(Baonghean) - Đặt chân đến xã Châu Thuận (Quỳ Châu) hỏi nhà chị Năm, bản Nóng Hao, người trong bản cũng thán phục mà kể cho nghe chuyện chị Năm đã bằng nghị lực phi thường vượt qua sự thiếu may mắn của số phận như thế nào. 

Là con thứ năm trong một gia đình có 9 anh chị em, chị Cầm Thị Năm (SN 1975) khi mới chào đời chị cũng lành lặn như bao đứa trẻ khác. Vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo khó nên cả 9 anh chị em đều không được cắp sách đến trường. Năm lên 13, khi cái tuổi dậy thì vừa chợt đến với cô bé Năm có gương mặt trái xoan hiền lành, phúc hậu thì cũng là lúc tai họa ập đến. Chỉ sau một đêm sốt cao, Năm đã không thể tự ngồi dậy được nữa.

Cuộc sống thiếu thốn, khó khăn và hiểu biết còn hạn chế nên lúc bấy giờ mọi người trong gia đình không biết cô bé mắc bệnh gì; gia đình lại không có tiền để đưa Năm đi bệnh viện chữa trị. Và cũng từ cái đêm định mệnh ấy, Cầm Thị Năm buộc phải gắn phần còn lại của quãng đời tuổi thơ của mình với chiếc giường ọp ẹp trong góc nhà. Mọi sinh hoạt cá nhân Năm đều không thể tự mình làm được. Cô đã khóc không biết bao nhiêu đêm, bao nhiêu ngày nhưng tất cả không bù đắp, thay đổi được định mệnh của số phận, nhất là ở cái chốn rừng thiêng nước độc quạnh quẽ này.

1497018137983.jpgChị Cầm Thị Năm miệt mài bên bàn may. Ảnh: Lương Nga.

Mãi đến năm Cầm Thị Năm bước vào tuổi 20, cái tuổi đẹp nhất của đời con gái, hàng ngày thấy cô cháu gái nửa nằm, nửa ngồi bên ô cửa sổ buồn bã, gia đình người bác họ xót lòng quá nên quyết định vay mượn đưa Năm đi bệnh viện. Các bác sỹ xác định Năm bị lệch các khớp xương mông; việc điều trị gặp khó khăn vì thời gian đã quá dài, chỉ có thể khắc phục được một phần. Dẫu vậy, Năm vẫn âm thầm biết ơn người bác họ và bà con lối xóm đã dành cho mình sự giúp đỡ, lòng thương yêu trong suốt thời gian dài. Sự quan tâm của mọi người cũng giúp cho Năm bình tâm trở lại. 

Sau khi từ bệnh viện trở về, vẫn biết là khó có thể đứng vững trên chính đôi chân của mình, nhưng lúc này Năm lại nghĩ khác. Phải đứng được, phải đi được - đó là quyết tâm của Năm. Với quyết tâm của mình, cô nhận được sự giúp đỡ tận tình của mọi người trong gia đình. Ngã lại dậy, cứ như vậy Năm nghiến răng tập tễnh những bước đi đầu tiên. Đôi bàn tay chai sần vì hàng trăm lần phải chống đỡ cả tấm thân đổ ập xuống, đầu gối biết bao lần phải bó thuốc vì trượt ngã. Sau gần 1.000 ngày kiên trì với mồ hôi, nước mắt, Năm đã có thể đứng và đi những bước của chính mình. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của sau những tháng ngày chiến đấu với bệnh tật, vượt qua chính mình.

Ngôi nhà là thành quả từ sự nỗ lực của chị Cầm Thị Năm hàng chục năm qua. Ảnh: Lương Nga.

Đã có thể tập tễnh di chuyển, song điều Năm trăn trở là vẫn không có việc gì phù hợp với sức khỏe, điều kiện của mình để mưu sinh và tự lo cuộc sống lâu dài. Thế rồi, may mắn cũng mỉm cười với chị. Đó dường như là sự sắp đặt công bằng của ông trời sau những bất hạnh, thiệt thòi mà chị đã trải qua. Một người đàn ông từ miền xuôi lên Quỳ Châu mở cửa hiệu làm nghề may mặc, đồng cảm với hoàn cảnh của người con gái đẹp nết nên anh đã truyền dạy nghề may cho chị.

Tuy vậy, nghề này cũng chẳng dễ học, những ngày đầu vì phải ngồi lâu trên ghế cao và dồn mọi sức lực vào đôi chân để đạp máy nên đã có lúc chị Năm như muốn ngã gục. Rồi có lúc những ngón tay bật máu vì bị kim đâm. Nhưng tất cả những điều đó không làm chị nản lòng, chị vẫn miệt mài trên bàn may. Sau hai tháng học đêm, học ngày chị Năm đã có được sản phẩm đầu tay của mình. Càng ngày mũi kim, đường chỉ của chị càng hoàn thiện. Đôi chân tật nguyền cũng đã quen dần với bàn đạp máy may. 

Đến khi thành nghề, chị Cầm Thị Năm đã mở một cửa hàng may nhỏ trong gia đình mình. Tiếng tăm về tay nghề của cô gái tật nguyền trong bản nghèo đã đến tai mọi người, rất nhiều người tìm đến bản Nóng Hao gặp chị Năm để đặt may quần áo. Khách hàng nhiều, thu nhập của chị cũng nhờ vậy ổn định hơn, tốt hơn. Bình quân thu nhập hàng tháng của chị là 2,5 triệu đồng, số tiền này chị phụ giúp bố mẹ chăm lo cho các em. Đến năm 2002, chỉ sau sau 4 năm tích cóp chị Năm đã đủ tiền xây một căn nhà cấp 4 và dọn ra ở riêng để tiếp tục công việc của mình.

Chị Năm cùng hai người con gái. Ảnh: Lương Nga.

Là phụ nữ ai chẳng khát khao có một mái ấm, một gia đình và một bờ vai để dựa vào mỗi khi trời đổi gió. Cầm Thị Năm cũng vậy. Chị đã không khỏi chạnh lòng khi nhìn thấy bạn bè trong bản đều đã có tổ ấm cho riêng mình, có những người đã rộn rã chồng con. Và rồi hạnh phúc, tình yêu cũng đến với trái tim sơn nữ. Một ngày mùa thu năm 2006, Năm gặp được chàng trai Vi Văn Tuyến, người ở bản Kẻ Nính, xã Châu Hạnh (Quỳ Châu) lên bản Nóng Hao quê chị làm ăn. Động lòng trước người con gái nết na chịu nỗi bất hạnh, anh đã đến với chị. Một năm sau đó đám cưới của hai người được tổ chức trong niềm vui, sự chúc phúc của họ hàng hai bên và bà con làng xóm. Lần lượt hai đứa con gái ra đời là kết quả của tình yêu trên vùng núi cao, suối thẳm. 

Dẫu vậy, phía trước cuộc sống của gia đình chị còn vô vàn chông gai khi anh Vi Văn Tuyến thường xuyên ốm đau. Một tay chị Năm vừa phải lao động, vừa chăm chồng và nuôi con. Về phần anh Tuyến, mỗi lúc khỏe vẫn cố gắng chạy vạy, làm thuê phụ giúp vợ. Để cuộc sống đỡ vất vả hơn, ngoài công việc may vá, vợ chồng anh còn mở rộng chăn nuôi và mở thêm cửa hàng tạp hóa để phục vụ nhu cầu của bà con dân bản. Giờ đây gia đình chị Năm đã xây được một ngôi nhà, một tổ ấm thật sự mà chị đã ước mơ bấy lâu. Không những thế, ngôi nhà của chị Năm được đánh giá là đẹp nhất, khang trang nhất bản Thái nơi đây.

Và mọi người ở bản vẫn kể câu chuyện của chị Năm như là một kỳ tích của Nóng Hao

Lương Nga - Đào Tuấn

TIN LIÊN QUAN