(Baonghean) - Bến đò sông Giăng buổi ban trưa vắng lặng, con thuyền dài và mảnh khéo léo len lỏi vào giữa hai chiếc thuyền neo bên mé nước. Thuyền cập hẳn vào bến, Trưởng bản Cò Phạt ông La Văn Linh bước lên bờ, lưng đeo gùi o­ng, rảo bước lên con dốc. “Đi đâu cho chúng ta theo với? - Đi thăm cái nhà mới của dân bản ta đây. - Có xa không? - Không xa, cái nhà mới ở với người Thái, người Kinh, cái nhà mới ở Môn Sơn đó mà...”.

>>Kỳ 1: Ngược dòng sông Giăng, văn minh về bản

Xe chúng tôi chạy dọc theo những thửa đồng vừa được khai hoang còn đỏ au màu đất mới. Hiện lên trước mắt là những ngôi nhà trắng lợp mái đỏ lấp ló bên vườn cây ăn quả của bản Cửa Rào, xã Môn Sơn. Trên cánh đồng rộng thênh thang, hai người đàn ông, kẻ cầm dây người cầm cày, cặm cụi thúc bò vẽ nên những luống thẳng băng. Ngồi sau xe máy, anh La Văn Linh huơ tay ra hiệu, hai người trên đồng dừng lại, tháo ách bò, bước thấp bước cao đi lên con đường. Đất mới tơi, mềm, quấn quýt bám chân người. Anh Linh giới thiệu: “La Văn Sơn và La Văn Thành, dân bản ta ngày xưa đó”, rồi quay ra nhìn khoảng đất đang chờ người vun xới: “Cái đất cán bộ cho rộng quá. - Ta làm chi biết, có đất là ta phấn khởi thôi. - Bò nhà ai đó? - Bò ta với hắn chung nhau, hai cái ruộng cạnh nhau mà. - Trồng chi đó? - Trỉa đậu, trỉa ngô, cán bộ nói ta chờ 3 năm mới trồng lúa, không cái đất hắn giận, cây hắn không kết quả”.

798916_small_100842.jpg

Ông La Văn Sơn và ông La Văn Thành khai hoang ruộng mới.

Một người đàn ông từ phía bản đi tới, chào chúng tôi rồi dặn anh Sơn và anh Thành: “Nhà ta cày cho xong trong hôm nay để kịp gieo hạt, giống đưa về xã rồi đó”. Ra là anh Nguyễn Văn Dần, Trưởng bản Cửa Rào. Anh cho biết, trên tổng số 131 hộ (540 khẩu) của bản thì có 11 hộ người Đan Lai ra đây từ năm 2002, thêm 20 hộ năm 2014, đến nay có tổng cộng 130 khẩu tái định cư. Vẻ vội vã, anh hỏi thăm đàn lợn mới đẻ của gia đình anh La Văn Sơn rồi lật đật cáo từ đi xem tình hình triển khai vụ thu của 23 hộ người Đan Lai tái định cư ở bản Tân Sơn bên cạnh.

Chúng tôi ngồi xổm trên mép đất, xem anh Sơn tra lại ách cày vào cổ con bò, “Nhà nuôi mấy con lợn? - Thì cũng có mấy con. – Có cho lợn ăn cám không? - Ta không có tiền mua đâu, ta lên rừng kiếm cây phặc phục cho hắn thôi, người Kinh có biết cây phặc phục không?”, anh Linh xen vào: “Người Kinh gọi là cây ráy đó mà”. Chúng tôi nói đùa: “Củ phặc phục ăn vào là cười khùng khục cả ngày, người Đan Lai biết không?”, anh Sơn và anh Thành cười, giọt mồ hôi ánh màu nắng lăn trên đuôi mắt chân chim.

Chúng tôi đứng xem hai anh cày nốt khoảng đất, rồi đi theo anh La Văn Sơn về nhà xem cái giếng vừa đào dưới sự hướng dẫn của cán bộ xã và các chiến sĩ biên phòng. Đường đất vào bản lầy lội do trận mưa mấy hôm trước nhưng xe máy vẫn đi vào được. Bước vào cổng, một con mèo gầy nhẳng nằm dài bên nong lúa giống màu đen. Chị La Thị Nguyệt, vợ anh Sơn, đang dở tay chăm đàn lợn. “Cán bộ nói phải gọi y sĩ trên xã xuống hoạn lợn”, chị thủ thỉ với chồng.

Thế là anh Sơn tất tả đi xuống xã. Chúng tôi ngó vào chuồng, cơ man nào là lợn, lợn mẹ hai, ba con, lợn con lít nha lít nhít, cả thảy đôi, ba chục. “Nhà có mấy con gà? - Thì cũng được mấy con, chuồng lợp pờ rô xi-măng đẻ ra hắn chết hết, nóng quá hắn không sống được. - Nhà có trồng lúa không? - Cũng có, trồng lúa, trồng ngô, trồng sắn, trồng đậu, nhưng cái đất ở đây hắn khô cằn quá, trồng cây chi hắn cũng không kết quả. Cán bộ cũng tập huấn, cũng bày ta làm, nhưng cái hơi người Kinh hắn khác, hạt ta gieo hắn nhớ cái khe Khặng, khe Tàng thôi”.



Chiến sỹ biên phòng trao đổi cùng gia đình bà La Thị Nguyệt
(tại bản Cửa Rào, xã Môn Sơn, Con Cuông).

Vào trong nhà, thấy có tivi, có tủ buýp phê, có giường, duy chưa có bàn ghế nên khách và chủ ngồi bệt trên cái chiếu nhựa cũ trải giữa nhà. Dưới bếp, củi cháy tí tách, trên bếp là nồi nước chè xanh. Cái giá tuềnh toàng treo lơ lửng, trên là nồi cơm vẫn còn phân nửa, một cái nồi lèo tèo vài miếng thịt kho, một bao muối màu hơi ố, một chai dầu ăn, một chai nước mắm. “Hay ăn thịt không? - Lâu lâu cũng có. - Có bị đói không? – Lâu lâu cái cây hắn chết, con gà hắn chết, ta bị đói phải nhờ gạo bộ đội cho. - Nhà nước mới cho đất, vui không? - Thì cũng vui, cũng làm, nhưng cái đất hắn khô cằn quá...”. Chúng tôi nhìn ra khoảng sân nhỏ, nhìn những con gà gầy guộc cần mẫn bới đào trên mảnh đất khô đến xác xơ. Chị Nguyệt nhìn xa xăm về nơi đâu mà sao trong giọng nói nghe róc rách ùa về tiếng nước Khe Khặng, tiếng chim muông vọng vang giữa thăm thẳm núi rừng.

Rời bản Cửa Rào, bỏ lại sau lưng 14,3 ha đất vừa được khai hoang và những người Đan Lai một thời xuôi dòng sông Giăng về đây sinh sống, chúng tôi không thể không nghĩ đến câu chuyện về cuộc trốn chạy ngàn đời của tộc người sống bám lấy sông Giăng như loài cá mát, như loài cây rì rì, như muôn vàn cỏ cây hoa lá chim muông của núi rừng Môn Sơn kỳ vĩ. Ở bên dòng nước ấy, những thế hệ người Đan Lai sinh ra và lớn lên trong nỗi bi thương đã thành truyền thuyết. Nếu nước sông Giăng không chảy vào cái chum, cái lọ của người Đan Lai nữa, rồi đây mầm sống mà dòng sông thần thánh này ấp ủ suốt ngàn đời trốn chạy khỏi bạo quyền và nghèo đói có héo úa, lụi tàn?

Nỗi băn khoăn của chúng tôi phần nào được giải đáp khi ông Vương Đình Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Môn Sơn cho biết: “Chủ trương của Chính phủ di dời tộc người Đan Lai ở vùng biên là cần thiết để người Đan Lai thoát khỏi cảnh nghèo đói, lạc hậu do điều kiện sống biệt lập với cộng đồng bên ngoài. Bắt đầu thực hiện từ năm 2002, với cơ sở hạ tầng được Nhà nước đầu tư hoàn toàn, bình quân 200-300 triệu đồng/nhà, với sự tham mưu của bộ đội biên phòng và công tác chỉ đạo của chính quyền huyện Con Cuông nói chung và xã Môn Sơn nói riêng, cuộc sống của người Đan Lai ở khu tái định cư đã có những cải thiện đáng kể, đặc biệt là về văn hoá. Nhiều gia đình có con em đạt học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, việc hoà nhập với người Kinh, người Thái trên địa bàn diễn ra rất thuận lợi”.

Ông Hoa cũng cho biết, khó khăn lớn nhất của người Đan Lai ở khu tái định cư là việc thích nghi với phương thức canh tác, sản xuất, do địa hình xã Môn Sơn không phù hợp với phong tục, tập quán sinh sống và canh tác gần nguồn nước khe, suối của tộc người này. Tuy nhiên, “Tới đây, Huyện ủy chủ trương xây dựng khu tái định cư mới theo mô hình như ở xã Thạch Ngàn, ở một địa bàn thuận lợi cho cuộc sống của người Đan Lai. Chúng tôi cũng tham mưu cho chính quyền cấp trên nghiên cứu kỹ địa hình, tham khảo, ghi nhận ý kiến của người Đan Lai khi chọn địa điểm”.

Anh La Văn Linh, trưởng bản Cò Phạt đến chào chúng tôi trước khi ngược dòng sông Giăng về lại đầu nguồn Khe Khặng. Chiếc gùi o­ng giờ đầy ắp sữa hộp, muối, mì chính, dầu ăn, theo sau anh là một đứa bé đeo chiếc túi đi học lượt thượt bên hông. Anh xoa đầu nó, nói với chúng tôi mà như nói với chính mình: “Con ta phải học cái chữ để khi khe Khặng hết nước không phải lên rừng đào măng, khi cái lũ hắn về không cần xuống khe bắt cá. Bản ta cái chữ chưa về hết, ta phải xuôi khe Khặng đi theo cái chữ thôi!”. Mới thấy, người Đan Lai gắn bó với sông Giăng bằng lòng yêu mến, biết ơn, bằng cái duyên nợ nối dài từ buổi khai sinh ra truyền thuyết cả một tộc người. Chính từ điểm kết thúc của truyền thuyết cổ xưa ấy, thiên sử của người Đan Lai bây giờ mới bắt đầu, với hy vọng được thuỷ chung sống bên những “dòng sông Giăng” bất tử - dòng sông của hạnh phúc, ấm no.


Hải Triều - Thành Chung - Trần Hải