"Năm 2016 sẽ đi vào lịch sử kinh tế nước nhà như là năm đầu tiên xác lập kỷ lục thành lập mới vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp", ông Vũ Tiến Lộc cho biết.
Phát biểu trong phiên làm việc của Quốc hội ngày 2/11, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, trong 10 tháng đầu năm, cả nước có hơn 91.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, trung bình chưa đầy 5 phút có thêm một doanh nghiệp.
"Với đà này, năm 2016 sẽ đi vào lịch sử kinh tế nước nhà như là năm đầu tiên xác lập kỷ lục thành lập mới vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp", ông Lộc nói.
Theo Chủ tịch VCCI, mặc dù niềm tin đã được khơi dậy và không khí khởi nghiệp quốc gia đã bắt đầu, nhưng nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức to lớn. Đơn cử, về nợ xấu, kế hoạch tái cấu trúc kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ đặt mục tiêu xuống mức dưới 3%, "đây là điều cần thiết nhưng giải pháp lại rất mơ hồ".
Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu trên nghị trường
Tham gia thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng Nhà nước cần đẩy mạnh cổ phần hoá, hạn chế can thiệp hành chính vào nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh để mục tiêu một triệu doanh nghiệp sớm thành hiện thực.
Theo đại biểu Phạm Quang Dũng (Nam Định), nguồn vốn nhà nước nằm trong các doanh nghiệp hiện được các chuyên gia đánh giá vào khoảng 500 tỷ USD. "Chúng ta phân bổ lại nguồn lực này, đến 2020 được khoảng một nửa hoặc một phần ba thì sẽ tạo cú hích rất tốt cho tăng trưởng", ông Dũng nói và chỉ rõ thời gian qua việc thoái vốn ở doanh nghiệp nhà nước đang chậm lại, lý do là "chúng ta chỉ hô chung chung, không thấy có mục tiêu cụ thể".
Vị đại biểu Nam Định đề nghị Quốc hội phải đưa ra lộ trình từng năm 2017, 2018 và 2019 thoái vốn ở doanh nghiệp nhà nước với giá trị là bao nhiêu, tránh tình trạng số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa hoàn thành tốt, nhưng thực chất mỗi doanh nghiệp chỉ bán trên dưới 3%. "Người ta không muốn cổ phần hóa thì đưa ra đủ các loại tiêu chí, không thể bán được", ông Dũng nói.
Cũng đề cập đến cổ phần hoá, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng việc số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa lớn, nhưng tỷ lệ vốn bán ra đạt thấp là biểu hiện của tiêu cực, thất thoát. "Người dân rất đồng tình, ủng hộ khi Thủ tướng khẳng định Chính phủ tiết kiệm từng đồng thuế của dân. Vậy cả tỷ tỷ đồng thất thoát trong quá trình cổ phần hóa sẽ được xem xét giải quyết như thế nào?", ông Học nói và đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra làm rõ để xử lý sai phạm, thu hồi tiền của nhân dân bị thất thoát.
Theo đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận), thông thường thoái vốn nhà nước tại địa phương do sở Tài chính chủ trì, quyết định doanh nghiệp nào được định giá, định giá ra sao. Ví dụ xác định giá trị còn lại của doanh nghiệp là 100 tỷ, nhưng Sở “phán” chỉ 70 tỷ đồng thì doanh nghiệp phải điều chỉnh theo.
“Vậy khoản vênh giữa giá trị thật và điều chỉnh thì ai hưởng? Chủ trương đúng nhưng trục lợi không nhỏ, Nhà nước mất nhiều vốn qua cổ phần hoá, chỉ cần thanh tra một số doanh nghiệp vừa cổ phần là rõ”, đại biểu Cương nêu.
Theo VNE