Sau những ngày đông lạnh giá, học sinh tại trường tiểu học Evelyn Community ở Merseyside (Anh) ra ngoài trời với nhiệm vụ đếm và ghi lại số lượng loài chim khác nhau trong sân trường. Thử thách này là một phần của chương trình Quan sát chim, một sự kiện đã thu hút 73.000 học sinh và giáo viên vào năm ngoái.
Theo Guardian, các em đã quan tâm đến cuộc sống hoang dã tại trường học suốt thời gian qua. Cách đây hai năm, kể từ khi một khu vườn được tạo ra trên khoảng trống của khuôn viên trường, chim chóc ghé đến ngày một nhiều. Những đứa trẻ gieo hạt giống hoa dại, làm tổ chim, học về đa dạng sinh học. Trường có một điểm quan sát, nơi trẻ có thể dùng ống nhòm để tìm kiếm và theo dõi chim quanh năm.
Hiệu trưởng Carole Arnold cho biết trẻ có vai trò quan trọng đối với đa dạng sinh học ở trường. Mỗi tuần, một nhóm 12 em sẽ dành thời gian làm vườn, sau đó đổi lượt cho nhóm mới.
“Điều này thực sự đã mang đến tình yêu thiên nhiên cho trẻ. Với khu vườn này, chúng tôi muốn giúp đỡ những đứa trẻ dễ tổn thương cũng như những em đôi khi cần trở nên bình tĩnh”, bà cho biết.
Số trường học sử dụng khu vườn và thế giới tự nhiên để dạy học tiếp tục gia tăng ở Anh. Chiến dịch Vườn trường, chương trình do Hiệp hội Làm vườn Hoàng gia Anh (RHS) tổ chức, hiện có 20.000 trường học thành viên, 81% trong số đó trồng cây để thu hút chim muông và côn trùng.
“Ở khu vực thành thị, trẻ em không hiểu về chu kỳ sống, hoặc không thể kết nối những gì chúng thấy trong vườn với thức ăn bày bán trong siêu thị. Chúng tôi đang khuyến khích các trường cùng tạo một mạng lưới không gian sống và thảm hoa dại để côn trùng có thể chu du khắp nước Anh. Học sinh cần hiểu những điều nhỏ nhoi mà chúng làm trong vườn có thể tác động lớn đến môi trường tự nhiên”, Alana Cama, quản lý chiến dịch nói.
Học sinh ở bắc Wales được gợi ý cách khác để tìm hiểu về mối liên hệ giữa môi trường tự nhiên và các chu kỳ sống. Sau khi một câu lạc bộ câu cá phát hiện số cá hồi trong các dòng sông ở địa phương sụt giảm, trẻ em ở trường tiểu học Esgob Morgan giúp chăm sóc một số quả trứng trong bể chứa trước khi thả xuống sông. Chúng cũng trồng hoa dại dọc bờ sông trong thành phố.
Trường thiết lập một khu vực sinh thái và tổ chức các cuộc khảo sát chim, ong, bướm hàng năm. Học sinh đã nghiên cứu về vai trò của hàng rào cây trong việc thúc đẩy đa dạng sinh học ở trường, lên kế hoạch bảo vệ và phát triển chúng trong tương lai.
Đó là chủ đề mà một số người cho là quá phức tạp với trẻ nhỏ, nhưng thầy giáo lớp 5 Richard Atwood không nghĩ vậy. “Tôi nói với trẻ rằng chúng ta sẽ tạo nhiều cơ hội nhất để sinh vật phát triển trong vườn trường. Chỉ cần trồng một cái cây khác hay đặt một loại thức ăn cho chim khác ở đó, các em sẽ lôi kéo được các loài khác nhau đến làm tổ”, anh chia sẻ.
Atwood bổ sung rằng khu vườn đang tăng trưởng rất nhanh, nhờ vào công sức của những đứa trẻ. “Một số em chưa từng có một khu vườn hay một ao cá. Chúng không được nhìn thấy bất cứ điều gì tương tự trước đây. Vườn trường mang lại cho chúng trải nghiệm để sống và học hỏi qua thiên nhiên”, thầy giáo đã công tác 9 năm tại trường nói.
Các trường trung học có thể gặp khó khăn trong việc kết hợp chủ đề này vào chương trình, Cama thừa nhận, đặc biệt là sau năm lớp 9, khi các em phải tập trung cho việc thi cử. “Rõ ràng trường trung học không có nhiều thời gian hay không gian cho những việc này. Nhiều trường đang sử dụng khuôn viên của mình để xây dựng nên những tòa nhà mới. Chúng tôi luôn cố gắng khuyên họ không lạm dụng việc đó, hoặc ít nhất cũng tổ chức một số hoạt động môi trường”, Cama cho biết.
Người chiến thắng thử thách Kế hoạch Xanh của RHS năm 2017 ở xứ Wales và vùng Tây Nam là nhóm học sinh trường trung học cơ sở Y Pant, với thiết kế đồng hoa dại nhằm thu hút loài bướm Marsh Fritillary có nguy cơ tuyệt chủng. Ý tưởng đến sau khi các em nhận ra những công trình mới của trường đã xóa bỏ một phần môi trường sống của chúng.
“Học sinh đã nghiên cứu những gì loài bướm cần và điều gì sẽ lôi kéo chúng trở lại”, giáo viên sinh học Felicity Braund giải thích. Làm việc với một nhà bảo vệ môi trường từ Đại học Bridgend (Bridgend College), các kế hoạch được đưa ra nhằm phát triển đất đai thành vùng đầm lầy với loài hoa dại Devil’s-bit Scabious màu xanh tím mà những con bướm này thích đẻ trứng lên đó.
“Dù tôi hỗ trợ nhưng các em đã tự mình bắt tay vào việc và thực sự hứng thú. Học sinh đang ngày càng quan tâm đến chủ đề môi trường. Chúng biết tương lai phụ thuộc vào việc bảo vệ thế giới quanh ta”, giáo viên này tự hào nói.