(Baonghean) - Ở lớp cô bạn tôi chủ nhiệm có 2 học sinh được liệt vào dạng "cá biệt". Một em ít nói nhưng lì lợm. Một em hay quậy phá, ngang bướng. Suốt gần một tháng, hầu như tiết học nào 2 học sinh cá biệt trên cũng được ghi danh vào sổ đầu bài và làm mất điểm thi đua của lớp.



Cất công tìm hiểu, mới biết hoàn cảnh của mỗi em: Em lầm lì mắc chứng trầm cảm do bố mẹ li dị, bản thân bị bỏ rơi, ở với ông bà ngoại; em ngang bướng là con nhà giàu, bố mẹ có chức quyền nhưng ít quan tâm đến con cái. Từ khi biết hoàn cảnh của mỗi em, cô chủ nhiệm thay đổi thái độ, cách giáo dục. Thay vì mắng mỏ, đưa ra hình thức kỷ luật bằng những lời tâm sự, chia sẻ, động viên, bù đắp tình cảm và giành cho các em những lời khuyên chân thành. Khoảng 1 tháng sau, cả 2 em đều có sự tiến bộ rõ rệt.



Từ câu chuyện cho thấy, nếu trước khi kỷ luật học sinh, các cô giáo hãy tìm hiểu kỹ hoàn cảnh của từng em, sau đó mới đưa ra hình thức kỷ luật thích hợp. Hiện nay, ngành GD-ĐT đang tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống bằng "phương pháp kỷ luật tích cực" như: tăng cường giao tiếp, trao đổi, tìm hiểu và phân tích tâm lý của học sinh; khen thưởng, động viên, tăng cường vai trò của học sinh "chưa tốt" trong các hoạt động của lớp, của trường... Với phương pháp này, đòi hỏi mỗi giáo viên, ngoài vai trò là người thầy, người cô còn có trách nhiệm, tình yêu thương với trò như những người bạn, người chị, người mẹ là hãy "luôn lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ" cùng các em, cô nhé!.

Phúc Thanh