(Baonghean.vn)- Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, chanh leo đơm quả trên đất Kỳ Sơn không chỉ đẹp, ngon mà còn được giá.  

Những ngày này, hơn 25 hộ bà con người Mông - thành viên của tổng đội TNXP 10 ở Na Ngoi vui mừng bước vào vụ thu hoạch chanh leo. Đối với nhiều địa bàn trong tỉnh, chanh leo không phải là loài cây quá lạ lẫm.

Tuy nhiên, trên đất Na Ngoi thì đây là mùa đầu tiên loại cây này bén rễ và cho thu hoạch tốt về cả chất lượng và số lượng.  Điều đáng nói, mức giá tiêu thụ sản phẩm ra thị trường của bà con cũng khá ổn định, đạt bình quân 11 ngàn đồng/kg, mang lại niềm vui không nhỏ cho bà con đồng bào.

Theo những chia sẻ của anh Vương Xuân Trụ, Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP 10 thì Na Ngoi là một trong những vùng có khí hậu lạnh nhất Kỳ Sơn. Cùng với đó, địa bàn đất dốc nên rất khó canh tác các loại cây trồng. Đây lại là địa bàn quần cư của bà con người Mông, đa phần cuộc sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn và chưa mạnh dạn triển khai các hướng đi kinh tế mới.

images1934470_19366284_1877240192597360_3646027371329360005_n.jpgHợp đất, cây chanh leo cho thu hoạch năng suất cao, chất lượng tốt trong vụ đầu bén rễ ở Na Ngoi. Ảnh: T.Q

Mặc dù thời gian qua, mô hình trồng rau sạch của bà con đã mang lại giá trị sản xuất cao. Tuy nhiên, còn rất nhiều diện tích đất đồi núi vẫn chưa được tận dụng triệt để gây lãng phí lớn về tài nguyên này.

Nhận thấy cây chanh leo là loài có thể thích nghi tốt với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây, vào cuối tháng 2 vừa qua, các đồng chí kỹ thuật cùng 25 hộ bà con người Mông trong Tổng đội đã trồng thử nghiệm gần 150 gốc chanh leo trên diện tích đất đồi vệ.

Những ngày vừa qua, diện tích trên đã cho thu hoạch với chất lượng quả vượt trội. Trung bình mỗi quả nặng 2 lượng, quả lớn nhất cho đến thời điểm hiện tại đạt gần 3,1 lượng. Có những cây cho thu hoạch trên 70 quả.

Sau khi có thu hoạch, tư thương trên địa bàn huyện đã thu mua tận gốc với giá bán dao động từ 10 đến 12 nghìn đồng mỗi kg. Từ đầu mùa đến nay đã xuất ra thị trường hơn 9 tạ quả.

Sau vụ đầu thành công, Tổng đội cùng bà con đang xây dựng kế hoạch để mở rộng diện tích trồng loại cây này lên 10 ha trên toàn xã.

Đề cập đến các mô hình trồng chanh leo trên địa bàn Kỳ Sơn, ông Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy cho biết: “Từ năm 2016, huyện triển khai trồng thử nghiệm cây chanh leo cho đồng bào Mông ở xã Mường Lống, đồng bào Khơ Mú tại xã Mỹ Lý, đồng bào Thái ở Huồi Tụ với tổng diện tích trên 3 ha.

Qua kiểm tra cho thấy cây chanh leo trên địa bàn đã và đang sinh trưởng phát triển rất tốt, mang lại thu nhập trên 90 triệu đồng mỗi ha. Bình quân năng suất mỗi ha đạt trên 40 tấn quả.

Rút kinh nghiệm từ các địa bàn trồng chanh leo bị rớt giá, chính quyền huyền đã sâu sát cùng người dân để chăm sóc cây theo đúng quy trình, từ đó cây phát triển tốt cả về hình thức và chất lượng nên không bị ép giá.

Bên cạnh đó, huyện cũng đã tiến hành liên kết với các nhà máy trên địa bàn tỉnh để có được cam kết đầu ra ổn định cho cây.

Nhờ đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật nên sản phẩm chanh leo Kỳ Sơn không bị ép giá, thậm chí còn bán với giá cao và ổn định. Ảnh: T.Q

Trước những thành quả bước đầu thu nhận được từ cây chanh leo, vừa qua đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu cũng đá có những đánh giá tích cực đối với các mô hình trên.

Từ đó, huyện đã và đang từng bước hoàn thiện kế hoạch để mở rộng diện tích trồng cây chanh leo trên địa bàn, hứa hẹn đây sẽ là hướng phát triển kinh tế lâu dài và ổn định giúp bà con nâng cao giá trị sản xuất.

T.Q

TIN LIÊN QUAN