(Baonghean) - Sau nhiều thấp thỏm, lo lắng cuối cùng thì kỳ thi đại học, cao đẳng năm học 2014 đã diễn ra suôn sẻ, nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế. Và đây là kỳ thi được đánh giá có nhiều đổi mới trong cách ra đề và phân loại thí sinh…
Buổi sáng ngày 10/7 diễn ra môn thi cuối cùng, điểm thi Trường THCS Hưng Dũng (TP. Vinh) nơi tập trung các thí sinh thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Luật, không khí đã có phần thoải mái. Chị Nguyễn Thị Liên, đến từ Thị xã Hà Tĩnh đưa con gái Huyền My thi vào khoa Kinh tế Luật – Đại học Luật Hà Nội chia sẻ: Dù năm nay là năm thứ hai cháu đi thi đại học nhưng gia đình rất yên tâm bởi cả hai đợt thi, đợt 1 thi khối A1, đợt 2 thi khối D cháu đều làm bài tốt. Chấm theo đáp án được từ 7 – 8 điểm. Sự kỳ vọng của chị Liên càng như được củng cố khi tiếng trống cuối cùng báo hiệu hết giờ vang lên và cô con gái Huyền My ra khỏi phòng thi với nụ cười rạng rỡ.
Còn ở điểm thi Trường THCS Trường Thi (TP. Vinh), trong số những thí sinh hoàn thành bài thi sớm nhất, mọi người chú ý đến cô nữ sinh xinh xắn, mặc trên mình chiếc áo đỏ tươi in hình cờ đỏ sao vàng. Thừa nhận mặc áo này là có chủ ý, Tuyết, nguyên là học sinh của Trường THPT Tân Kỳ bảo rằng: Vừa xuống Vinh đi thi là em đi mua áo này ngay. Em nghĩ rằng, mang trên mình chiếc áo có hình lá cờ của Tổ quốc mình sẽ có thêm nghị lực, thêm niềm tự tin khi làm bài. Có lẽ cũng vì suy nghĩ đó nên sau 3 môn thi khối C thi vào Trường Đại học Nội vụ, Tuyết tự tin nói rằng “em đều làm rất tốt”. Riêng môn Văn, môn thi cuối cùng là em thấy khả quan nhất và rất kỳ vọng vào câu 2, câu nghị luận xã hội khi yêu cầu học sinh phân tích một câu nói trong tác phẩm “Đời thừa” của nhà văn Nam Cao: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của mình”. Về ý kiến cá nhân, Tuyết cho rằng: Trong cuộc sống hàng ngày, em vẫn luôn luôn có ý thức giúp đỡ bạn bè, vẫn cố gắng sống đoàn kết chan hòa. Em cũng đã liên hệ câu nói này với tình hình thực tế ở nước ta hiện nay, nhất là vấn đề tranh chấp Biển Đông. Trung Quốc có thể là một nước lớn, nhưng Trung Quốc đang đi ngược lại với luật pháp của quốc tế và nếu đó là cách để Trung Quốc thể hiện mình “mạnh” thì đó là một sách lược sai lầm, chỉ để nhằm “thỏa mãn lòng ích kỷ”.
Không chỉ riêng môn Văn, ở nhiều môn thi khác các giáo viên đều nhận xét đề thi năm nay đã có những thay đổi tích cực, không chỉ đòi hỏi học sinh nắm chắc kiến thức, sáng tạo trong cách thể hiện mà còn yêu cầu thí sinh có những kiến thức nhất định đối với cuộc sống. Đây cũng là một trong những đổi mới tích cực của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà được dư luận và các nhà chuyên môn đánh giá cao. Đồng thời, mọi người kỳ vọng từ những sự đổi mới này sẽ kéo theo nhiều đổi mới trong cách dạy và cách học của những năm tới. Tiến tới, xóa bỏ lối học theo hình thức sáo mòn, nặng về số liệu sách vở. Quan tâm hơn đến những kiến thức gắn liền với thực tế và có giá trị giáo dục cao, giúp các em hướng tới những giá trị chân thực trong cuộc sống.
Kỳ thi ĐH, CĐ năm 2014 tại Cụm thi Vinh được đánh giá là an toàn, nghiêm túc, sau 2 đợt thi chỉ có 3 thí sinh bị đình chỉ. Công tác an ninh trật tự kỳ thi được đảm bảo an toàn tuyệt đối, cán bộ tham gia công tác tuyển sinh thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, đúng quy chế, không để xảy ra sai sót. Các điểm thi được đảm bảo về điều kiện vật chất, văn phòng phẩm… Đánh giá sau khi kỳ thi kết thúc, ông Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh, Chủ tịch Hội đồng coi thi cho rằng, kết quả trên là nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ban, ngành liên quan như Công an, Sở Giáo dục và Đào tạo, Điện lực… Bên cạnh đó, có sự thống nhất trong công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát của các thành viên trong Hội đồng thi, có sự phối hợp khoa học, đồng bộ, nhịp nhàng và có sự ủng hộ các của các trường đại học, nhất là những trường đại học ở xa hoặc các trường có gửi thí sinh thi tại cụm thi Vinh. Kỳ thi năm nay cũng ghi nhận sự nỗ lực của lực lượng sinh viên tình nguyện và thanh niên tham gia chương trình “Tiếp sức mùa thi”. Trong đó, đã bố trí được gần 100 chỗ ở miễn phí, hơn 4.000 phòng trọ giá rẻ cho người nhà và thí sinh dự thi. Đã tổ chức tư vấn gần 40.000 lượt, chở gần 5.000 lượt xe miễn phí. Bên cạnh đó cũng đã tổ chức giữ đồ, giữ xe cho hàng nghìn thí sinh.
Tuy vậy, qua quan sát công tác tổ chức thi, đặc biệt là qua hoạt động của các đội tiếp sức mùa thi năm nay vẫn có rất nhiều vấn đề cần lưu ý. Cụ thể, dù lực lương thanh niên tình nguyện tham gia vào kỳ thi rất đông với gần 1700 người. Tuy vậy, nhìn chung hoạt động của các đội tình nguyện còn đơn điệu, nặng về số lượng tham gia và chưa có nhiều hoạt động mang tính chất trợ giúp thiết thực. Trên trang website của Tỉnh đoàn Nghệ An thông tin về nhà trọ, về các điểm tình nguyện cũng rất hiếm hoi. Hy vọng rằng, từ những hạn chế này, những kỳ thi tới, công tác tổ chức sẽ được đầu tư hơn, trong đó, quan trọng nhất là vai trò của Tỉnh đoàn, đơn vị chính chỉ đạo, lên kế hoạch và theo dõi chương trình “Tiếp sức mùa thi”.
Mỹ Hà