(Baonghean.vn) - Trong lối chơi chữ mới của người Việt, khi nào gặp chuyện không bình thường, kỳ dị, người ta thường nói vui “rất chi là Thổ Nhĩ Kỳ”, “hơi bị Thổ Nhĩ Kỳ đấy!”…

Đó là cách vay mượn võ ngữ âm đa âm tiết để diễn đạt cho một từ đơn âm tiết để tạo cách diễn đạt khi vui vui, tếu táo... Ấy vậy nhưng, với hàng loạt hành động quân sự và ngoại giao bất thường của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian gần đây, thì có thể nói một cách nghiêm túc rằng,Thổ Nhĩ Kỳ đúng là rất… kỳ.

Chuyện thứ nhất, vào cuối tháng 11 năm ngoái, trong nỗ lực “thoát Nga”,  Thổ Nhĩ Kỳ đã làm thế giới sững sờ vì cú “vỗ mặt” gấu Nga” hết sức lạnh lùng: chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga gần biên giới vì “vi phạm không phận”. Thế giới chưa hết bàng hoàng, thì đã cảm thấy… buồn cười vì Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu vừa đứng ra nhận trách nhiệm trong việc bắn rơi cường kích Su-24 Nga, ông này cao giọng:

“Đây là quyết định được đưa ra khi không phận của chúng ta bị xâm phạm. Mọi biện pháp cần thiết được thực thi, mọi mệnh lệnh liên quan chuyển tới các lực lượng vũ trang đều xuất phát từ chính cá nhân tôi". Ngay sau đó, ông lại rút lại tuyên bố đưa ra trước đó của mình, "Tôi không trực tiếp ra lệnh bắn máy bay Nga". Từ chỗ nhận trách nhiệm ra lệnh, ông này quay sang đổ lỗi cho không quân Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyện quá nghiêm trọng mà cứ như chuyện đùa, ngay cả với người cao nhất của chính phủ! 

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Ảnh: Internet

Chuyện thứ hai, vừa mới xảy ra đầu năm 2016, là tuyên bố về khả năng “lật kèo” trong hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc. Vào năm 2013, khi quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với khối Nga, Trung… còn “mặn nồng”, Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt vấn đề một cách “nghiêm túc” về sự cần thiết mua hệ thống phòng thủ tên lửa Trung Quốc.

Cụ thể, Thổ Nhĩ Kỳ hướng tới Tập đoàn Quốc doanh Xuất Nhập khẩu Cơ khí Chính xác Trung Quốc. Lúc đó, dư luận thế giới cho rằng đó là chiến thắng bất ngờ của Trung Quốc trước những đối thủ cạnh tranh đến từ Mỹ, châu Âu hay Nga, làm “mất mặt” Mỹ và các đồng minh NATO. Bản thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ tên lửa từ Trung Quốc của Thổ Nhĩ Kỳ làm cho chính các đồng minh của họ ở phương Tây lo lắng hơn cả. 

Tuy nhiên, vẫn với một phong cách “bất thường”, đầu năm 2016, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bất ngờ đưa ra tuyên bố “có kế hoạch loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào nguồn cung thiết bị quân sự nước ngoài với hàng loạt kế hoạch cũng như dự án đang triển khai và sẽ được thực hiện tới năm 2023”. Nếu tuyên bố này có hiệu lực, có nghĩa là thỏa thuận 3,4 tỷ USD với Trung Quốc phải sau năm 2023 mới được tiếp tục bàn thảo.

Điều này lại một lần nữa cho Trung Quốc thấy rằng đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ không hề đơn giản vì hễ gần đạt được tiếng nói chung thì lại “có vấn đề” về an ninh chính trị trong khu vực khiến người Thổ “đánh trống lảng”. Dư luận cho rằng việc đảo ngược cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ là biểu hiện của việc làm tăng tình đoàn kết trong nội bộ khối trong khối NATO và phù hợp hơn với lợi ích an ninh Thổ Nhĩ Kỳ.

Dù gì đi nữa, thái độ “tiền hậu bất nhất” của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy họ không chỉ là quốc gia bị “mắc kẹt” về mặt địa lý giữa phương Tây và phương Đông, mà cả về chính trị, họ cũng ở trong thế bị giằng kéo. Và cứ khi gió chiều nào mạnh hơn, họ lại ngã về chiều đó. Đúng là kỳ như Thổ Nhĩ Kỳ!

Chí Linh Sơn

TIN LIÊN QUAN