(Baonghean) - Hôm qua “ông Điện lực” cắt điện, tôi và con gái nằm trằn trọc mãi không ngủ được giữa căn phòng vẫn còn hầm hập hơi nóng từ bức tường phía Tây tỏa vào.
Vận dụng hết mấy tờ tạp chí hay bìa các tông để quạt mà trán con gái vẫn đầm đìa mồ hôi. Lúc này chợt nhớ ra cái quạt giấy tôi mua thêm từ mùa Đông năm ngoái để quạt than cho bà cố nội liền dậy lục tung hết mấy ngăn kéo trong nhà, cuối cùng cũng tìm thấy nó nằm lẫn giữa những chiếc áo mưa tiện lợi và cái mũ bảo hiểm đã cũ. Chiếc quạt giấy màu nâu tím vẫn còn lớp giấy cuộn tròn niêm phong nằm im lìm lặng lẽ suốt cả năm trời trong góc ngăn kéo. Mùi giấy, mùi hồ dán và đặc biệt là mùi tre nứa ngâm nước chua chua nồng nồng không thể lẫn vào đâu được hình như đã trở thành mùi đặc trưng của những chiếc quạt giấy - cũng là thứ mùi quen thuộc suốt nhiều năm tuổi thơ.
Tự nhiên ký ức từ những ngày xưa thơ ấu chợt ùa về. Ngày đó nhà nghèo chẳng có quạt máy như bây giờ, vậy nên khi nắng len vào tận tấm phên trước hiên nhà vào mỗi buổi trưa là mẹ tôi lại mua dăm ba chiếc quạt giấy. Quạt mua về, mẹ lại hì hụi dán thêm một lớp giấy báo nữa, tuy không được đẹp và nhẹ như trước nhưng lại cực kỳ bền, hết mùa nóng cái nào còn giữ nguyên được que nan và lớp giấy báo ngoài cùng không quá rách thì mẹ tôi cất trên nóc tủ để mùa nắng sang năm dùng tiếp. Những chiếc quạt giấy đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong nhà, nó nằm sẵn nơi đầu giường, trên nóc tủ hay được giắt ngay trước cánh cửa bếp để bất cứ lúc nào, mọi thành viên trong gia đình cũng có thể nhanh chóng có được một chiếc quạt để làm dịu đi những cơn nóng bức đang hầm hập ùa về.
Giữa bộn bề cuộc sống này, chúng ta vẫn có thói quen lưu giữ những hình ảnh đã quá xưa cũ nhưng lại đong đầy tình thương nhớ khôn nguôi. Cũng có thể không phải là thói quen mà chính là tự thân tất cả mọi việc đều diễn ra như thế - cái mà người ta vẫn thường gọi là “định mệnh” ấy với tôi lại là những thứ vô cùng giản đơn nhưng lại có một sức gắn kết sâu đậm.Tôi nhớ mãi hình ảnh mẹ tôi ngày đó, quần lụa áo thâm, tóc dài chấm gót được kẹp gọn lại bằng chiếc cặp ba lá đã lên màu bóng nước ngồi bên hiên nhà một tay cầm chiếc quạt giấy, một tay vuốt vuốt bầu má đen nhẻm của đứa em gái nhỏ xíu của tôi. Lúc đó tôi thấy bình yên đến lạ lùng.
Hay hình ảnh cha và các chị em chúng tôi cùng nằm giữa thềm nhà vào mỗi đêm hè, tay cha phe phẩy chiếc quạt giấy và cứ thế, những câu chuyện thần thoại, những điển tích hay những bài ca dao tục ngữ theo nhịp tay cha quạt rót vào tận trí óc non nớt của chị em chúng tôi. Lâu lâu cha lại nép chiếc quạt lại, dùng cán quạt gãi lưng hay gãi chân. Tiếng quạt giấy nhẹ lẫn với những cơn gió mát và giọng kể chuyện trầm ấm của cha đưa chị em chúng tôi vào giấc ngủ lúc nào không hay. Khi con trăng đã chạm đỉnh ngọn tre cao nhất, bầu trời đầy những hình thù ngồn ngộn của mây và ánh trăng đã trở nên trong veo không gợn đục cũng là lúc cha không quạt nữa mà cha lẩy đôi ba câu Kiều - thú vui cha được thừa hưởng từ bà nội - rồi đi vào giấc ngủ êm đềm cùng với chị em chúng tôi.
Cũng sau này, khi kinh tế gia đình đã khá hơn, cha tôi mua về những chiếc quạt con cóc rồi đến những chiếc quạt sản xuất tại Mỹ to đùng nặng trịch, mẹ tôi cũng không mặc quần lụa áo thâm nữa thì trong nhà tôi vẫn luôn hiện diện những chiếc quạt giấy chân chất quê mùa. Chúng vẫn nằm lặng lẽ khi thì trên nóc tủ, khi lại trên đầu giường hay ngay nơi cánh cửa nhà bếp để chờ được dâng hiến những làn gió mát rượi...
Phương Ngọc