(Baonghean) - Từ Thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn), chúng tôi vượt hơn 10 km quanh co dốc đại ngàn  vô bản Phà Khảo, xã Phà Đánh. Ở đó, có chàng trai đã làm nên một kỳ tích trong cộng đồng người Khơ Mú: trồng chuối để thoát nghèo.

Hỏi đường vào bản, nhiều người dân dừng lại nói ngay: “Tìm  nhà Moong Bảo Nguyên chớ gì? Đến học kinh nghiệm thoát nghèo đây mà!”. Hóa ra, ở đây ai cũng biết đến chàng trai sinh năm 1987 ấy, bà con nói về anh mà nêu gương cho nhau, nêu gương cho con cháu. “Đấy, cứ đổ lỗi mãi cho cái khó đi, nhìn Bảo Nguyên đó, nó còn khó hơn cả nhà mình. Đầu tiên, nhìn nó làm thì lắc đầu không tin, rằng miền núi không phải như dưới xuôi được mà làm giàu. Từ tay trắng, nhà tranh mà ra cả, vậy nhưng nó có cái chí để làm ăn, cái nghèo cuối cùng phải rời bỏ nó...”. Người bản hay nói với nhau như thế.

Anh Moong Bảo Nguyên thu hoạch chuối.
Anh Moong Bảo Nguyên thu hoạch chuối.

Phà Khảo đây rồi. Trời Phà Khảo mùa thu se lạnh. Chúng tôi đến trước căn nhà sàn mới xây bên cạnh cây gạo cổ thụ ở giữa bản Phà Khảo, ngói, gỗ, và gạch lát nhà... còn tươi sắc mới. Uống xong bát nước của chàng trai Khơ mú có nước da ngăm đen, cũng là lúc chúng tôi kịp giới thiệu. Biết Nguyên bận việc, mà cũng muốn tận mắt nhìn thành quả cố gắng của anh, chúng tôi đề nghị ra rẫy chuối ngay. Nguyên hồ hởi đẩy con xe “thồ” của mình, mời tôi ngồi lên rồi vít mạnh ga. Chiếc xe máy được gắn những ống thép uốn cong chi chít phía sau yên theo với con đường gập ghềnh chính là “con trâu” bấy lâu nay Nguyên dùng để vận chuyển chuối về nhà. Từ nhà Nguyên ra rẫy chuối chưa đầy dăm phút đi xe máy. Dừng lại bên một khoảng đất rộng do anh và gia đình san để lấy chỗ đặt các đồ dùng, vật dụng đi rẫy, chúng tôi bắt đầu cuốc bộ vào vườn chuối tiêu hồng bạt ngàn của anh. Vừa đi, Moong Bảo Nguyên vừa nhẩn nha kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cuộc đời mình và cái “duyên” đến với cây chuối.

Vườn chuối của Moong Bảo Nguyên

Sinh ra và lớn lên ở Phà Khảo, Moong Bảo Nguyên cũng như bao người khác trong bản, cũng mong học hành để biết được cái chữ, về làm cán bộ nhà nước cho cái thân đỡ vất vả. Thế nhưng, ước mơ đó không thành khi mà tuổi đời còn nhỏ, Nguyên đã phải là trụ cột của gia đình nghèo. Năm 2004, bố Nguyên qua đời, mẹ cũng già yếu, Nguyên đành nghỉ học để kiếm tiền nuôi gia đình mình, cho hai người em theo đuổi con chữ.

Khi bố mất, Nguyên đang học lớp 11, dù thấp bé nhưng Nguyên nhanh như một con sóc, sức khỏe có thể “bẻ sừng trâu”. Một mình Nguyên lên rừng làm lúa, ngô, lấy củi… Chính sự cần cù, chịu khó của Nguyên mà dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng có khá nhiều cô gái bản để ý. Năm 2005, anh yêu và quyết định lấy cô gái Moong Thị Sơn làm vợ. 

Với 1 con bò nái và sự tảo tần, chịu khó của vợ chồng Nguyên, cuộc sống khó nhọc của gia đình cũng dần cải thiện. Đến năm 2012, vợ chồng  gầy dựng được đàn bò 4 con. Hai em của Nguyên cũng học hết cấp 3. Lúc này mẹ Nguyên cũng qua đời. Nguyên nhìn lại mình, ừ thì cũng nhờ siêng năng, biết chắt chiu mà gia đình mình không còn đói nữa, thế nhưng “so với những gia đình khác ở trong xã, trong huyện thì mình vẫn còn nghèo lắm”. Thực ra từ ngày rời khỏi trường học, bắt tay vào cuộc sống mưu sinh, Nguyên đã âm thầm nuôi giấc mơ thoát nghèo. Mỗi năm, đến mùa phát rẫy, trồng ngô, trồng lúa, Nguyên lại gắng sức phát thêm cho vạt rẫy được rộng hơn. Cứ chắt chiu từng ngày, từng tháng như thế với nghĩ suy phát được nhiều rẫy, trồng được nhiều ngô thì bán được nhiều tiền.

Moong Bảo Nguyên thoát nghèo nhờ siêng năng và ý chí

Thế nhưng bao mùa ngô, mùa lúa đi qua mà gia đình anh vẫn nghèo, anh lại đi xa hơn, tìm rẫy tốt hơn để phát cũng không cho kết quả là bao. Hai đứa con ngày càng lớn, nhu cầu mỗi ngày một tăng lên. Rồi Nguyên như sực tỉnh, nếu chỉ dùng sức thì vẫn chưa thể đủ, anh phải tìm cho mình một hướng đi đúng đắn, phù hợp với bản thân, với gia đình. Từ đó anh tích cực tìm hiểu về khoa học kỹ thuật, về cách làm hay ở bản trên, xã dưới. Thậm chí anh còn tìm cách học ở trên mạng internet - điều mà nhiều người quê chưa nghĩ tới. Rồi anh quyết định mình sẽ bắt đầu từ cây chuối.

Thời điểm bắt đầu làm cũng là lúc khó khăn nhất đối với anh. Việc anh vay vốn mua giống chuối, mua thép gai khoanh nương rẫy trồng chuối còn khiến cho nhiều người trong bản ái ngại thay cho anh, rằng từ trước tới nay, chưa ai ở bản này ăn chuối mà sống cả? Muốn làm giàu được từ cây chuối chắc lẽ Nguyên bị “hoang tưởng” chăng?... Số vốn Nguyên bỏ ra cho kế hoạch trồng chuối khoảng gần 50 triệu đồng, với số tiền đó anh phải bán đàn bò đi, rồi vay thêm của những người bạn thân. Rồi anh xách dao, vách xà beng lên cái rẫy mà bấy lâu gia đình anh vẫn thường trồng ngô. 

Bước đầu, anh quyết định trồng chuối tiêu hồng và chuối ngự trên gần 2 ha đất anh phát được. Do đã tìm hiểu cặn kẽ, nên anh đầu tư trồng 1.200 gốc giống chuối tiêu hồng, trồng thử 100 gốc chuối ngự. Về giá cả thì giống chuối ngự đẹp hơn, bán đắt hơn, nhưng do rẫy của anh cao quá, chuối ngự không phát triển được. Còn giống chuối tiêu hồng tuy giá trị bán ra thấp hơn nhưng nó lại là giống cây thích hợp với nhiều loại khí hậu, đặc biệt là giống chuối này giữ được tươi lâu hơn các loại chuối khác. Quả thực, chỉ sau vài tháng trồng đã cho kết quả, giống chuối tiêu hồng thì phát triển mạnh, xanh mơn mởn cả một vùng. Còn cây chuối ngự thì phát triển chậm, đến lúc cây cao lên thì vàng lá héo dần.

Do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, nên bước đầu 1.200 gốc chuối tiêu hồng cũng chỉ sống được hơn 1.000 gốc. “Mới đầu trồng, dù đã tìm hiểu ở những địa phương khác nhưng tôi vẫn lo, vì chưa có nơi nào trồng chuối ở trên độ cao như tôi. Khi nhìn vườn chuối phát triển tươi tốt trên rẫy, cả nhà tôi ai cũng mừng rơi nước mắt”. Rồi mùa hoa chuối đỏ, sau đó cho ra những nải chuối to nối nhau trên từng buồng chuối trĩu nặng đã đến ngày thu hoạch, cũng là lúc khó khăn tiếp theo làm anh phải suy nghĩ ghê lắm - ấy là đầu ra cho quả chuối.

Cây chuối đã giúp Nguyên tìm thấy hướng thoát nghèo

Ban đầu anh dùng xe chở ra chợ Mường Xén, đưa vào các bản bán. Nhưng lượng chuối thu hoạch ngày càng nhiều, thị trường ở Kỳ Sơn không tiêu thụ hết. Anh quyết định lên mạng xã hội Facebook để quảng bá và rao bán. Rồi đóng những buồng chuối lại lên xe máy đưa xuống tận TP. Vinh... Có nhiều hôm chuối chín nhiều quá, không ai mua, cũng chẳng ai ăn nữa, anh đành phải chặt bỏ để lại trên rẫy. Nhìn những quả chuối do chính sức lực của mình bỏ ra thối dần, buồn không nói hết. 

Nhưng rồi, đất và cây không phụ công người, một số thương lái miền xuôi đã chủ động liên lạc với anh để thu mua chuối. Cứ mỗi đợt thu hoạch, anh lại đóng gói, gửi xe về xuôi tiêu thụ. Chỉ gần 7 tháng trong năm nay, những chuyến xe về xuôi ấy đã đem lại cho gia đình anh hơn 50 triệu đồng là số tiền đáng kể đối với những gia đình Khơ mú ở Phà Khảo. Và căn nhà khang trang mới xây, những vật dụng mới sắm, cũng từ đôi tay anh, từ vườn chuối xanh lên mỗi ngày...

Mới chỉ trong thời gian ngắn “bén duyên” cây chuối, nhưng Moong Bảo Nguyên cũng đã rút ra cho mình nhiều kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc cây, quả chuối. Anh chia sẻ: “Muốn cho mỗi gốc chuối phát triển tốt chỉ nên đẻ từ 3-4 cây con. Phải vun gốc cho từng cây cẩn thận. Mỗi lần vận chuyển chuối quả đi xa bán cần phải lấy lá hoặc vỏ của cây chuối cuốn lại, vì quả chuối rất dễ bị bầm dập”. Ấy là chỉ những kinh nghiệm giản dị như vậy thôi, nhưng Nguyên đang chứng minh cho một thành quả từ ý chí vươn lên vượt đói nghèo trên đất rẻo cao Phà Khảo này.

Chia tay Moong Bảo Nguyên, kể câu chuyện trồng chuối với khát vọng làm giàu của anh, xin được dẫn lời  bà Vi Thị Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Phà Đánh: “Moong Bảo Nguyên là một người trẻ ham học hỏi, có chí làm giàu, là gương điển hình cho thanh niên trong xã noi theo để phát triển kinh tế, đi lên thoát nghèo. Anh thực sự làm nên một kỳ tích cho bản làng Khơ mú ở đây”. 

Hồ Phương

TIN LIÊN QUAN