(Baonghean.vn) - Sáng 10/1, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh long trọng kỷ niệm 50 năm Bác Hồ ký lời đề tựa cho Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh (3/2/1964 – 3/2/2014) và 54 năm ngày thành lập Bảo tàng.
Đến dự và chung vui với các thế hệ cán bộ bảo tàng có các đồng chí: Đinh Thị Lệ Thanh – Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Thái Khắc Thư, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đại diện Ban tuyên giáo tỉnh Hà Tĩnh các sở, ban, ngành và các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh, các cụ lão thành cách mạng….
Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh là 1 trong 4 bảo tàng đầu tiên được thành lập cùng thời gian với các bảo tàng quốc gia đầu ngành nhằm lưu niệm những sự kiện lịch sử đặc biệt của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thực hiện đúng theo mong mỏi của Bác Hồ trong lời đề tựa gửi Bảo tàng ngày 3/2/1964, 50 năm qua, vượt qua muôn vàn khó khăn, cán bộ nhân viên Bảo tàng đã nỗ lực xây dựng đơn vị thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn, một thiết chế văn hóa đặc biệt, một trường học lịch sử cách mạng quý giá. Bảo tàng đã đón trên 8 triệu lượt khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu.
Trong công tác, sưu tầm, Bảo tàng đã tập hợp được gần 15.000 tài liệu hiện vật, trong đó hơn 3500 hiện vật gốc, 4000 phim ảnh tư liệu có giá trị, gần 5000 bộ hồ sơ cá nhân bị thực dân, phong kiến tù đày và khoảng 2000 tư liệu tiếng Pháp, các hồi ký lão thành cách mạng…Từ năm 1984 đến nay, Bảo tàng đã nghiên cứu, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng 47 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, qua đó khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm của người dân đối với quá khứ oanh liệt của quê hương, dòng họ.
Khẳng định Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh mãi là địa chỉ đỏ, là trường học cách mạng của nhân dân và có đóng góp không nhỏ vào công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh tin rằng, với truyền thống 50 năm, cán bộ và nhân viên bảo tàng sẽ làm tốt hơn nữa nhiệm vụ mà Đảng và Bác Hồ đã giao phó. Đồng chí cũng lưu ý thời gian tới, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh cần phải tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày để tái hiện lại một cách đầy đủ nhất, sinh động nhất về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Phải đầu tư, đổi mới nâng cấp trưng bày, tuyên truyền rộng rãi về phong trào trên các phương tiện truyền thông đại chúng, phối hợp với ngành du lịch để quảng bá Bảo tàng thành một điểm đến du lịch không thể thiếu ở Thành phố Vinh, đưa lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh vào trường học. Cố gắng phát huy những giá trị di sản Xô Viết Nghệ Tĩnh phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp như lòng mong ước của Bác Hồ và xứng đáng với công ơn to lớn của các liệt sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Mỹ Hà