Đã 64 năm trôi qua, cảm xúc về Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn in đậm trong những người chiến sĩ đã trực tiếp tham gia trận đánh. 3 anh em: Hoàng Ngọc Nhẫn, Hoàng Đình Thuyết, Hoàng Đình Thảo ở xã Lạc Sơn đều tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Thời gian đã qua đi, ông Hoàng Ngọc Nhẫn đã mất, nay chỉ còn lại ông Thuyết và ông Thảo.
Dân công dùng xe đạp thồ phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu Ở đó tôi mới cảm nhận được hết sự ác liệt của trận chiến Điện Biên Phủ. Bom đạn liên tục dội xuống, những ai sống sót trở về là một kỳ tích”.
Ông Hoàng Đình Thảo
Nhớ lại những ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Thảo vẫn không quên những ngày tháng ác liệt:“Khi ấy tôi tham gia lực lượng thanh niên xung phong, sau đó, do cần người có sức khỏe để tham gia chiến đấu Điện Biên Phủ, nên tôi được điều vào làm nhiệm vụ kéo pháo và tải thương. Ở đó tôi mới cảm nhận được hết sự ác liệt của trận chiến Điện Biên Phủ. Bom đạn liên tục dội xuống, những ai sống sót trở về là một kỳ tích”.
Trận quyết chiến chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra 3 đợt. 17h30 ngày 7/5/1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch.
Tấm ảnh hiếm hoi 3 anh em chụp được sau trận đánh ác liệt Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cũng trong trận chiến ác liệt ấy, ông Thảo không ngờ 2 người anh trai của mình cũng hăng hái tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông Hoàng Ngọc Nhẫn – anh trai của ông Thảo khi ấy thuộc Trung đoàn 57, làm nhiệm vụ cơ yếu, truyền tín hiệu và thông tin. Sau trận chiến Điện Biên Phủ, ông Nhẫn tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đến năm 2006, do tuổi cao sức yếu, ông qua đời.
Ông Hoàng Đình Thuyết – anh ruột của ông Thảo cũng nhập ngũ năm 1951, lúc ấy ông làm ở Cục Thông tin liên lạc của Bộ Tổng tham mưu. Ông Thuyết cho biết: “Trận chiến Điện Biên Phủ là trận chiến ác liệt và có một không hai. Khi đó, lực lượng của ta rất yếu, vũ khí thiết bị không đầy đủ, 1 tiểu đội chỉ có 3 khẩu súng. Để có vũ khí, buộc quân ta phải đánh thắng giặc và dùng súng của kẻ thù để chiến đấu. Do vậy, sau trận đánh, được tin bộ đội Việt Nam giành thắng lợi ở trận chiến Điện Biên Phủ, cả vùng đồi núi lúc ấy bỗng chốc reo vang, vui sướng tột cùng. Đến lúc hoàn toàn giành chiến thắng, tôi mới tin mình còn sống vì trận chiến quá ác liệt”.
Ông Hoàng Đình Thuyết, Hoàng Đình Thảo trò chuyện với Hội Cựu chiến binh xã về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau trận chiến Điện Biên Phủ, đoàn quân của ông Thuyết về Hà Nội. Trong lúc nghỉ giải lao, ông dạo quanh tại Hồ Gươm, ông thấy có người lính trẻ giống anh Nhẫn của mình. Ông tới gần mới nhận ra anh Nhẫn, 2 anh em xúc động ôm nhau, mừng mừng, tủi tủi.
Như một linh cảm không ngờ, cùng lúc đó, đội quân của ông Hoàng Đình Thảo cũng dừng chân tại Hà Nội. Khi ấy, cả 3 người mới biết anh em của mình đều sống sót từ trận chiến đấu của Điện Biên Phủ trở về. Họ gặp nhau ngay giữa thủ đô Hà Nội, xúc động và ôm nhau khóc. Lúc ấy, cả 3 anh em cùng chụp chung một tấm ảnh làm kỷ niệm để gửi về cho gia đình. Ông Thuyết chia sẻ: “Thực sự lúc đó, chúng tôi nghẹn ngào không biết nói gì, chỉ biết cả 3 anh em sống sót trở về trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã là một kỳ tích lắm rồi”.
2 anh em và tấm ảnh chụp tại Hà Nội. “Thực sự lúc đó, chúng tôi nghẹn ngào không biết nói gì, chỉ biết cả 3 anh em sống sót trở về trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã là một kỳ tích lắm rồi”.
Ông Hoàng Đình Thuyết chia sẻ
Những ngày tháng hòa bình lập lại, anh em ông Thuyết và ông Thảo thi thoảng lại đưa tấm ảnh 3 anh em gặp nhau ở Hà Nội để ngắm. Đó là khoảnh khắc đáng nhớ khi cả 3 anh em đều sống sót trở về sau trận chiến đấu ác liệt. Đến nay, tấm hình đã nhuốm màu của thời gian được ông Thuyết trân trọng giữ gìn, treo giữa nhà như một ký ức hào hùng.
Trở về địa phương sau chừng ấy năm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, những người chiến sĩ ấy lại tích cực vận động con cháu sống mẫu mực. Năm 1984, ông Thuyết về hưu và được giao trọng trách làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã. Quá trình sinh hoạt tại địa phương, ông là một tấm gương mẫu mực.
2 anh em Hoàng Đình Thuyết, Hoàng Đình Thảo xem lại những tấm huy chương đã đạt được. “3 anh em Ông Thuyết, ông Thảo, ông Nhẫn là trường hợp hiếm hoi đều tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi trở về địa phương, ông Thuyết còn tích cực tham gia các hoạt động. Ông là một trong những chủ tịch cựu chiến binh đầu tiên của xã. Sau này, ông Thuyết còn tích cực tham gia nói chuyện truyền thống với thế hệ trẻ”.
Ông Trần Doãn Long – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Lạc Sơn
Chiến tranh đã lùi xa, những người như ông Hoàng Đình Thuyết, Hoàng Đình Thảo cùng người anh của ông không còn nhiều. Những người chiến sĩ ấy luôn chiến đấu hết mình “đầu bịt lỗ châu mai, băng mình qua núi thép gai, ào ào như vũ bão”. Chúng ta cần trân trọng và biết ơn những thế hệ đã hết mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.