Ngày 22-5 tới sẽ diễn ra cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và Đại biểu HĐND các cấp. Qua số liệu cho biết chưa bao giờ có người tự ứng cử vào HĐND cấp xã đông như kỳ bầu cử lần này. Điều này khẳng định tính dân chủ trong bầu cử được phát huy, giúp các địa phương lựa chọn cán bộ có năng lực.

Tiếng nói người trong cuộc


Với mong muốn "đưa tâm tư, nguyện vọng, tiếng nói của người dân, nhất là bà con ở địa phương nơi cư trú đến gần hơn với các cấp chính quyền", giáo dân Nguyễn Văn Thi (sinh năm 1972, xã Hưng Tây - Hưng Nguyên) đã mạnh dạn tự ứng cử vào HĐND xã, nhiệm kỳ 2011- 2016.

Việc làm của anh đã được 100% cử tri nơi cư trú đồng tình, ủng hộ. Xóm Hưng Thịnh 1, nơi giáo dân Nguyễn Văn Thi làm xóm trưởng hiện có 109 hộ với 100% theo đạo thiên chúa là xóm xa trung tâm, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Từ thực tế đó, anh ứng cử và nếu trúng cử vào HĐND xã kỳ này, điều đầu tiên anh muốn đề xuất với cấp uỷ, chính quyền quan tâm triển khai xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội


Cùng chung nguyện vọng "đem hết khả năng của mình phục vụ nhân dân" với anh Thi, ở xã Hưng Tây còn có các ông: Hoàng Văn Sơn (sinh năm 1969 - đảng viên), ở xóm Lam Đồng; Phùng Khánh Dần (sinh năm 1963), ở xóm Vạc; Phạm Viết Ánh (sinh năm 1968 - đảng viên), ở xóm Thượng Khê. Như vậy, với 4 người tự ứng cử, vừa có lương, vừa có giáo, vừa đảng viên, vừa quần chúng, Hưng Tây trở thành xã có số lượng người tự ứng cử vào HĐND xã nhiều nhất huyện.

765299_small_62696.jpg


        Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại phường Cửa Nam và Đội Cung. 
                                                Ảnh: Sỹ Minh.


Ông Đặng Xuân Khiêm - Chủ tịch UBMTTQ xã Hưng Tây cho biết: "So với nhiệm kỳ trước, số người tự ứng cử vào HĐND xã nhiệm kỳ này tăng cả về số lượng và chất lượng. Cả 4 ứng cử viên tự ứng cử đều là những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, nhiệt tình, trách nhiệm trước cử tri, có năng lực hoàn thành nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân".


Bằng kiến thức, kinh nghiệm tích luỹ sau 15 năm làm việc trên các cương vị Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã, đảng viên Nguyễn Thế Vĩnh, ở xóm 11, xã Nghi Thịnh (Nghi Lộc) tự tin cho rằng mình có đủ điều kiện, nhất là khi đã nghỉ hưu sẽ có nhiều thời gian và không chịu áp lực, chi phối nào khi tham gia HĐND xã.

Ông chia sẻ: "Ở địa phương tôi vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề gây bất bình và bức xúc cho nhân dân. Nếu trúng cử Đại biểu HĐND xã, tôi sẽ lựa chọn, đeo bám đến cùng các vấn đề mà nhân dân quan tâm để kiến nghị các cấp, các ngành quan tâm giải quyết". Không chỉ riêng ông Vĩnh và 7 ứng cử tự do khác ở huyện Nghi Lộc mà rất nhiều đại biểu ứng cử tự do vào HĐND cấp xã kỳ này trên địa bàn cả tỉnh mà chúng tôi được tiếp xúc, trao đổi đều có chung sự tin tưởng, lạc quan, kỳ vọng sẽ đại diện cho cử tri, nhân dân tại các diễn đàn HĐND nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân.


Niềm tin và kỳ vọng


Như vậy, trong các kỳ bầu cử HĐND các cấp trong tỉnh, chưa bao giờ có người tự ứng cử vào HĐND cấp xã đông như kỳ này. Điều đó cho thấy không chỉ tính dân chủ trong bầu cử được phát huy mà còn giúp các địa phương lựa chọn được cán bộ có năng lực.

Hiện nay, sau 3 vòng hiệp thương giới thiệu, HĐND xã được lập danh sách chính thức để bầu là 20.349 vị, trong đó tự ứng cử là 88 người, cao nhất từ trước đến nay. Điều đáng nói là những người ứng cử không chỉ người ngoài Đảng mà có cả đảng viên nếu có nguyện vọng và đủ điều kiện vẫn được chi bộ và cơ quan có thẩm quyền đồng ý để ra tự ứng cử. Do mở rộng dân chủ như vậy mà một số huyện miền núi như Quỳ Châu, Nghĩa Đàn... đã có cử tri mạnh dạn đứng ra tự ứng cử vào HĐND cấp xã.


Theo ông Hoàng Minh Ngói - Chủ tịch UBMTTQ huyện Yên Thành, nơi có số người tự ứng cử nhiều nhất tỉnh: Nguyên nhân tạo nên sức hút nhiều người tham gia tự ứng cử vào HĐND xã ở kỳ này, ngoài phát huy tốt dân chủ trong công tác chuẩn bị bầu cử thì trong nhiệm kỳ qua, hoạt động của các cơ quan dân cử ngày càng đổi mới và khẳng định được vai trò, vị thế và niềm tin đối với cử tri. HĐND đã thực hiện đúng chức năng, quyền hạn của mình trong việc quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, đem lại lợi ích to lớn cho địa phương.

Thông qua hoạt động dân cử, vai trò giám sát của HĐND các cấp ngày càng rõ, có hiệu quả hơn. Từ đó củng cố được niềm tin đối với cử tri. Bên cạnh đó, người dân ngày càng nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của cử tri, đại biểu, nhất là vai trò của cơ quan dân cử. Nhiều cử tri mong muốn tham gia vào các cơ quan dân cử để đại diện cho tiếng nói của cử tri và các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp.

Còn đối với ông Trần Văn Giao, đảng viên, năm nay 79 tuổi, ở xóm 11, xã Nghi Thịnh: "Thời của tôi hầu như không có người mạnh dạn tự ứng cử, nếu có cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Kỳ này số người tự ứng cử vào HĐND cấp xã ngày càng đông, đó là một tín hiệu mừng, đáng phấn khởi. Điều đó cho thấy cử tri ngày càng có trách nhiệm hơn với dân, với Đảng, với chính quyền. Tính dân chủ ngày càng phát huy hiệu quả trong hệ thống chính trị, người dân thực sự có quyền được tham gia vào cơ quan quyền lực cao nhất, thể hiện rõ bản chất Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân".


Mai Hoa - Khánh Ly