(Baonghean) - Một chuyện đau lòng vừa mới xảy ra ở Hà Nội. Trong chuyến dã ngoại, một học sinh tiểu học sau khi tắm bùn cùng các bạn đã ngất xỉu và tử vong trên đường đưa đi cấp cứu.
Cậu bé sẽ không chết một cách oan uổng như vậy, nếu như thầy, cô giáo hay ai đó ở bên cạnh hiểu ra rằng tắm bùn dễ bị nhiễm độc lưu huỳnh và tiêu hao năng lượng rất nhanh. Nếu trước khi tắm mà sức khỏe kém hay ăn không đủ no thì rất dễ bị kiệt sức, ngất tại chỗ và nếu không biết cách xử lý kịp thời thì sẽ tử vong. Thực tế là, lúc ấy, chỉ cần đổ một thìa nước đường vào miệng hoặc cho cậu bé ăn một chiếc kẹo ngọt thì sẽ tỉnh lại ngay mà không cần phải cấp cứu. Chỉ một hành động đơn giản, kịp thời như vậy thôi là cứu sống được một con người. 
Chúng ta nên dạy cho trẻ kỹ năng sống (ảnh minh họa Internet)
Những cách xử lý ở các tình huống khẩn cấp cụ thể kiểu như vậy trong cuộc sống thường ngày, được người ta gọi dưới một cái tên đậm chất khoa học và nghe rất Tây là kỹ năng sống. Cho nên, một dạo, các trường nổi lên phong trào dạy thêm kỹ năng sống cho học sinh. Thế nhưng, hình như người ta chỉ dạy các em cách làm một vài món ăn, cách giao tiếp, làm quen hay kỹ thuật hùng biện, trình bày trước đám đông rồi học bơi, học cách thắt nút, buộc dây, đóng cọc khi đi cắm trại ngoài trời mà rất ít dạy các em các kiến thức, kỹ năng cơ bản, thường thức để tự bảo vệ mạng sống của mình trong các trường hợp nguy cấp đến tính mạng cũng như cách đối nhân, xử thế và cách xử lý khi gặp sự cố, hay sự khủng hoảng trong các mối quan hệ bạn bè. Vì thế, mới dẫn đến một thực trạng là bạo lực học đường tăng cao và gây những hậu quả đau lòng làm rúng động cả xã hội mà báo chí đã đề cập thường xuyên trong thời gian gần đây.
Nói rõ ra như thế để thấy, nhà trường ở ta vẫn chưa thoát khỏi lối dạy truyền thống. Vẫn thiên lệch về trang bị kiến thức sách vở mà thiếu trang bị, rèn giũa các kỹ năng sống cơ bản trong cuộc sống thường ngày. Và bản thân người thầy vẫn còn thiếu những kỹ năng sống cơ bản nên mới để xảy ra những chuyện không mấy hay ho, đẹp đẽ gì trong nhà trường. Để rồi trò đánh trò đến mức cấm khẩu như ở Phú Thọ hay gây sang chấn tâm lý nặng nề cả mấy tháng trời mà nhà trường không hề hay biết như ở Vĩnh Long. Nếu thầy, cô yêu thương, quan tâm và sát sao với trò của mình hơn để kịp thời uốn nắn những lệch lạc trong hành vi, nhận thức của tuổi mới lớn thì chắc sự việc đã khác. Từ đây mới suy ra, kỹ năng sống cơ bản nhất cần phải có, phải dạy, phải trang bị cho tất cả mọi người, không riêng gì các em, đó là sự yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Kỹ năng đó sẽ chi phối tất cả từ lời ăn, tiếng nói cho đến hành động, khắc chế được tất cả những hành vi bạo lực, xấu xa, lệch lạc khác giữa con người với nhau. 
Đó mới chính là kỹ năng sống cơ bản.
Tri Kỷ