Dự báo tỷ lệ hồ sơ “ảo” xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng năm 2016 tăng lên. Tuy nhiên, thí sinh sẽ có nhiều kênh để tham khảo thông tin.

Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT Quốc gia năm 2016. Dự thảo có những điểm mới trong công tác tổ chức cụm thi, xét tuyển…

Để giúp thí sinh có thể hiểu rõ hơn về những điểm mới nổi bật sẽ được thực hiện trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, phóng viên có cuộc phỏng vấn PGS. TS. Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT).

PV: Thưa ông, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, ở đợt xét tuyển đầu tiên thí sinh được đăng ký vào 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng và không được thay đổi nguyện vọng đã đăng ký. Ông có thể giải thích rõ hơn vì sao Bộ GD-ĐT lại có sự thay đổi này?

PGS. TS. Mai Văn Trinh: Năm nay là năm thứ hai, Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong tuyển sinh.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ theo Công văn số 743 ngày 01/02/2016 và rút kinh nghiệm từ Kỳ thi THPTQG năm 2015, Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 có một số điều chỉnh. Trong đó, có nội dung điều chỉnh về công tác tuyển sinh. Theo đó, ở đợt xét tuyển đầu tiên, mỗi thí sinh chỉ được đăng ký tối đa vào 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng.

Như chúng ta đã biết, năm 2015, ở đợt 1, mỗi thí sinh được đăng ký vào 1 trường và tối đa là 4 nguyện vọng. Với cách làm đó, nhiều ý kiến băn khoăn rằng, thí sinh có thể đỗ đại học nhưng không vào được những ngành mong muốn. Cho nên, trong đợt 1 của kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, mỗi thí sinh được đăng ký tối đa vào 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng thì các em vẫn đạt được tổng số là 4 nguyện vọng. Như vậy, các em sẽ không có gì thiệt thòi hơn những năm trước mà các em lại có thêm cơ hội vào 2 trường. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thí sinh có nhiều cơ hội hơn để chọn lựa được ngành đã định hướng trong tương lai.

images1471198_pgs_mai_van_trinh_mloj.jpgPGS. TS. Mai Văn Trinh

Dự báo hồ sơ “ảo” tăng

PV:Việc điều chỉnh có lợi cho thí sinh khi đăng ký xét tuyển vào trường, nhưng xác suất hồ sơ ảo sẽ tăng lên rất lớn. Bộ GD-ĐT có lường trước được điều này như thế nàovà có biện pháp gì để giải quyết?

PGS. TS. Mai Văn Trinh:Có thể nói rằng, tất cả những phương án tuyển sinh đều có mặt tích cực và hạn chế. Tại thời điểm hiện nay, trong bối cảnh cụ thể sẽ không có phương án tuyển sinh nào thỏa mãn và đạt được các thông số đảm bảo tất cả lợi ích của phía người học, phụ huynh, các cơ sở đào tạo và toàn xã hội.

Với những điều chỉnh cho kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, Bộ GD-ĐT và các trường đại học, cao đẳng cũng nhận thấy, với cách thức điều chỉnh như trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT Quốc gia, dự báo tỷ lệ hồ sơ “ảo” sẽ tăng lên.

Để khắc phục tình trạng hồ sơ “ảo”, trong quá trình đăng ký xét tuyển, phần mềm quản lý thi của Bộ GD-ĐT sẽ đảm bảo thí sinh đăng ký không vượt quá số nguyện vọng được quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2016.

Căn cứ vào nhiều tham số như: số lượng hồ sơ thí sinh đăng ký xét tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh và qua những kinh nghiệm tích lũy nhiều năm trong tuyển sinh, các trường đại học, cao đẳng sẽ giải quyết tỷ lệ hồ sơ “ảo” bằng cách quyết định một số dôi dư phù hợp so với chỉ tiêu nhằm khắc phục được hồ sơ “ảo” nhưng không được tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu theo quy định theo mức cho phép. Việc làm này đã được các trường thực hiện từ nhiều năm nay khá ổn nên hy vọng rằng, với những cách thức làm như vậy thì hiện tượng hồ sơ “ảo” sẽ được các trường khắc phục ở mức có thể chấp nhận được.

Ngoài ra, nếu các trường có nhu cầu, Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng đưa ra giải pháp để khắc phục giải quyết tỷ lệ hồ sơ “ảo”. Vì quyền lợi của thí sinh, Bộ GDĐT và các trường ĐH, CĐ sẽ khắc phục khó khăn để làm tốt nhất công tác thi và tuyển sinh năm 2016.

PV: Trong đợt xét tuyển bổ sung, mỗi thí sinh được đăng ký vào 3 trường. Như vậy, số thí sinh “ảo” sẽ tăng lên. Có ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT không cần phải đưa ra nhiều nguyện vọng như vậy. Ý kiến của Bộ về vấn đề này như thế nào?

PGS. TS. Mai Văn Trinh: Từ kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng thực hiện theo hình thức 3 chung (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển) cho đến kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, khi kết thúc đợt 1 của kỳ tuyển sinh, các trường đại học trên cả nước về cơ bản đã tuyển được gần đủ chỉ tiêu.

Các đợt xét tuyển bổ sung, số lượng thí sinh xét tuyển không nhiều và chỉ tập trung ở một số trường có sức hút thí sinh không cao bằng các trường tốp trên. Do đó, trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT Quốc gia vẫn cho phép thí sinh đăng ký 3 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng cũng nhằm mục tiêu đảm bảo quyền lợi, tạo cơ hội chọn lựa trường nhiều hơn cho thí sinh.

Số lượng hồ sơ “ảo” sẽ được các trường giải quyết trên tổng số thí sinh tham gia đăng ký xét tuyển ở các đợt bổ sung (số này ít hơn nhiều so với đợt xét tuyển đầu tiên). Vì vậy, các trường đại học, cao đẳng có thể xử lý được.

PV: Trước những dự báo về tỷ lệ hồ sơ “ảo” trong các đợt xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ tăng lên như vậy, Bộ GD-ĐT có hướng dẫn như thế nào đối với thí sinh khi làm thủ tục xét tuyển, thưa ông?

PGS. TS. Mai Văn Trinh: Dự báo tỷ lệ hồ sơ “ảo” trong các đợt xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ tăng lên. Tuy nhiên, năm nay, học sinh có nhiều kênh để tham khảo thông tin. Thứ nhất, về việc lựa chọn học ngành nghề nào, học sinh có sự định hướng từ sớm. Đặc biệt là khi các em bước vào những năm học cuối cùng của cấp THPT, thì định hướng đó càng rõ hơn.

Thứ hai, thí sinh cần nắm vững cách thức tuyến sinh của các trường, nhất là chỉ tiêu tuyển sinh vào các ngành.

Thứ ba, thí sinh có thể tham khảo điểm trúng tuyển của các trường đại học, cao đẳng trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 để có thêm căn cứ cho việc định cỡ kết quả thi của mình, từ đó cân nhắc quyết định đăng ký xét tuyển vào các trường.

Thí sinh được lựa chọn xét tuyển theo nhóm trường

PV: Ông có thể giải thích rõ hơn về thông tin thí sinh được lựa chọn xét tuyển theo nhóm trường?

PGS. TS. Mai Văn Trinh: Trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT Quốc gia cho phép các trường đại học, cao đẳng liên kết với nhau để tạo thành nhóm khi thực hiện công tác tuyển sinh. Đây cũng là thực hiện theo chủ trương giao quyền tự chủ tuyển sinh của các trường. Việc hình thành các nhóm là hoàn toàn tự nguyện. Các nhóm tuyển sinh đó sẽ phải có đề án tuyển sinh. Đề án tuyển sinh của nhóm sẽ được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để thí sinh biết. Đề án này phải đảm bảo những quy định của Quy chế thi THPT Quốc gia như: ngưỡng đảm bảo chất lượng, số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào mỗi đợt…

Ngoài ra, nhóm trường có thể đưa ra những phương thức, giải pháp cụ thể khi thực hiện xét tuyển để đảm bảo sự vận hành một cách linh hoạt cũng như khắc phục tình trạng thí sinh “ảo”.

PV: Năm nay, học sinh được phép đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng trực tuyến. Việc đăng ký xét tuyển trực tuyến, đòi hỏi cơ sở hạ tầng thông tin phải rất tốt, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng nghẽn mạng, sập mạng. Bộ có giải pháp gì cho điều này?

PGS. TS. Mai Văn Trinh: Trong những năm gần đây, nhiều trường đại học, cao đẳng đã thực hiện đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng trực tuyến và hiện nay, số lượng trường thực hiện theo hình thức này tăng lên. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin của các trường đại học, cao đẳng ở các vùng miền không đồng đều nên trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT Quốc gia năm 2016, trong dự thảo quy chế, Bộ GD-ĐT đưa ra 2 cách thức để thí sinh đăng ký xét tuyển là: trực tuyến hoặc gửi theo đường bưu điện.

Để đảm bảo cho việc đăng ký xét tuyển trực tuyến, các trường đại học, cao đẳng phải chuẩn bị đầy đủ nguồn lực. Còn ở những vùng có điều kiện khó khăn, chưa đáp ứng điều kiện đăng ký trực tuyến thì các trường phải có phương án thông báo rộng rãi để thí sinh biết và thực hiện.

Về phía Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật cho các trường thực hiện công tác xét tuyển trực tuyến.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN