Còn khoảng trống trong công tác 'xóa trắng'
Còn khoảng trống trong công tác 'xóa trắng'
Tâm huyết của một Bí thư xóm
Sơn Hải là xã vùng bãi dọc ven biển Quỳnh Lưu, Nghệ An. Những năm gần đây, kinh tế của xã từng bước phát triển bền vững, đặc biệt là nghề biển với nhiều thuyền lớn đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên công tác Đảng, nhân rộng đội ngũ cán bộ đảng viên lại đang “dậm chân tại chỗ”, thậm chí nhiều chi bộ có nguy cơ tái trắng.
Chi bộ xóm 2 có 7 đảng viên, thì chỉ có 3 người “tại chỗ” là Bí thư Cao Xuân Thương năm nay 64 tuổi, 1 đồng chí phụ nữ và một ngư dân đi tàu viễn dương, còn lại 4 người là đảng viên tăng cường.
Bác Thương thẳng thắn: “Thực tế ở quê tôi, công tác phát triển đảng gặp nhiều khó khăn, lớp trẻ không hào hứng và ngay cả những người thuộc thế hệ như chúng tôi, đã từng lấy mục tiêu phấn đấu vào Đảng làm niềm vinh dự lớn lao cũng có phần nguội dần nhiệt huyết. Nhiều khi tôi cũng trăn trở lắm, nhưng không tìm được động lực và sự thúc giục từ cấp trên. Tuy nhiên, kể từ khi có Đề án 01, thực sự đã bắt đầu vực dậy phong trào Đảng tại cơ sở”.
Đã từng tham gia làm chủ nhiệm Hợp tác xã Hải Phú với hơn 30 đảng viên, làm bí thư chi bộ xóm nhiều năm, nên bác Thương nắm rất rõ tình hình cũng như đặc điểm dân cư vùng biển này: Hiện nay, công tác Đảng, Đoàn thanh niên ở đây chỉ mới có bề nổi thôi, chiều sâu không có, các chi bộ hoạt động chưa hiệu quả.
Tại xóm 2, có 68 hội viên hội nông dân, 137 hội viên phụ nữ, và đông nhất là hội viên hội nghề cá. Nhưng lại chỉ có 11 đoàn viên thanh niên, chủ yếu là học sinh trong nhà trường. Tại sao các hội đoàn thể, hội nghề, hội làm ăn kinh tế lại thu hút nhiều người tham gia, mà tổ chức Đoàn thanh niên lại ít? Nhiều thanh niên chưa xác định động lực mục tiêu vào Đảng? - bác Thương đặt câu hỏi.
Từ đó, Bí thư xóm 2 cho rằng cần phải đổi mới cách thức hoạt động của Chi bộ và hướng đến những đối tượng mới, đông đảo trong xã hội. Phải phát huy vai trò đoàn thanh niên ngay trong các hội, nhất là hội nghề cá. Hướng đến đối tượng vận động, tuyên truyền là các hội trưởng và tàu trưởng, máy trưởng... đó là những người trẻ xung kích, có kinh tế và uy tín trong xã. Khi những người này có tiếng nói ủng hộ và tham gia Đoàn, thì sẽ lôi kéo được nhiều người khác. Đồng thời, cần phát động phong trào văn hóa, thể thao, giao lưu tập thể. Từ đó, phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú.
“Đồng thời, địa phương cần có kế hoạch và quy hoạch để phát triển những nghề nghiệp gắn liền với lợi thế kinh tế của xã như nghề chế biến hải sản, nước mắm, nghề đan lưới… Nhằm tạo việc làm bền vững cho người dân tại quê nhà, khỏi đi xa làm ăn, thì giữ được dân số trẻ khỏi di biến động”, bác Thương nói.
Xã Sơn Hải hiện nay có 3/16 chi bộ có nguy cơ trắng đảng viên gồm xóm 1, 2, 9. Đồng chí Cao Xuân Điệp - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hải cho biết: Các xóm này đều có chi bộ tăng cường, nhưng hoạt động chưa thực sự hiệu quả, xuất phát từ các đảng viên tăng cường cũng không phải là người bản địa tại xóm, không hiểu sâu về đặc điểm địa lý, lịch sử, dân cư và tư duy của người dân. Vì thế, những nỗ lực và hướng tạo nguồn cho Đảng như bác Cao Xuân Thương nói là một cách làm hay, mở ra nhiều triển vọng.
Đồng chí Điệp cũng chia sẻ: “Ta đang đối mặt với việc một số chi bộ trống, trắng đảng viên, nhưng không có nghĩa vì ít mà kết nạp tùy tiện. Có những đối tượng họ chưa thể hiện rõ nhu cầu phấn đấu thì cũng không thể kết nạp. Nhưng cũng có người, có năng lực, trách nhiệm, và mong muốn vào Đảng, nhưng lại không đủ điều kiện vì vi phạm chính sách dân số/KHHGĐ. Thời gian tới theo tôi, đối với các vùng đặc thù, cần có cơ chế mở cho những đối tượng vi phạm chính sách DS/KHHGĐ, nếu sau 5 năm không vi phạm thì được xét kết nạp”.
Chuyện người trong cuộc
Chị Lê Thị Lương là 1 trong 3 đảng viên người dân tộc Thái ở huyện miền núi Anh Sơn mới được kết nạp năm 2017. Chia sẻ về quá trình phấn đấu của mình, chị Lương nói: Thực sự đó là một quá trình lâu dài của bản thân. Phải đến 10 năm nỗ lực tham gia vào các hoạt động đoàn thể, không chỉ trong trường, mà ở cả thôn xóm, tôi mới vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, hiện tôi là Bí thư Chi đoàn của Trường Mầm non Đức Sơn, Anh Sơn.
“Một trong những biện pháp phát triển đội ngũ đảng viên của huyện là chú trọng tạo nguồn bồi dưỡng từ lực lượng trẻ tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng trong thôn bản. Tạo điều kiện, vận động yên tâm lập nghiệp ở quê hương, xác định đúng động cơ vào Đảng, phương pháp phấn đấu trở thành đảng viên”, đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Anh Sơn nói. Hiện nay, trên toàn huyện Anh Sơn có 388 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở, trong đó 252/252 thôn xóm bản, khối đều có chi bộ.
Tại xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, anh Hồ Phú (SN 1990) là đảng viên người công giáo trẻ tuổi nhất. Sinh ra trong một gia đình có anh trai là linh mục, Phú tốt nghiệp đại học ngành Tài nguyên Môi trường, và hiện đang là cán bộ địa chính kiêm nhiệm cả công tác khuyến nông của xã. “Trong quá trình làm việc, có nhiều lợi ích của xã hội, cộng đồng xung đột với lợi ích của giáo xứ. Những lúc ấy, bản thân tôi cũng chịu áp lực rất lớn. Nhưng tôi luôn giữ quan điểm mình sống và làm việc, thì phải theo hiến pháp, pháp luật”, anh Hồ Phú chia sẻ.
Thực tế, khi Phú có nguyện vọng vào Đảng, gia đình rất băn khoăn. Tuy nhiên, anh Phú xác định, mình phấn đấu vào Đảng là để có điều kiện tham gia nhiều hoạt động giúp ích cho sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Còn về tín ngưỡng tôn giáo, mình vẫn nguyên vẹn là người công giáo. Đồng chí Hồ Văn Gương - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quỳnh Thanh bày tỏ: Đồng chí Phú là một người có năng lực, tâm huyết và có tiếng nói với bà con. Với những cán bộ khác nói, chưa chắc bà con đã nghe, nhưng đồng chí Phú đứng ra tuyên truyền, giải thích thì bà con lắng nghe và làm theo nhiều hơn.
“Trong bối cảnh chung về việc phát triển đảng viên đang gặp nhiều khó khăn, thì có được một người như đồng chí Phú trong hàng ngũ của Đảng là rất quý. Nhưng hiện nay Phú mới chỉ là cán bộ hợp đồng, chế độ lương ít ỏi, trong khi lượng công việc phải làm rất lớn và áp lực. Đảng bộ và chính quyền xã Quỳnh Thanh mong muốn cấp trên xem xét, quan tâm để Phú vào biên chế công chức, để đồng chí yên tâm công tác hơn”, đồng chí Gương nói.
Xây dựng phong trào để phát triển nhân tố
Đồng chí Lê Thành Nhân - Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu chia sẻ: “Thời gian tới, huyện sẽ có nhiều biện pháp quyết liệt trong việc xây dựng hạt nhân chính trị; hỗ trợ kinh phí trang bị truyền thanh không dây để tuyên truyền, vận động, gây dựng phong trào, để từ đó phát hiện và bồi dưỡng các quần chúng ưu tú tạo nguồn kết nạp đảng.
Tuy nhiên, địa phương cũng mong muốn Tỉnh ủy có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho cán bộ công chức, viên chức của xã về làm Bí thư Chi bộ ở các thôn, xóm vùng đặc thù.
Theo đồng chí Hồ Đăng Tài - Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy, mục tiêu của Đề án 01 là tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, gắn với công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên mới, nhưng đây là một lộ trình dài hơi, do vậy việc trước mắt cấp thiết nhất là phải củng cố được hệ thống chính trị, đoàn kết lương - giáo. Trong đó phải bắt đầu từ phát hiện ra được quần chúng ưu tú, rồi dẫn dắt, bồi dưỡng để trở thành đảng viên tại cơ sở.
Đồng chí Hồ Phúc Hợp - Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng: Nhìn từ thực tiễn, dù Đề án 01 là thiết thực và đã tạo ra được cú hích ban đầu cho việc xóa trắng chi bộ, trắng đảng viên. Nhưng quá trình triển khai vẫn còn rất nhiều khó khăn để tạo được sự chuyển biến thực sự, bền vững. Rõ ràng việc phát triển đảng viên trước hết chúng ta phải có nhân tố. Nhưng để có nhân tố, thì phải có phong trào và giữ được phong trào. Thông qua đó để phát hiện các nhân tố điển hình, nhân rộng gương người tốt, việc tốt. Từ đó bồi dưỡng, vận động, thuyết phục hướng họ đến cảm tình Đảng, có chí hướng phấn đấu vào Đảng.