(Baonghean) -Một chiều dọc theo sông Lam, trên tuyến đê 42, tôi đã chợt lặng người khi gặp một nghĩa trang nhỏ ven con đê ấy. Người dân nơi đây gọi đó là “Nghĩa trang liệt sỹ đê điều”... Như không thể khác, bài viết này của tôi đã được bắt đầu từ những mảnh ký ức chắp nối, từ nỗi đau cho đến giờ vẫn chưa thể nguôi quên của người dân Hưng Khánh, Hưng Thắng (Hưng Nguyên)... 

Ngày giỗ chung


“Ấy là ngày 4/8 âm lịch hàng năm” - Ông Võ Trọng Tụy, trong dáng bộ gầy yếu ngước đôi mắt đục mờ về phía xa xăm, kể lại với tôi trong căn nhà nhỏ của ông tại xóm 4, xã Hưng Khánh – “Khi ấy, tôi là dân quân xã Hưng Khánh. Sau một trận bom, bờ đê tả tơi đất đá và cây lá. Bao nhiêu người chết, thịt nát xương tan. Làng tôi khắp nơi vang tiếng khóc hờ...”. Ông lão 85 tuổi, có thể quên rất nhiều chuyện trong đời, nhưng cái ngày định mệnh ấy, theo ông là “chưa bao giờ quên được”; nó cứ như vừa xảy ra trước mắt ông ngày hôm qua, hôm kia thôi...

Ngày 27/8/1967 (4/8 âm lịch) đau thương ấy, từ rạng sáng, dân quân 2 xã Hưng Khánh, Hưng Thắng (Hưng Nguyên) tập trung trên tuyến đê trọng yếu chạy qua địa phận xã mình để làm công tác ứng cứu đê, san lấp hố bom qua một đêm dài để thông tuyến đường tiếp viện cho miền Nam đánh Mỹ. Quãng 5 giờ, trời vừa tỏ, một số người đã xong việc vác cuốc xẻng trở về làng, một số khác còn đang rốn làm thêm, bất ngờ 2 máy bay Mỹ phát hiện và “bổ nhào” cắt bom. Tiếng bom nổ chát chúa trong dồn dập tiếng kẻng báo động. Bom rơi trên đê, bom nổ trên mái làng xơ xác. Không kịp nữa rồi, những chàng trai, cô gái đêm qua còn cất cao lời ca, tiếng hát. Không kịp nữa, những căn hầm trú ẩn nhỏ nhoi trước sức mạnh hủy diệt. Không kịp nữa bữa cơm sáng đang sôi trên bếp nhà ai...

793573_small_94908.jpg

Đê Hưng Khánh, nơi giặc Mỹ từng đánh phá, 15 dân quân hy sinh



Bia dẫn tích ghi công các liệt sỹ đê điều

Lúc ấy, ông Tụy chỉ kịp nhảy xuống phía dưới nền đất, cạnh bụi chuối, và trước khi bị bùn đất, lá cây vùi lấp ông nhìn thấy xác nhiều dân quân trên con đê làng bị bom quăng quật lên không trung. Sau trận bom, ông được người ta gạt đất lôi lên, dìu đi giữa hoang tàn, tang tóc. Mắt ông đã mờ đi. Ông chỉ nghe bên tai tiếng chân người chạy, tiếng gọi xé lòng, và bóng người cào xới đất đá. 15 người chết, 23 người bị thương nằm la liệt trên đê. Trong làng đã nhiều nhà trúng bom. Gia đình ông Bùi Đình Thuế cả 4 người cùng chết trong hầm. Gia đình ông Võ Trọng Thung có 7 người thì có tới 5 người chết. Hơn 40 người bỏ mạng sau trận bom. Hơn 40 cái giỗ chung một ngày. 15 dân quân vì cứu đê mà hy sinh tính mạng, hiếm người xác còn vẹn nguyên, có người còn không thấy xác...

Bà Phan Thị Nghĩa, thời ấy là Phó Bí thư Đảng ủy xã, rưng rưng kể lại về những người đồng chí: “Ông Nguyễn Lưu Tuân là Phó Chủ tịch xã phụ trách nông nghiệp, ông Hoàng Đức Sửu là công an xã. Sớm ấy, ông Tuân lên đê giải quyết chuyện bụi chuối của một người dân ven đê để kịp tiến độ công việc. Ai ngờ... Khi chúng tôi khiêng cáng ông Tuân về đến làng là ông ấy tắt thở. Còn ông Sửu chuẩn bị lên huyện thì nhận được lệnh đi ứng cứu đê. Ông tức tốc đi ngay mà chưa kịp ăn uống. Sớm mai, ông Sửu hy sinh, thi thể chẳng vẹn nguyên mà trên tay còn giữ chặt lá cờ Tổ quốc. Có rất nhiều dân quân nằm xuống đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi. Có những gương mặt theo tôi đến suốt đời. Họ trẻ quá, hồn nhiên quá, mà cũng anh hùng quá. Tôi còn nhớ một người nữa, không phải là người đã chết trong trận bom ấy, nhưng theo tôi ông cũng xứng là anh hùng. Ấy là ông Trần Văn Phúc. Sau trận bom, ông ấy đi nhặt từng mảnh xác người, chui mình trong bụi tre mặc gai cứa, ngâm mình dưới ruộng để lặn mò tìm bằng được những phần thi thể dân làng. Mà không chỉ có một trận đâu, bao nhiêu trận bom, bao nhiêu tang thương ông ấy đều có mặt, đều là người lượm về từng nhúm xương thịt với tất cả sự cẩn trọng”…

...Và năm tháng qua đi, con đê bị cày xới bởi đạn bom, con đê là tuyến đường chiến lược, con đê mang trong mình vết tích chiến tranh, ôm trong vòng tay mình bao máu xương đã dần xanh cỏ. Nó lại trở thành một nét bình yên của quê hương, trở thành niềm thương nỗi nhớ trong lòng người con xa. Có mấy ai đi qua còn biết, còn nhớ về thời ác liệt? Nhưng trong lòng người Hưng Khánh, Hưng Thắng, nỗi đau dường như vẫn chưa nguôi. Và trong lòng những người con đau đáu trước sự hy sinh của cha anh mình, cho tuyến đê xung yếu, thì sự hy sinh ấy phải được nhắc nhớ...

Không để lãng quên

Một trong số những người tôi tìm gặp để thực hiện bài viết này là kỹ sư Lê Đình Long, hiện là Chi cục Phó Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An. Anh là người có công lớn trong việc đề xuất xây dựng nên “Nghĩa trang Liệt sỹ đê điều” với tên gọi chính thức là Đài tưởng niệm các liệt sỹ vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đê điều ở ven đê Hưng Khánh bây giờ.

Đã hơn 80 năm nay, tuyến đê 42 vươn dài dọc theo con sông Lam, ôm ấp chở che cho làng mạc các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, T.P Vinh. Tuyến đê này được xem là trọng yếu trong số hơn 470 km đê bao quanh sông biển trên toàn tỉnh. Từ chỗ nó chỉ giữ được mực nước báo động 2 cho đến bây giờ là trên cả đỉnh lũ năm 1978. "Đổ xuống con đê này là bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và xương máu” - Anh Long chia sẻ - “Bao nhiêu người dân đã hiến đất đai, ruộng vườn, nhà cửa... để lấy đất đắp đê. Nhà tôi, vì thế có tới 7 cái ao. Năm 1954, sau khi vỡ đê, lực lượng bộ đội tập kết đã về đây giúp người dân dựng nhà, dựng cửa. Sau lụt năm ấy, cha tôi kể, nhà tôi chỉ còn chiếc cối đá. Vậy rồi nhờ bộ đội, nhờ bà con cưu mang lấy nhau, tất cả lại được gây dựng... Ngày ấy, nhà tôi chủ yếu “ăn cơm bộ đội”. Rồi mỗi năm qua, mỗi lần những người lính qua làng, dừng chân chờ hành quân lại cùng dân làng đắp đê. Ngày ấy, việc đắp đê bảo vệ dân cũng là một nhiệm vụ quan trọng đứng sau việc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trong công tác cứu hộ, hồi phục đê trong tôi và lũ trẻ thật anh hùng, đẹp đẽ. Các anh thi nhau gánh đất. Từ 4, đến 8 rồi 10 sọt đất. Vừa làm, vừa hát, vừa trêu đùa thật vui. Với tôi, những con đê đã theo suốt lịch sử dân tộc mình, một dân tộc trồng lúa và đánh giặc...”.



Ông Võ Trọng Tụy đang kể lại về ngày thương đau của người dân Hưng Khánh.

Năm 1968 cũng là năm cậu bé Long gần 10 tuổi theo cha mẹ đi sơ tán trở về làng. Anh nghe kể lại về trận bom tang thương, chứng kiến những gia đình mang trong mình nỗi đau quá lớn, đã nghe người ta gọi nhau góp chung ngày giỗ mỗi năm. Những điều ấy chưa bao giờ thôi ám ảnh trong anh. Sau khi học ngành thủy lợi, anh Long có cơ duyên gắn bó với những con đê. Mỗi lần đi trên triền đê quê nhà, anh luôn mang cảm giác mắc nợ những người nằm xuống. Anh tự hỏi lòng mình: “ Vì sao lại để tuyến đê huyết mạch này và sự hy sinh của 15 dân quân rơi vào quên lãng?”. Anh đã tìm mọi cách để điều trăn trở ấy thành hiện thực. Đài tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh vì sự nghiệp đê điều đã dựng lên bên hố bom xưa, nơi 15 dân quân nằm xuống. Những dòng tên ấy đã được khắc vào bia đá trên quê hương bình yên này...

Duy chỉ có những người bị thương, trở về trên đê từ trận bom năm ấy thì đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ gì. Ông Võ Trọng Tụy, người được bới tìm từ bùn đất đã trở về với những cơn đau đầu, mờ mắt. Ông nói: “Tui bây dừ như ngọn đèn trước gió, nỏ biết tắt lúc mô. Dầu sao thì cũng đã may hơn những người đã hy sinh”. Ông kể tên những người bị thương dịp ấy, nhiều trong số họ cũng đã mất rồi. Giờ chỉ còn 1, 2 người nữa còn sống ở làng mà thôi. Có người bị thương nặng, vẫn còn di chứng, đi vẹo cả người nhưng cũng không được hưởng chế độ bởi vì giấy tờ chứng nhận không có... Nói rồi, ông Tụy ngậm ngùi thở dài...

Lời kết

Tôi trở về dọc theo con đê đầy gió triền sông. Con đê đã hơn 80 năm qua sừng sững lớn dần, thăng trầm cùng mảnh đất quê hương. Mới hiểu, trước khi vào trong thơ, trong nhạc, con đê ấy đã là một phần máu thịt của con người trên xóm làng này... Và dần xa, cái nghĩa trang đặc biệt ấy lặng lẽ xanh lên một niềm bình yên.


Bài, ảnh: Thùy Vinh