(Baonghean) - Những năm gần đây, huyện miền núi Kỳ Sơn đã có những bước đột phá trong công tác cán bộ, trong đó có công tác luân chuyển cán bộ.

Đưa cán bộ huyện về cơ sở

Đề án luân chuyển cán bộ cấp huyện về cơ sở là một trong những chương trình, hành động nhằm hiện thức hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Kỳ Sơn lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đây được xem là bước chuyển động nhanh chóng, kịp thời và bước đầu đem lại hiệu quả tích cực.

Thực hiện theo đề án, vào tháng 12/2015, Huyện ủy Kỳ Sơn ra quyết định điều động, luân chuyển 5 cán bộ từ huyện xuống 5 xã Mường Lống, Phà Đánh, Bảo Nam, Hữu Kiệm và Bắc Lý là những địa bàn gặp nhiều khó khăn cần được quan tâm và tạo ra sự đổi mới về tư duy để thúc đẩy phát triển KT - XH.

images1886478_bna_5900a2f5dce00.jpgĐồng chí Nguyễn Hữu Lượng - Chủ tịch UBND huyện Hữu Kiệm kiểm tra chất lượng đường giao thông thôn bản 2. Ảnh: Khánh Ly

Đồng chí Nguyễn Hữu Lượng - nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Kỳ Sơn là  1 trong 5 cán bộ được luân chuyển ngay trong đợt đầu vào vị trí Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm.

Về nhận công tác mới tại địa bàn gồm 9 thôn, bản chủ yếu là đồng bào Thái, Khơ mú, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, việc đầu tiên tân Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm thực hiện là phân chia thời gian hợp lý để vừa xuống thực tế địa bàn cơ sở, vừa tìm hiểu các đặc thù công việc lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền.

Sau khi tìm hiểu thực tế, đồng chí Lượng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương kiện toàn, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, phân công rõ người, rõ việc trên cơ sở năng lực, sở trường đào tạo của từng người, định kỳ hàng tuần tổ chức giao ban nghe báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện công việc được giao của từng cá nhân, từng bộ phận; giao trách nhiệm cho cán bộ, công chức phải tích cực bám địa bàn, kịp thời giải quyết hoặc tham mưu giải quyết những vấn đề phát sinh ở cơ sở.

Từ đó tạo sự chuyển biến tích cực trong lề lối làm việc, ý thức thực thi công vụ của cán bộ, công chức trên địa bàn. Công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương đã có những chuyển biến tích cực thông qua chỉ đạo, triển khai tốt các mô hình kinh tế như: Mô hình rau sạch tại Khe Nhinh; mô hình nuôi gà an toàn sinh học tại bản Na Lượng 2; mô hình trồng Nấm tại bản Na Chảo; mô hình trồng lúa thơm Na Loi vụ Xuân; mô hình trồng lúa chất lượng cao thiên ưu 8 vụ mùa… đem lại hiệu quả kinh tế góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân, nhưng điều quan trọng nhất là đã dần làm thay đổi tư tưởng “trông chờ ỷ lại” của bà con.

Công tác xây dựng bản nông thôn mới cũng nhận được sự hưởng ứng và có những chuyển động tích cực từ xã đến bản. Năm 2016, địa phương đăng ký 4 bản nông thôn mới: Khe Tỳ, Na Lượng 1, Na Chảo, Bản Hòm (trong đó Na Lượng 1 đăng ký bản NTM kiểu mẫu). Đến nay, có 3 bản hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận NTM. Số tiêu chí cấp xã đạt được đến cuối năm là 12/19 tiêu chí.

Nói về những trải nghiệm thực tế ở cơ sở, đồng chí Nguyễn Hữu Lượng cho hay: Cái “được” lớn nhất của cán bộ luân chuyển là trau dồi khả năng bao quát toàn diện; kinh nghiệm quản lý, điều hành, giải quyết vấn đề phát sinh ở cơ sở phù hợp với điều kiện thực tiễn. 

Cũng từ thực hiện đề án luân chuyển cán bộ của huyện, đồng chí Trần Quốc Đồng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy được điều động làm Bí thư Đảng ủy xã Phà Đánh. Đây là địa bàn có đồng bào Thái và Khơ mú cùng sinh sống, điều kiện kinh tế còn  khó khăn hơn nhiều so với xã Hữu Kiệm. Với kinh nghiệm và khả năng của mình, đồng chí Trần Quốc Đồng đã giúp địa phương tháo gỡ nhiều vấn đề khó khăn.

Chẳng hạn như nhận thấy UBND xã gặp khó về nước sinh hoạt, có khi cán bộ phải đi xách từng can nước về dùng, đồng chí Đồng đã tham mưu xây dựng bể nước 40m3 phục vụ sinh hoạt cho cán bộ công chức. Tân Bí thư Đảng ủy xã còn đích thân khảo sát và đề xuất làm tuyến đường bị sạt lở cho người dân Huồi Nhúc; động thổ cụm trường mầm non Huồi Nhúc, nhà văn hóa cộng đồng bản Xắn…

Bên cạnh đó, xác định muốn thay đổi tư duy “ngại khó, ngại khổ” của đồng bào, trước hết phải thay đổi tư duy của cán bộ, đảng viên, đồng chí Trần Quốc Đồng đã phát động cán bộ, công chức UBND gương mẫu thực hiện những việc làm cụ thể để bà con làm theo như phát triển mô hình trồng gừng tại khu vườn trong khuôn viên ủy ban xã,  mô hình chè 100 gốc giao cho Hội Nông dân phụ trách, mô hình trồng rau sạch do Hội Phụ nữ đảm nhận…

Theo đồng chí Trần Quốc Đồng: Để tạo được lòng tin với dân và sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận trong nội bộ bên cạnh việc tăng cường bám cơ sở, trăn trở tìm hướng thúc đẩy phát triển kinh tế, giúp đồng bào thoát nghèo, đưa địa phương đi lên về mọi mặt, cán bộ luân chuyển phải thực sự gương mẫu “nói đi đôi với làm”…

Làm tốt công tác tư tưởng

Nhờ làm tốt công tác tư tưởng (cho cả người đi và nơi đến) đồng thời thực hiện kịp thời chế độ hỗ trợ, các cán bộ được huyện ủy Kỳ Sơn điều động luân chuyển đều nhanh chóng hòa nhập, tạo sự đổi mới trong phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc và ít nhiều tạo ra sự thay đổi, chuyển động tích cực nơi địa bàn phụ trách.

Đồng chí Vi Hòe - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho hay: Ngoài những yếu tố đặc thù, Kỳ Sơn là huyện nghèo một phần do đội ngũ cán bộ (nhất là ở cấp xã) hạn chế về trình độ, năng lực, khả năng tổ chức, điều hành, chỉ đạo. Bởi vậy, huyện xác định để đưa địa phương thoát nghèo bền vững thì công tác cán bộ phải là gốc. Ngay trước khi có Nghị quyết 02 của BCH Đảng bộ tỉnh, huyện đã xây dựng và thực hiện đề án luân chuyển cán bộ về cơ sở vừa bồi dưỡng, đào tạo, vừa bổ sung nhân lực, tạo sự chuyển động bứt phá cho các địa bàn khó khăn.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn tặng hoa chúc mừng các đồng chí mới được bổ nhiệm.

Để thực hiện điều này, bên cạnh làm tốt công tác nhân sự, việc đả thông tư tưởng là rất quan trọng, nhất là nơi đến vì đặc thù người dân miền núi tư tưởng cục bộ, địa phương, cố kết anh em dòng họ cao. Nếu công tác tư tưởng không đi trước một bước sẽ rất khó cho cán bộ luân chuyển khi xuống làm việc ở cơ sở.

Bản thân các cán bộ luân chuyển cũng thừa nhận, ngoài sự quan tâm của huyện, sự cố gắng, nỗ lực của bản thân thì một trong những yếu tố giúp họ tự tin hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao là sự đồng thuận, hỗ trợ, phối hợp nhịp nhàng của đội ngũ cán bộ ở địa phương nơi phụ trách.

Những chuyển biến bước đầu trong thực hiện Đề án luân chuyển cán bộ là tiền đề để Kỳ Sơn mạnh dạn thực hiện tiếp công tác luân chuyển cán bộ theo Nghị quyết 02 của BCH Đảng bộ tỉnh gắn với Đề án vị trí việc làm. Theo đó, huyện đã thực hiện luân chuyển, kiện toàn 17 vị trí trong đội ngũ cán bộ công chức Huyện ủy, UBND, MTTQ và các đoàn thể trên cơ sở đánh giá khả năng tiếp cận công việc, năng lực chuyên môn, bằng cấp, sở trường, năng khiếu của từng cán bộ và yêu cầu công việc đặt ra… Trước khi thông qua BTV, BTC Huyện ủy đã xin ý kiến của các đồng chí thuộc diện luân chuyển và được sự đồng tình, nhất trí cao. Trong đó có cả cán bộ cấp xã được xét tuyển lên huyện, như trường hợp cô Nguyễn Thị Đông - Hiệu trưởng, Bí thư  Chi bộ Trường Mầm non Nậm Cắn vào vị trí Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy. 

“Việc luân chuyển, điều động cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý nhằm tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ có triển vọng; cán bộ trong quy hoạch được đào tạo một cách toàn diện, được rèn luyện, thử thách, trau dồi trong những môi trường thực tiễn khác nhau nhằm phục vụ tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong thời gian tới, để tạo bước đột phá trong công tác cán bộ, huyện Kỳ Sơn cũng sẽ nghiên cứu triển khai phương án điều động, luân chuyển ở cấp xã, theo đó nếu các vị trí như Bí thư, Chủ tịch UBND xã không phát huy được, làm việc kém hiệu quả sẽ thí điểm luân chuyển sang địa bàn khác” - Đồng chí Vi Hòe khẳng định.

Ngày 24/4/2017, BTV Huyện ủy Kỳ Sơn tổ chức lễ công bố quyết định bổ nhiệm, điều động 6 cán bộ thuộc diện BTV Huyện ủy quản lý, vào các vị trí: Trưởng ban Dân vận huyện ủy; Phó Bí thư - Chủ tịch UBND xã Mường Ải; Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Huyện ủy; Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện; Chánh văn phòng và Phó chánh Văn phòng Huyện ủy; trong đó có 2 cán bộ nữ.

Khánh Ly

TIN LIÊN QUAN