(Baonghean) Việc giải quyết tồn tại, nhất là đưa bà con về khu tái định cư thuỷ điện Bản Vẽ, ổn định cuộc sống là nhiệm vụ cấp bách không chỉ của 2 huyện Tương Dương, Thanh Chương và Ban quản lý Thuỷ điện 2 mà rất cần sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp, đặc biệt người dân phải thực hiện tốt nghĩa vụ của mình…

---> Xem Kỳ 3: ĐI NGƯỢC CHỦ TRƯƠNG, VI PHẠM PHÁP LUẬT

Làm việc với lãnh đạo huyện Tương Dương và Thanh Chương, được biết cả hai huyện đã rất nỗ lực trong suốt cả quá trình tổ chức đưa dân đi và tiếp nhận dân đến. Tuy nhiên, khi đề cập đến tình trạng vẫn còn một số hộ cố thủ không chịu di dời, hàng chục hộ khác bán nhà trở về lòng hồ mưu sinh không có giải pháp xử lý thì lãnh đạo 2 huyện không đưa ra được cách giải quyết ổn thỏa. Cụ thể, với 33 hộ ở bản Chà Coong chây lỳ ở lại và nhiều người trở về lòng hồ sinh sống thì huyện Tương Dương tỏ ra lúng túng và bất lực.

Ông Vi Tân Hợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, cho biết: "Trước sự chây lỳ không chịu di dời của các hộ bản Chà Coong và tình trạng  bà con tái định cư Thanh Chương kéo nhau về sinh sống trong khu vực lòng hồ, lãnh đạo huyện Tương Dương hết sức trăn trở. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã họp lên họp xuống bàn cách giải quyết, tháng nào cũng cử các tổ công tác xuống vận động, thuyết phục. Riêng tổ đền bù giải phóng mặt bằng nhiều lần đưa tiền hỗ trợ vận chuyển và hỗ trợ làm nhà vào phát cho dân, nhưng chỉ một số ít nhận.

Đầu năm 2012, thời điểm chuẩn bị cho mùa lúa rẫy, người dân vùng tái định cư Thanh Chương đổ về nhiều, huyện bố trí lực lượng liên ngành túc trực tại bến hạ lưu và thượng lưu lòng hồ để kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn không cho bà con tái định cư về, thì người dân lại lén lút đi vòng từ Kỳ Sơn xuống, Yên Tĩnh lên luồn rừng “nhảy dù” vào lòng hồ. Tháng 5/2012, huyện đã cử tổ công tác 3 người do tôi phụ trách trực tiếp đến tất cả các điểm người dân cư cư trú trái phép trong lòng hồ với mục đích vừa tuyên truyền, vận động vừa  nắm tình hình. Nhưng bà con phát hiện cán bộ đến là lẩn vào rừng, chỉ gặp người già và trẻ nhỏ nên chẳng mang lại kết quả!".

Ban quản lý Dự án Thủy điện 2 đẩy nhanh tiến độ khai hoang giúp bà con tái định cư có ruộng nước sản xuất.

Còn ở Thanh Chương, ông Phan Đình Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Bà con trở về lòng hồ là ngoài ý muốn. Để ngăn chặn tình trạng trở về vùng lòng hồ, cũng như đưa bà con về lại Khu tái định cư, UBND huyện Thanh Chương đã làm việc với huyện Tương Dương để bàn cách phối hợp vận động, đồng thời giao cho 2 xã thành lập tổ công tác vận động và triển khai một số biện pháp giúp bà con vươn lên lo cuộc sống tại chỗ.

Với cách làm trên cũng như qua tìm hiểu cho thấy, tuy đã có sự quan tâm lo lắng, song cả hai huyện chưa vào cuộc giải quyết tồn tại người dân cư trú trái phép trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ một cách tích cực và quyết liệt. Đáng lưu ý là chính quyền các huyện chưa đề ra các biện pháp thực hiện một cách đồng bộ. Dễ thấy, tất cả những người ở vùng tái định cư Thanh Chương trở lại lòng hồ dựng lán đều thuộc diện cư trú trái phép. Hành vi trở lại để phát rừng làm rẫy, đánh bắt cá, khai thác lâm sản… đều là hành vi vi phạm pháp luật. Người dân đều hiểu điều đó và nhiều người lo sợ khi gặp cán bộ, chính quyền, sợ bị xử phạt hoặc bắt giữ. Giải quyết các vụ việc trên rõ ràng phải song hành cả biện pháp tuyên truyền giáo dục với xử lý hành chính. Thực tế ở Tương Dương chỉ mới nghiêng về vận động thuyết phục, chưa thực hiện biện pháp xử lý hành chính, hình sự. Ví như trường hợp chống đối không chịu di chuyển, còn ngang nhiên liều lĩnh dựng nhà kiên cố trái phép và viết đơn đi khiếu kiện nhiều nơi  như ông Lương Khắc Phùng, bản Chà Coong là đã vi phạm pháp luật rõ ràng, nhưng huyện vẫn không xử lý! Điều đó càng chứng tỏ vai trò quản lý  nhà nước của chính quyền chưa phát huy, để kẻ xấu lợi dụng lấn lướt, làm mất tính nghiêm minh của pháp luật.

Còn ở huyện Thanh Chương, dù đã có sự quan tâm để lo nhiều mặt cho người dân nhưng có một điều thiếu sót là công tác dân vận bị buông lỏng. Đáng tiếc, trong khi một số người dân ở bản Kim Hồng vốn đã không muốn di dời, khi đến khu tái định cư Thanh Chương lại vấp phải một vài khó khăn như hệ thống nước sinh hoạt bị hư hỏng, đất đai bị xâm canh chưa được giải quyết… nên người dân lấy cớ đó quay lại lòng hồ sinh sống… Đáng lẽ, trước tình hình ấy, cấp ủy chính quyền huyện Thanh Chương phải nắm bắt, chỉ đạo 2 xã làm tốt công tác tư tưởng, phối hợp giải quyết tốt những vấn đề vướng mắc mà bà con kiến nghị, kịp thời động viên, giúp đỡ bà con vươn lên khắc phục khó khăn, ổn định đời sống sản xuất, nhưng việc đó chưa làm được. Đến khi dân bán nhà về lòng hồ lâu rồi chính quyền mới biết thì đã muộn.  Hiện số  hộ bán nhà bỏ về  của 2 xã đã lên con số 47 hộ (bản Kim Hồng 40 hộ) mà xã và huyện không cập nhật được mà vẫn lạc quan báo cáo số gia đình bỏ đi cả 2 xã là 36 hộ, trong đó bản Kim Hồng 25 hộ…

Một số ý kiến cho rằng, vì thiếu đất sản xuất nên bà con mới quay lại. Thực tế hoàn toàn chưa hẳn vậy. Làm việc với bí thư chi bộ bản Chà Coong 2 xã Thanh Sơn, được biết hiện có 67 hộ về khu tái định cư từ cuối năm 2009 đến nay, do đất quy hoạch sản xuất đang bị xâm canh chưa có gia đình nào nhận, nhưng  không ai trở về lòng hồ. Hỏi ra mới biết, chi ủy và cán bộ bản đã phát huy vai trò trách nhiệm làm tốt công tác tuyên truyền, phân tích, giải thích, vận động nên bà con thấy rõ: Trở về lòng hồ làm ăn “tay quơ miệng lốm” là dấn thân vào ngõ cụt, không gia cư, không chính quyền, không trường học, không trạm xá, không điện, ốm đau chẳng biết cứu chữa bệnh nơi đâu, con cái đến tuổi không có trường lớp học,... hại nhiều hơn lợi nên tất cả đều xác định khó khăn chỉ là tạm thời, yên tâm ở lại xây dựng cuộc sống nơi vùng đất mới.

Điều đó cho thấy, việc vin vào lý do chưa được chia đất, hoặc đất cằn cỗi, khó làm ăn chỉ là sự ngụy biện cho những yếu kém trong giải quyết đưa người dân cư trú trái phép ra khỏi lòng hồ thủy điện Bản Vẽ trở về Khu tái định cư Thanh Chương và thiếu tính thuyết phục. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, quá trình triển khai thực hiện dự án tái định cư còn nhiều bất cập, yếu kém. Đó là chưa thấy hết tầm quan trọng đặc biệt của sản xuất lương thực, dẫn tới công tác khai hoang cải tạo ruộng nước làm quá chậm. Trong khi một số gia đình do hoàn cảnh không có điều kiện khai hoang đất ruộng sản xuất lương thực, còn Nhà nước thì chỉ hỗ trợ lương thực 3 năm đầu, mỗi năm 4 tháng, nên có trường hợp thiếu đói lương thực. Rồi nạn xâm canh chưa được chính quyền giải quyết dứt điểm, và việc chuyển tập quán làm ăn từ tự cung tự cấp sang thị trường phải có tiền mới sống được đã tạo ra tâm lý bức bối, khó chịu… 

Tất cả những thiếu sót trên đang là nguyên nhân chủ yếu gây ra sự chây lỳ của người dân không chịu di dời hoặc số người trở lại lòng hồ thủy điện Bản Vẽ mưu sinh ngày một gia tăng. 

Vấn đề đặt ra hiện nay là  làm thế nào để sớm nhanh chóng đưa người dân cư trú trái phép ra khỏi lòng hồ, nhất là những hộ chây ỳ chưa chịu đi ở bản Chà Coong và các hộ đã bán nhà ở khu tái định cư và ngăn chặn vấn nạn bà con quay về quê cũ? Trả lời câu hỏi này không chỉ trách nhiệm của 2 huyện và Ban quản lý thủy điện 2 mà  còn của các cấp ngành liên quan. Ở đây xin lưu ý một điều, đến thời điểm này, trong số 245 hộ quay lại vùng lòng hồ có 47 hộ đã bán nhà, trong đó có không ít hộ nay đã tay trắng. Để đưa người dân ra khỏi lòng hồ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, nhưng nếu có quyết tâm cao, biện pháp mạnh sẽ làm được và rất cần sự vào cuộc khẩn trương và trách nhiệm cao của  cấp ủy, chính quyền các cấp và các ban ngành liên quan từ tỉnh xuống cơ sở.

Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy: Muốn ngăn chặn người dân quay về vùng lòng hồ, cũng như đưa dân ra khỏi lòng hồ, phải tiến hành các biện pháp từ gốc đến ngọn. Có nghĩa là đi đôi với thực hiện các biện pháp mạnh, đồng bộ (vận động thuyết phục, hành chính, hình sự, kinh tế) để đưa người dân ra khỏi lòng hồ, phải quan tâm chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho bà con ở khu tái định cư. Cụ thể, phải giúp người dân có việc làm, thu nhập theo các hướng: sản xuất nông- lâm nghiệp; đào tạo, hướng nghiệp dạy nghề, hướng dẫn bà con chuyển đổi nghề, tham gia các hoạt động sản xuất, dịch vụ kinh doanh, đi xuất khẩu lao động, làm việc tại các khu công nghiệp... tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao cộng đồng; đưa trạm y tế vào hoạt động, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo ra bộ mặt vui tươi lành mạnh. Trước mắt, phải bảo đảm lương thực cho người dân bằng nhiều cách, như: Trong thời gian chưa có đất sản xuất lương thực Chính phủ sớm thực hiện chế độ hỗ trợ gạo để người dân không thiếu đói lương thực. Tận dụng triệt để hóc chọ đất bằng để khai hoang mở rộng diện tích ruộng nước. Về lâu dài, phải bằng mọi cách để những hộ chưa nhận đất phải được chia đất, có đất phải đưa vào sử dụng có hiệu quả, theo hướng đất nào phải trồng cây nấy, sản xuất phải đi đôi với đầu tư thâm canh, khắc phục lối làm ăn quảng canh, bóc lột đất. Từ đó mới giúp bà con có việc làm và thu nhập ổn định thường xuyên, bảo đảm an sinh xã hội giữ được chân bà con không quay trở về…

Ngoài ra, cần nhận thức, thực hiện tốt việc di dời dân ra khỏi lòng hồ thủy điện Bản Vẽ về Khu tái định cư Thanh Chương không chỉ góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương phát huy tiềm năng lợi thế xây dựng quê hương đất nước văn minh giàu đẹp mà điều quan trọng để phân bố lại dân cư, giúp đồng bào các dân tộc thoát khỏi đói nghèo và hướng tới phát triển toàn diện. Nhiệm vụ đó muốn thành công đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, mỗi người, mỗi nhà, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân  của vùng tái định cư phải thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình.

(Còn nữa)

Nhóm P.V