Căn nhà nhỏ của gia đình Đại tá Trương Vĩnh Thăng, nguyên chiến sỹ lái xe kéo pháo trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ở phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội, những ngày này luôn rộn rã tiếng cười nói của ông cùng đồng đội năm xưa. Họ đang cùng nhau ôn lại kỷ niệm “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm,” cách đây 60 năm.
Với giọng nói hào sảng, hóm hỉnh của người lính lái xe năm xưa, những kỷ niệm “vào sinh ra tử” cùng đồng đội trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã được ông tái hiện lại bằng nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Ông Thăng bồi hồi nhớ lại: Tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ từ năm 1953, ban đầu ông được phân công lái xe chở máy hàn vào chiến dịch. Sau đó, ông được lệnh lái xe kéo pháo vào chiến trường. Nghề lái xe đến với ông cũng thật tình cờ. Bởi, nhiệm vụ chính của ông là kiểm tra, sửa chữa các loại pháo, đạn cho đơn vị. Tuy nhiên, do kế hoạch tác chiến, ông và một số chiến sỹ được đơn vị cử đi học lái xe để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Mở ngăn tủ lấy ra chiếc hòm sắt đã rỉ sét, ông Thăng hồ hởi khoe: Đây là chiếc hòm đựng dụng cụ sửa xe được mang về từ chiến dịch Điện Biên Phủ. Tất cả kỷ niệm về Điện Biên đều được ông nâng niu, gìn giữ như báu vật của cuộc đời. Tấm chân dung tự họa về Bác Hồ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ông ghi lại bằng những nét vẽ đơn sơ, giản dị, chân thực; những chiếc hộp đựng huy hiệu, huân chương, huy chương kháng chiến được xếp ngăn nắp; những bài thơ ông viết trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã nhòe nét mực…
Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ khi vừa tròn đôi mươi, cái tuổi tràn trề nhựa sống và hừng hực khí thế, với ông, những con đường đã từng qua, những địa danh đã từng đến, những vui, buồn, nhớ mong, chờ đợi, những mất mát, hy sinh… đều là những kỷ niệm ông nâng niu, trân trọng suốt cuộc đời. Để hôm nay, khi lật giở lại những vần thơ, nhìn lại những nét vẽ, kỷ niệm một thời “vào sinh ra tử” cùng đồng đội lại ùa về chân thực, sống động như những thước phim quay chậm. Đó là những vần thơ ghi lại cảm xúc về một lần gặp nữ dân công hỏa tuyến xinh đẹp nơi cửa rừng, về tình cảm gắn bó của người chiến sỹ Điện Biên với những chiếc xe, khẩu pháo trên đường vào chiến dịch.
Là chiến sỹ lái xe kéo pháo, kỷ niệm đi suốt cuộc đời ông là những ngày tháng gắn bó cùng chiếc xe G.M.C.
Trong chiến dịch Biên giới 1950, ông được giao phụ trách một kho lương thực, đạn dược để chuẩn bị tiếp tế cho các mặt trận đường 18. Khi đó, chiếc xe G.M.C là chiến lợi phẩm ta thu được trong chiến dịch Biên giới, làm nhiệm vụ chở lương thực, vũ khí, đạn dược.
Vào một buổi trưa nhàn rỗi, ông trèo lên buồng lái và khắc tên mình lên vô lăng làm kỷ niệm. Không ngờ, sau này ông nhận lại chính chiếc xe năm nào nhờ vào chữ ký trên vô lăng. Nghĩ người và xe có duyên phận với nhau, dù chiếc xe đã quá cũ, già nua, hỏng hóc nhiều bộ phận, ông cảm thấy rất vui khi tiếp nhận chiếc xe này.
Chiếc xe G.M.C được ông và các chiến sỹ trong đơn vị gọi bằng cái tên thân mật “Con trâu già một mắt.” Giải thích về cái tên này, ông Thăng cho biết: Sở dĩ đơn vị gọi như vậy vì tất cả các bộ phận của chiếc xe đều cũ và móp méo, duy nhất một chiếc đèn pha là còn lành lặn. Tháng 12/1953, ông đã viết bài thơ với tựa đề “Xe G.M.C.”
Ôn lại những kỷ niệm về “Con trâu già một mắt,” ông kể: Vào một đêm thượng tuần tháng 1/1954, khi chiếc xe G.M.C đang lên đèo, do bám quá sát xe trên nên đã va vào nòng pháo của xe trên làm bẹp két nước, một số ống bị dập khiến nước chảy mạnh, máy nóng, xe không chạy được.
Nhiệm vụ cấp bách, ông đã nghĩ ra nhiều cách như pha nước xà phòng đổ vào két, vót tăm cắm vào những chỗ ống dập cho kín, dùng can nước treo trên đầu ôtô rồi bắt ống xuống cho nước chảy vào két, lấy thuốc lá, thuốc lào thả vào két nước… tất cả đều không phát huy tác dụng. Cái khó ló cái khôn, chợt nghĩ người dân thường dùng phân trâu để trát vào các loại thuyền mà không bị ngấm nước. Nghĩ là làm, ông đã dùng phân trâu thả vào két nước và cho máy chạy chậm. Khi máy khởi động, nước trong két nóng lên làm tan phân trâu. Chất xơ trong phân trâu gặp hơi nóng bỗng chốc trở thành chất keo kết dính những chỗ bị thủng, giúp chiếc xe chạy êm tiếp tục những đêm hành quân thâu đêm suốt sáng.
Trong lần kéo pháo đến Tuần Giáo, chiếc xe G.M.C của ông gặp nạn giữa đường, cả đoàn xe phía sau đều phải dừng lại, nguy cơ tắc đường rất cao. Có ý kiến đề nghị hất chiếc xe xuống vực để thông đường cho đoàn xe.
Trong thời điểm đó, phương tiện phục vụ chiến dịch thiếu thốn, Chỉ huy đơn vị quyết định điều một đơn vị công binh đến bạt một con đường khác bên cạnh cho đoàn xe đi tiếp. Chiếc xe G.M.C đành nằm lại giữa rừng.
Đêm hôm đó, máy bay địch phát hiện được mục tiêu của ta nên ném bom ồ ạt. Để bảo vệ xe, ông đã cùng lái phụ tháo hết các bộ phận quan trọng của xe như: Bình ắc quy, máy phát điện, lốp… dấu ở nơi an toàn, sau đó kéo bạt che kín và dùng xẻng xúc đất đỏ phủ kín chiếc xe. Nhờ đó, chiếc xe được bảo đảm an toàn.
Sáng hôm sau, đơn vị đưa máy đến cẩu chiếc xe ra khỏi vị trí gặp nạn. Ông lại cùng lái phụ hì hụi lắp lại các bộ phận của xe, tiếp tục cuộc hành trình vào chiến trường đầy gian nan, hiểm trở. Đó cũng là lần cuối cùng ông gắn bó cùng “Con trâu già một mắt”. Bởi, sau đó, do quá cũ nát, Chỉ huy đơn vị quyết định tháo dời từng bộ phận của xe để thay thế cho những chiếc xe khác…
Theo Vietnam+