Kỳ thú hòn đá Ông Đùng với dấu chân khổng lồ ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Tồn tại trên sườn núi Đá, xóm An Phong, xã Thanh An, huyện Thanh Chương (Nghệ An), từ bao đời nay, đá Ông Đùng được biết đến như là một khối đá thiêng gắn liền với những câu chuyện huyền bí, hấp dẫn ở địa phương.
28/04/2021 - 11:15
Trong dân gian, ông Đùng là một nhân vật mang nhiều đặc điểm huyền thoại (thân thể to lớn, có sức mạnh phi thường, có công dời non lấp bể...). Từ xa xưa ông Đùng được người dân xem là một trong những vị thần khởi thủy, từng để lại dấu tích ở khắp các vùng miền và được nhân dân ở khắp nơi thờ cúng. Tại huyện Thanh Chương, ngoài đá Ông Đùng ở xã Thanh An, còn có đền thờ ông Đùng… Trong ảnh: Núi có đá Ông Đùng ở xã Thanh An. Ảnh: Huy Thư Đá Ông Đùng độc đáo ở xóm An Phong, xã Thanh An là một khối đá lớn nhô ra trên sườn núi, chiếm diện tích khoảng 15 m2, cao tầm 2,5m. Ảnh: Huy Thư Khối đá này gồm nhiều vỉa đá chồng xếp lên nhau, màu nâu thẫm, rêu phong, trông như một khối quặng. Ảnh: Huy Thư Theo người dân địa phương, trước đây, đá Ông Đùng nằm giữa một rừng cây rậm rạp, ít người qua lại. Nay khu vực này đã được người dân trồng keo, nên khối đá được bao bọc giữa vườn keo. Từ chân núi đi lên đỉnh khoảng 80 m là đến nơi khối đá. Đá Ông Đùng nằm dưới tán 1 cây trồi xanh tốt. Ảnh: Huy Thư Mặt trên của khối đá khá bằng phẳng. Đặc biệt có những vết lõm sâu khoảng 3 cm, dài khoảng 0,4m, rộng tầm 0,15m giống như hình bàn chân người. Các dấu chân “khủng” nằm dọc theo khối đá. Trong ảnh: dấu bàn chân "khủng" trái. Ảnh: Huy Thư Theo các cụ cao tuổi ở đây, từ bao đời nay, người dân địa phương vẫn truyền tụng câu chuyện về “ông Đùng khổng lồ” và cho rằng đó là dấu chân của ông Đùng để lại trên núi Đá. Tương truyền ông Đùng thường ngồi trên khối đá này để hóng mát và câu cá dưới bàu Trừng. Trong ảnh: Dấu bàn chân "khủng" phải. Ảnh: Huy Thư Phía dưới khối đá có 1 cái hang nhỏ. Trời mưa, trẻ em đi chăn trâu hay thường ngồi dưới mái đá để trú mưa. Người dân địa phương không rõ đá Ông Đùng có tên từ bao giờ, chỉ biết rằng đó là một khối đá mang nhiều huyền tích cổ xưa, được xem là đá thiêng ở vùng đất này. Thời gian qua, nhiều người hiếu kỳ cũng về đây "mục sở thị" đá Ông Đùng Ảnh: Huy Thư Theo cụ Nguyễn Viết Giai (73 tuổi) ở xóm An Phong, xã Thanh An (Thanh Chương): Ngày trước dưới chân núi Đá là bàu Trừng. Đối diện với đá Ông Đùng qua bàu Trừng là ngôi chùa cổ dựng trên núi Chùa. Chùa có cây đa cổ thụ, giếng nước và 1 ngôi mộ cổ (trên mộ có dòng chữ Hán). Sau khi chùa bị dỡ, mộ cổ bị đập, chỉ còn lại cây đa. Năm 1985, ông Nguyễn Quốc Thuyết, cày nền chùa để trồng sắn đã phát hiện 1 thúng tiền đồng. Ngay sau đó, không ít các nhóm người lạ mang máy dò kim loại đến lùng sục tìm của cải dưới lòng đất quanh khu vực đá Ông Đùng. Trước sự việc đó, một người dân trong vùng đã mang búa đến đập hết “các ngón chân” trên đá Ông Đùng, nhằm xóa "mũi chỉ hướng" để người lạ khỏi tìm kiếm. Từ đó dấu chân “khủng” trên đá Ông Đùng không còn hình những ngón chân và phong trào đi tìm của cải ở đây cũng lắng xuống. Trong ảnh: Cây đa còn sót lại trên đỉnh núi Chùa. Ảnh: Huy Thư Cũng liên quan đến ông Đùng, ở xã Thanh Xuân (Thanh Chương) lại có một ngôi đền cổ mang tên đền Ông Đùng. Ông Nguyễn Cảnh Lân (78 tuổi) - người dân địa phương cho biết: Đền được xây dựng từ hàng trăm năm trước để thờ bản cảnh Đùng Sơn. Đây là ngôi đền thiêng của làng Xuân Điền xưa (nay là xóm Xuân Lan). Do hư hỏng xuống cấp, đền mới được khôi phục lại năm 2009. Ảnh: Huy Thư Trước đền Ông Đùng có giếng Ông Đùng, nước trong, ngọt mát, là nguồn nước quý của làng. Khi đền Ông Đùng được khôi phục, người dân cũng tôn tạo lại giếng cổ này. Đá Ông Đùng cũng như đền Ông Đùng đang được người dân các địa phương gìn giữ, bảo vệ. Ảnh: Huy Thư