẹm để ngắt rau cho nhanh, khỏi gãy móng tay…
Tôi chú ý, có một cô bé trạc tuổi chiều nào cũng một mình đi hái rau giúp bố mẹ. Cô bé Vinh Tân có cái lúm đồng tiền rất xinh, có cái trán dô đầy bướng bỉnh. Mỗi lần thấy chúng tôi hò hét bơi thi, thế nào cô bé ấy cũng dừng hái rau, chăm chú theo dõi cuộc “thư hùng” trên mặt sông Cửa Tiền của bọn con nít chúng tôi tự tổ chức.
Có lần, cuộc thi giữa các nhà khu A và khu B diễn ra thật gay cấn, cô bé rời hẳn chiếc xuồng, tiến đến chiếc thuyền sắt bị đắm, đích đến của cuộc thi. Cô bé có cái lúm đồng tiền tinh nghịch, trong tay cầm vòng nguyện quế kết bằng hoa muống nước:
- Anh nào thắng cuộc đấy?
Chúng tôi chỉ vào Quang “Đại” (nay làm Ban Tài chính- Tổng liên đoàn Lao động) nói nhanh:
- Xin trân trọng giới thiệu, đây là người hùng cuộc thi…
Vòng nguyệt quế kết bằng hoa muống nước được khoác vào cổ người chiến thắng, một cuộc thi bơi “vô tiền, khoáng hậu” của những đứa trẻ nhà tầng thời ấy.
Đã nhiều lần trở về bến sông ấy, tôi cố tìm gặp lại cô bé Vinh Tân một dạo nhưng đều không thành. Nếu như qua Báo Nghệ An, những dòng ký ức này được đến người con gái năm xưa, chúng tôi chỉ muốn nói một điều: những gì đẹp đẽ thuộc về kỷ niệm, đều được chúng tôi, dân Quang Trung trân trọng và gìn giữ.
N@T