(Baonghean) - Lâu nay, bóng đèn neon, hoặc bóng chữ U bị cháy, hỏng, thường thì người ta bỏ vào “sọt rác”, sau đó mua bóng mới về thay thế. Nhưng với ông Nguyễn Thọ Chiến (SN 1936), xóm Lộc Thành (Nam Thành,  Yên Thành) thì khác. Ông lại có cơ hội thể hiện “biệt tài” của mình: Làm sáng lại những thứ tưởng chừng chỉ có thể vứt đi đó. Hàng ngày, vợ chồng ông Chiến chuyên thu mua bóng đèn cháy, vỡ để sửa chữa, bán lại cho bà con sử dụng vẫn tốt. Việc làm của ông Chiến đã tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ cho xã hội và góp phần bảo vệ môi trường.



Mới rồi về quê, đi trên trục đường 538, đoạn qua xóm Bắc Vực, xã Liên Thành (Yên Thành), tôi nhìn thấy tấm biển quảng cáo treo hai bên cánh cổng sắt, trước ngôi nhà mái vê, với nội dung “Thu mua bóng đèn cháy, bán bóng chữ U cũ, giá 50% bóng mới…”. Dừng chân hỏi chuyện, bà con lối xóm ai cũng tấm tắc khen ông Chiến có “biệt tài” sửa chữa bóng đèn cháy.



Bước vào cánh cổng sắt, một cụ ông với dáng dấp thấp gầy, mái tóc trắng bồng bềnh, lộ vầng trán rộng, vồn vã mời tôi vào nhà. Thấy tôi ngạc nhiên với cái nghề “hiếm” đang làm, ông Chiến dẫn tôi vào gian lồi của căn nhà, giới thiệu cái nghề của mình. Trên mặt bàn nhỏ kê sát cửa sổ, một đống bóng đèn chữ U đủ các loại đã hỏng, nhiều cái đã được tháo rời từng chi tiết, dưới nền nhà là nồi cơm điện, và các loại đèn ắc quy… cũng đã hỏng, đang chờ sửa chữa. Nói về cái nghề của mình, ông Chiến bộc bạch: “Trước đây, tui có đi học nghề sửa chữa điện tử, do vậy sửa chữa đài cát-sét, nồi cơm điện, hay những cái đèn ắc quy… là chuyện bình thường. Nhưng để sửa chữa bóng đèn cháy, hỏng là không dễ chút nào. Bởi vì, các linh kiện điện tử của nó rất nhỏ, mỗi cỡ bóng có một tỷ số khác nhau về linh kiện. Thế mà tui vẫn gắng làm được…”.



Vợ chồng ông Chiến miệt mài với những chiếc bóng đèn hỏng.

Vì sao ông chọn cái nghề này? Ông Chiến thổ lộ: “Từ ngày ngành Điện lực khuyến cáo người dân sử dụng bóng đèn chữ U để tiết kiệm điện, hầu hết hộ nào cũng thay thế bóng đèn tròn bằng bóng đèn chữ U. Trong quá trình sử dụng, mỗi khi bóng đèn bị cháy hỏng, gia chủ chỉ biết tháo nó ra bỏ vào “sọt rác” rồi mua bóng mới về thay thế. Thấy rứa, tui cứ suy nghĩ tại sao mình không nghiên cứu để tận dụng những chiếc đèn “vứt đi” đó rồi sửa chữa cho bà con tái sử dụng, vừa tiết kiệm đồng tiền, vừa bảo vệ môi trường.



Nghĩ là làm, đầu năm 2011, tui bỏ công tháo những chiếc đèn hỏng ra mày mò nghiên cứu kỹ, để xác định nguyên nhân dẫn đến bóng đèn bị hỏng. Điều rút ra là, mỗi cái bóng đèn bị hỏng đều do một nguyên nhân khác nhau trên bảng điện tử, nên việc sửa chữa được chiếc đèn sáng trở lại rất phức tạp. Với sự kiên trì, chịu khó nghiên cứu, cuối cùng tui khẳng định tất cả những chiếc đèn chữ U và đèn nê ông bị cháy, hỏng đều có thể sửa chữa được. Ngay sau đó, từ nhà hàng xóm, đến anh em bạn bè, nếu nhà nào có bóng đèn cháy là đem đến đây tui sửa được hết, đem về sử dụng rất tốt.



Không những thế, tui còn thu mua bóng đèn hỏng của những người làm nghề thu mua phế liệu để sửa chữa, bán lại cho người tiêu dùng. Hiện nay, tui đặt hàng tại 4 ki - ốt bán đồ điện tại xã Nam Thành và Liên Thành nhờ bán hộ bóng đèn cũ. Giá bán mỗi chiếc đèn cũ chỉ bằng 50% giá đèn mới, nên phù hợp với túi tiền người dân vùng nông thôn. Vì giá rẻ, đèn vẫn sáng, nên người dân tìm đến mua ngày càng nhiều. Nếu khách mang bóng đèn hỏng đến sửa chữa thì tui lấy mỗi bóng 10 nghìn đồng.



Có những gia đình do chập điện, cháy một lúc 10 cái bóng đèn, họ đều mang đến đây. Anh Nguyễn Hữu Đức ở xã Nam Thành, chuyên nhận xây dựng nhà ở cho người dân trong vùng, thường thì sau khi căn nhà đã hoàn thiện, hầu hết kinh tế chủ hộ khó khăn về kinh tế, anh Đức chỉ họ đến tui mua bóng đèn cũ, tiết kiệm hàng trăm nghìn đồng cho gia chủ”.



Nói về chất lượng sau khi sửa chữa, ông Chiến quả quyết: “Những bóng đèn bị cháy đều đã qua nhiệt, nên mình thay thế những phụ kiện bị hỏng để tái sử dụng, không thua gì bóng mới. Vấn đề ở chỗ, mình phải tìm phụ kiện thay thế ở những cái bóng đèn Rạng Đông “xịn” thì mới tốt. Do vậy, không những bóng đèn cháy và những cái bóng bị vỡ, tui cũng mua, để lấy phụ kiện thay thế. Có làm nghề này mới phát hiện được trên thị trường hiện nay xuất hiện nhiều bóng đèn Trung Quốc nhái sản phẩm Rạng Đông, nhìn bề ngoài rất khó phát hiện, cho nên người tiêu dùng dễ nhầm lẫn”.



Ông Chiến thổ lộ: “Một số người trong vùng biết tui có nghề này, đến xin học, tui sẵn sàng hướng dẫn cho người ta. Nhưng chưa có ai thành nghề. Mình đã gần tuổi 80, không còn nhiều thời gian, sức khỏe để phục vụ bà con nữa, do vậy mong muốn của tui là truyền nghề cho người khác, nhưng xem ra không dễ”. Cả 2 ông bà làm nghề nông, tuổi già không đủ sức làm ruộng, nhờ có cái nghề này mà kiếm sống. Hàng ngày, ông tỉ mẩn sửa chữa, còn bà chịu khó lau chùi từng cái bóng đèn cho sạch đẹp. Mỗi ngày 2 ông bà sửa chữa được 20 cái bóng đèn, kiếm được trên dưới 2 trăm nghìn đồng…

Xuân Hoàng