GS Hoàng Chí Bảo cho rằng, việc kỷ luật cán bộ không khỏi đau xót, nhưng lại rất cần thiết, cảnh tỉnh chung đối với tất cả cán bộ, đảng viên.

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã bế mạc vào ngày 11/10, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Đây là sự kiện chính trị quan trọng thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân trong cả nước.

image_7427327.jpgHội nghị Trung ương 6, khoá XII

Theo dõi các phiên làm việc của Hội nghị Trung ương 6, ông Nguyễn Đức Hiển – cán bộ hưu trí ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, ông rất quan tâm đến vấn đề sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Theo ông Hiển, đây là vấn đề rất bức thiết, bởi thực tế hiện nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo, biên chế ngày càng phình to, số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước ngày càng nhiều…

Chính vì vậy, việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.

“Đây là vấn đề rất bức thiết chứ không phải là chuyện muốn thì làm, không thì thôi. Cần phải coi việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là một cuộc cách mạng, dũng cảm cắt bỏ những gì không cần thiết thì mới đáp ứng được yêu cầu phát triển” – ông Nguyễn Đức Hiển nói.

Liên quan công tác cán bộ, đồng tình với mức kỷ luật cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, cách chức Uỷ viên Ban Thường vụ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020 và cho thôi giữ chức Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đối với ông Nguyễn Xuân Anh vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng, ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng, điều này có tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung rất sâu sắc.

Ông mong thời gian tới Trung ương làm nhiều hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để đưa những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất ra ánh sáng và xử lý triệt để những sai phạm.

GS Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, quyết định kỷ luật cán bộ mắc sai phạm là việc làm cần thiết, đúng lúc, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo cấp cao của Đảng ta, đáp ứng nguyện vọng chung của đông đảo quần chúng nhân dân là phải đặt vấn đề kỷ luật cán bộ một cách nghiêm túc, nghiêm khắc, đúng với những sai phạm của người cán bộ mắc phải.

Việc này chấn chỉnh kịp thời trong Đảng, trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, từ nay trở đi phải rút ra bài học thấm thía khi ở cương vị lãnh đạo.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo.

Việc kỷ luật cán bộ không khỏi đau xót, nhưng lại rất cần thiết và đây không chỉ là bài học cho người mắc khuyết điểm sai lầm mà còn cảnh tỉnh chung đối với tất cả cán bộ, đảng viên, nhất là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải tự xem xét, đánh giá lại mình, thực hiện công việc được dân, Đảng giao sao cho tốt nhất, đúng nhất để không rơi vào những vết xe đổ.

Theo GS Hoàng Chí Bảo, quyết định này cũng nói rõ một điều tức là sai phạm đến đâu thì phải kỷ luật đến đó. Bác Hồ từng nói: phải nghiêm túc, nghiêm khắc, không có bất cứ một ngoại lệ nào với bất cứ ai.

Khi nói đến vấn đề chống tham ô, tham nhũng, Người cũng đã nói: phải thẳng tay trừng trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể là ai. Chính điều đó là điều hợp với lòng dân nhất. Bởi dân chỉ muốn Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo cầm quyền để dân đi theo, dân noi theo và dân thực hiện sự nghiệp đổi mới này đến đích thành công.

“Đây là sự kiện nhức nhối, đau đớn nhưng chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và không lảng tránh sự thật. Trong đó có sự thật nhìn thẳng vào chính đội ngũ cán bộ, mà cán bộ đã mắc vi phạm khuyết điểm thì phải kỷ luật. Chính điều đó làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, làm cho sức chiến đấu của Đảng được mạnh hơn” – GS Hoàng Chí Bảo cho biết./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN