(Baonghean)- Đại hội Đảng bộ huyện Kỳ Sơn nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra mục tiêu phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo. Đây là một mục tiêu rất cao trong bối cảnh Kỳ Sơn là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Báo Nghệ An đối thoại với đồng chí Vi Hòe - Ủy viên BCH Đảng bộ Tỉnh, Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn về vấn đề này.

P.V: Thưa đồng chí! Theo báo cáo giai đoạn 2010 - 2015, Kỳ Sơn mỗi năm giảm 6% hộ nghèo và theo đó huyện đã có nhiều giải pháp, cách làm hiệu quả, tuy nhiên kết quả giảm nghèo trên địa bàn vẫn chưa bền vững. Đồng chí có ý kiến gì về sự đánh giá này?

images1467706_anh_4.jpgĐồng chí Vi Hòe trao đổi với cán bộ, nhân dân xã Hữu Kiệm về kinh nghiệm phát triển kinh tế hộ gia đình từ việc nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng. Ảnh: HN

Đồng chí Vi Hòe: Trước hết chúng tôi đồng tình với nhận định, đánh giá này. Kỳ Sơn là 1 trong 3 huyện nghèo nhất của tỉnh, 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước thực hiện chương trình Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Kỳ Sơn luôn xác định rõ phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, do vậy trong những năm qua cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, các ngành trên địa bàn huyện đã quan tâm thực hiện bằng nhiều giải pháp như: Ban hành nghị quyết phân công cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị giúp đỡ hộ nghèo, triển khai đề án xóa đói, giảm nghèo; tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn đầu tư phát triển kinh tế; hỗ trợ cây giống, vật nuôi có năng suất cao; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo…

Ngoài ra, các nguồn hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện đã được huyện chỉ đạo sử dụng hợp lý có hiệu quả. Nhờ vậy, nhiều hộ nghèo ở huyện Kỳ Sơn có điều kiện thoát nghèo, cải thiện đời sống. Giai đoạn 2010 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 6%/năm, theo thống kê đến đầu năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo còn 52,79%.

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo ở Kỳ Sơn chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, nhất là sau khi có tiêu chí nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo ở Kỳ Sơn tăng từ 52,79% lên trên 65%. Nguyên nhân khách quan do điều kiện địa hình, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai, hạn hán thường xuyên xảy ra, dịch bệnh cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp; kết cấu hạ tầng nông thôn còn bất cập, trình độ sản xuất vẫn còn lạc hậu...

Nguyên nhân chủ quan vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quyết liệt trong thực hiện công tác giảm nghèo; vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân không muốn vươn lên thoát nghèo.

Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn kiểm tra mô hình chăn nuôi lợn theo hình thức bán công nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Chiêu Lưu. Ảnh: HN

P.V: Thời gian vừa qua Kỳ Sơn đã có những cách làm hay, sáng tạo hiệu quả như ra nghị quyết phân công đảng viên, tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị giúp đỡ hộ nghèo; hay huy động các nguồn lực trong và ngoài huyện dồn sức cho công tác này… Vậy những kinh nghiệm này tới đây sẽ được vận dụng vào thực tiễn như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Vi Hòe: Từ thực tế khó khăn trong công tác xóa đói, giảm nghèo nên Kỳ Sơn đã thực sự trăn trở tìm các giải pháp thực hiện. Về việc phân công đảng viên, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị giúp đỡ hộ nghèo, Kỳ Sơn đã có chủ trương từ năm 2003, từ năm 2008, huyện đã ban hành Nghị quyết của BCH Đảng bộ về thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí minh gắn với việc đảng viên giúp đỡ hộ nghèo.

Theo đó hàng năm, chúng tôi đều có kế hoạch, giao nhiệm vụ cho từng đảng viên, tổ chức cơ sở đảng giúp đỡ hộ nghèo gắn với điều kiện, khả năng, nhiệm vụ của từng cá nhân, cơ quan, đơn vị, như góp ngày lương, mua giống cây, con, hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt… Hiệu quả từ mô hình, cách làm này đã tạo sự gắn bó, gần gũi giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân, thắt chặt tình đoàn kết trong đồng bào các dân tộc, góp phần quan trọng vào kết quả xoá đói, giảm nghèo chung của huyện.

Mô Hình chân nuôi bò địa phương cho hiệu quả kinh tế cao của đồng chí Moong Phò Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn. Ảnh: HN

Đánh giá chung về mô hình, cũng như cách làm này thật sự có ý nghĩa và đem lại hiệu quả thiết thực, vì vậy trong thời gian tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện. Gắn với đó, Kỳ Sơn tiếp tục giao nhiệm vụ cho từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy, các tổ chức cơ sở đảng từ huyện đến cơ sở đăng ký giúp đỡ hộ nghèo bằng hình thức phù hợp, gắn với tiêu chí thi đua xếp loại cuối năm. Hàng năm có sơ kết đánh giá kết quả việc thực hiện, nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả. Đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác xóa đói, giảm nghèo; chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước...

P.V: Đại hội Đảng bộ huyện Kỳ Sơn lần thứ XXII đề ra mục tiêu "phấn đấu xóa đói, giảm nghèo bền vững, từng bước đưa huyện Kỳ Sơn thoát khỏi tình trạng huyện nghèo", vậy Kỳ Sơn đã có giải pháp, kế hoạch, lộ trình thực hiện như thế nào?

Đồng chí Vi Hòe: Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, Kỳ Sơn xác định rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm là: Tập trung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; bảo vệ, phát triển rừng gắn với phát triển các mô hình kinh tế trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Trong số 14 đề án cụ thể hóa chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, Kỳ Sơn chú trọng một số đề án liên quan đến công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn như: Đề án Đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn huyện; Đề án xây dựng vùng sản xuất chuyên canh, xây dựng các mô hình kinh tế...

Tập trung mọi nguồn lực thực hiện có hiệu quả công tác xoá đói, giảm nghèo nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính phủ. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 02-CT/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về đảng viên giúp đỡ hộ nghèo; giao chỉ tiêu cho các chi bộ, đảng bộ và có hình thức thiết thực để giúp đỡ hộ nghèo; xây dựng cơ chế hỗ trợ, vận động người nghèo tự vươn lên thoát nghèo.

Thi công công trình Nhà máy thủy điện Nậm Cắn. Ảnh: HN

Cụ thể, bình quân mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn từ 4,5 - 5%, huyện Kỳ Sơn sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo. Trước hết chúng tôi tập trung chỉ đạo, triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ xoá đói, giảm nghèo, đẩy mạnh đầu tư đến các xã có tỷ lệ đói nghèo cao, xã biên giới đặc biệt khó khăn; tăng cường giám sát, quản lý các nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo, đảm bảo các nguồn vốn hỗ trợ được sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nghèo.

Đồng thời, tập trung làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về chương trình giảm nghèo, chương trình lao động việc làm, chú trọng nhân rộng mô hình kinh tế đã có hiệu quả; tập trung lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, theo hướng sản xuất hàng hoá, đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại.

Đưa các loại cây, con, vật nuôi giống bản địa có sản lượng, giá trị kinh tế cao vào sản xuất như: trâu, bò địa phương, lợn đen, gà đen, chè, dong riềng, khoai sọ, bí xanh…; đặc biệt không ngừng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về công tác xóa đói, giảm nghèo, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo; đồng thời thực hiện có hiệu quả các đề án đã được xác định trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, phấn đấu sớm đưa Kỳ Sơn thoát khỏi đói nghèo, giữ vững quốc phòng, an ninh, chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, nơi cửa ngõ miền Tây của tỉnh Nghệ An.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Hữu Nghĩa (Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN