Những ngày đầu Thu, chúng tôi lên với huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn để được chứng kiến và cảm nhận niềm hân hoan, nỗi vui mừng của các nghệ nhân và học viên các lớp truyền dạy âm nhạc, múa dân gian và nghệ thuật biểu diễn nhạc cụ dân tộc do Viện Âm nhạc Việt Nam tài trợ. Dường như nhận thấy đây là một cơ hội để truyền dạy, học hỏi và tiếp nhận một cách có hệ thống "điệu hồn" dân tộc mình nên ai nấy đều rất say sưa.


762878_small_51422.jpgĐiệu múa xoè của học sinh dân tộc nội trú Mông Trường THCS nội trú huyện Kỳ Sơn.

Điểm đến đầu tiên là bản Sơn Hà (xã Tà Cạ), nơi tổ chức lớp truyền dạy âm nhạc, múa dân gian và biểu diễn nhạc cụ dân tộc Mông. Đến từ đầu bản đã nghe rộn ràng tiếng khèn và các loại nhạc cụ khác hoà âm cùng điệu cự xia (một làn điệu dân ca Mông). Lớp học có 15 học viên thuộc độ tuổi thanh thiếu niên, là những người được lựa chọn theo tiêu chuẩn có năng khiếu về âm nhạc, múa, hát và biết sử dụng nhạc cụ. Giảng viên là 5 nghệ nhân của bản, những người giỏi âm nhạc, sử dụng và biểu diễn nhạc cụ dân tộc điêu luyện. Nội dung truyền dạy là các làn điệu dân ca lù tẩu, cự xia, ru con; các điệu múa trong tang ma và cách biểu diễn các loại nhạc cụ tra kênh, lìa dầu, trà p'lải, trà dà, trà cò. Nghệ nhân Lầu Chống Dì cho biết: "Lớp trẻ bây giờ tiếp thu nhanh lắm, mình chỉ nói qua là chúng nó hiểu và làm được rồi. Thế này thì trong vòng hai tuần, đứa nào cũng thành thạo cả thôi". 


Rời bản Mông Sơn Hà, chúng tôi lên dãy Pu Nhạ Thầu, tìm đến bản Huồi Thợ (xã Hữu Kiệm) để chứng kiến không khí của lớp truyền dạy âm nhạc, múa dân gian và biểu diễn nhạc cụ dân tộc Khơ mú. Về cách thức tổ chức, số lượng, cách lựa chọn giảng viên và đối tượng học viên ở đây giống như ở bản Sơn Hà (xã Tà Cạ). Cái khác ở đây là nội dung truyền dạy tập trung vào các làn điệu dân ca hát ru, tơm, re ré; các điệu múa mừng nhà mới, múa rer rer (tín ngưỡng) và các loại nhạc cụ tót pi, tót tơm, tót mũi, khèn, cồng chiêng, đao đao. Đây chính là những nét đặc sắc, tinh tuý trong đời sống âm nhạc của đồng bào Khơ mú cư trú ở Kỳ Sơn. Vì thế, thanh niên bản Huồi Thợ xem đây là dịp may để tiếp nhận vốn quý và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Nhiều người không thuộc diện đối tượng học viên của lớp nhưng vẫn sắp xếp công việc gia đình để đến lớp xin học "ké". Một vài chị lưng địu con mà vẫn miệt mài tập hát điệu tơm và điệu hát ru, lời hát trong trẻo, giai điệu nhịp nhàng làm cho đứa trẻ say nồng giấc ngủ.


Truyền dạy nghệ thuật thổi và múa khèn Mông.

Chia tay miền rẻo cao biên giới Kỳ Sơn, chúng tôi ấp ủ hy vọng sẽ trở lại mảnh đất này trong mùa lễ hội để đựơc nghe rộn rã tiếng cồng chiêng, nghe âm thanh rộn ràng, du dương của các loại nhạc cụ và thưởng thức những điệu múa, lời ca của đồng bào các dân tộc Mông, Khơ mú và Thái cư trú nơi tận cùng miền Tây xứ Nghệ.


Công Kiên