(Baonghean.vn). Cơn sốt vàng và những hệ lụy của nó để lại với người dân Quế Phong, nhất là 2 xã Quang Phong và Cắm Muộn những năm 90 của thể kỷ trước dường như vẫn chưa dứt. Lý do chính khiến hiện tượng khai thác vàng trái phép không thể giải quyết dứt điểm là do nguồn lợi mà vàng mang lại.


Xem kỳ 2--> Đất "vàng vui", dân không vui


                    Khoét hang sâu ở Phu Phen


Trên đỉnh Phu Phen hiểm trở, những phu vàng vẫn đang lặng lẽ khoét sâu lòng núi thành những "địa đạo" chằng chịt. Họ làm việc ở độ sâu cả trăm mét để đưa những gầu đất lên nghiền ra tìm vàng, băm nát những cánh rừng nguyên sinh, xả chất độc hại ra khe, suối...


Đỉnh Phu Phen là ngọn núi cao nhất nằm giáp ranh giữa các xã Yên Hoà, Yên Tĩnh, Yên Na (Tương Dương). Khoảng 10 năm trở lại nay, đỉnh Phu Phen luôn náo loạn bởi tình trạng khai thác vàng thổ phỉ.

Mặc dù huyện và các cấp ngành phối hợp lên đẩy đuổi. Nhưng khi đoàn kiểm tra về là "vàng tặc" lại mang theo máy móc ra làm. Trong vai những người đi tìm việc làm, chúng tôi phải bắt xe ôm từ Trung tâm thị trấn Hoà Bình men theo đường rừng khoảng gần 50 km lên đỉnh Phu Phen. Con đường ngoằn nghoèo, dốc ngược, chân tay chúng tôi ai nấy rã rời. Phía trước, nhóm phụ nữ gùi hàng chân vẫn nhanh thoăn thoắt. Chị Lữ Thị My áo ướt đầm đìa hổn hển nói: Gùi mỗi chuyến hàng 20 lít dầu, được trả 20.000 đồng tiền công, mỗi ngày chúng tôi gùi được 3 chuyến. Vất vả cực nhọc lắm, mới tháng trước chị Lữ Thị K gùi hàng lúc trời mưa bị trượt ngã gãy chân.

768819_small_66601.jpg

Đào vàng tạo nên những hố hàm ếch trong lòng núi ở đỉnh Phu Phen-Tương Dương, rất dễ sập khi trời mưa.


Lê những bước chân nặng trĩu, gần 12 giờ trưa chúng tôi mới lên tới đỉnh Phu Phen. Ngay tại lán trại đầu tiên, mấy thanh niên "đầu trọc" nhìn chúng tôi với ánh mắt dò xét: Bọn bây lên đây mần chi? Tôi trả lời: Bọn em lên tìm việc, đại ca có việc gì cho tụi em làm với. Tay đeo kính đen nói: Bọn bay cứ đi xem chúng nó đào vàng rồi tí nữa đến "làm giá".

Lúc này mới có thời gian nhìn kỹ, trông như một bãi "chiến trường" tan hoang. Ngổn ngang những lán trại được dựng tạm bợ bên triền núi. Những phu vàng tuổi "bẻ gãy sừng trâu" đang nằm ngủ trong lán trại, đến giờ là các "đại ca" lại quát tháo xuống hầm đào vàng.

Cận cảnh những hố đào vàng mới thấy rùng rợn, miệng hố chỉ to hơn cái nia nhưng sâu hun hút, ngó xuống chỉ thấy ánh điện leo lét mờ ảo. Tôi thấy một "vòi rồng" nối với chiếc máy nổ đang gầm rú sát hố đào vàng, hỏi ra mới biết chiếc vòi ấy thả xuống hố sâu để dưỡng khí. 24/24 giờ đều phải có người canh máy nổ, nếu máy nổ mà không hoạt động là những phu vàng dưới hang sâu sẽ chết ngạt.

K một "phu vàng" kể: Thời gian đầu bọn em xuống hang làm sợ lắm, tối om, không khí ngột ngạt nóng bức. Chiều sâu của hang ít nhất là 50 mét, sâu nhất là trên 100 mét sau đó hang được khoét ăn theo hình chữ L, hoặc chữ K. Nói chung, cứ khoét theo nẹp vàng, chiều dài của hang có khi ăn sâu lòng núi dài trên 500m. Ngay miệng hầm từ trên xuống được chống những que củi rừng tạm bợ, phần hang khoét sâu vào không được chống đỡ. Điều đáng nói là khu vực núi Phu Phen lâu nay được Công ty CP và Đầu tư xây dựng Thủ Đô thăm dò do Bộ Tài nguyên&Môi trường cấp phép. Tuy nhiên "vàng thổ phỉ" tứ xứ đến lộng hành khai thác không đúng quy trình gây lãng phí nguồn khoáng sản quốc gia, ô nhiễm môi trường, môi sinh trầm trọng.


                    Nỗi lo sập hầm


Lữ Văn Toản- Trưởng bản Cắm cho hay: Bản Cắm được chia thành 3 bản có khoảng trên 350 hộ dân, trong đó hơn 80% tỷ lệ hộ nghèo, lâu nay ngoài nghề rừng họ coi đào đãi vàng là nghề chính để kiếm sống. Một thực tế đang diễn ra là người dân khai thác vàng thổ phỉ đào bới vô tội vạ, biến những ruộng nương thành hầm hố, có nơi bị khoét sâu hoắm cả chục mét. Lô Văn Phong một "phu phen" vừa bò từ hố vàng sâu hoắm đi lên nói: Biết là nghề này cũng mạt lắm, sập hầm chết khi mô chẳng biết. Một ngày đào đãi cật lực cũng chỉ được từ 50.000-80.000 đồng, bữa nào son lắm thì được trên 100.000 đồng. Nhưng nếu không làm vàng thì lấy gì mà nuôi cả nhà...".  


Việc khai thác bừa bãi không chỉ làm thay đổi dòng chảy, làm ô nhiễm nguồn nước, khiến cho nước các con suối lúc nào cũng nhuộm một màu vàng đục, mà có những đoạn khai thác xong, máy móc, con người rút đi đã để lại những hố sâu hoắm, tạo thành những cái bẫy chết người cho chính những người dân khi qua lại, mon men mót vàng. Hơn nữa, với kết cấu địa chất không ổn định, chủ yếu là những vỉa đá nhỏ, nằm xen lẫn với đất bazan có độ kết dính thấp. Vì thế mà nguy cơ sập hầm tại khu vực này thường là rất lớn. Điều đó đã được minh chứng bằng nhiều vụ sập hầm, sập hố vàng trong lúc khai thác, làm nhiều người chết, diễn ra từ đầu năm đến nay.


Vào hồi 15h30, ngày 2/4/2011 cháu La Thị Thu Trang (SN 1999, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Yên Tĩnh 2) con gái đầu lòng của gia đình anh La Văn Năm và chị Vi Thị Pá, vào ngày thứ bảy được nghỉ học đã tham gia mót vàng cùng mẹ tại một hố vàng của ông ngoại Vi Văn Toán ngay gần nhà. Trong lúc chị Vi Thị Pá đưa đất đá xuống suối để đãi vàng thì Trang ở trên hố tiếp tục đào bới, không may đã bị đất đá đổ xuống vùi lấp và tử nạn.


Hay như vụ sập hố vàng vào chiều 1/5/2011 tại bản Đình Hương, xã Tam Đình, khiến 5 người thiệt mạng, bao gồm: anh Mạc Văn Ánh (SN 1984), Mạc Văn Thọ (SN 1996), Lương Văn Bích (SN 1991), Lương Văn Sơn (SN 1976) và Lang Văn Hiển (SN 1990), tất cả đều trú tại bản Đình Hương, trong đó, Mạc Văn Ánh và Mạc Văn Thọ là anh em ruột, và Thọ hiện đang là học sinh lớp 9, Trường THCS Tam Đình, tranh thủ được nghỉ lễ theo anh trai đi đào vàng thì bị nạn. Theo như lời kể của anh Lương Văn Giáp, (một trong hai người may mắn thoát chết) trong vụ sập hố vàng này thì: Chiều hôm đó (1/5/2011), 7 người mang dụng cụ: xà beng, cuốc, xẻng... đến địa điểm gần bờ sông để khai thác vàng. Đến cuối buổi chiều, khi đã đào xuống sâu được khoảng gần 10m và vạt được một vách dựng đứng thì cả tốp quyết định dùng máy hút nước sông lên để phụt rửa đất đãi vàng thì bất ngờ đất, đá đổ ập xuống vùi lấp cả năm người phía dưới, còn riêng anh Giáp và anh Lương Văn Kháy (ở xã Tam Thái) ở trên miệng hố nên may mắn thoát chết. Dù đã được người dân địa phương xung quanh kịp thời ứng cứu nhưng đã không kịp giữ được tính mạng cho những người xấu số.


Mang theo những trăn trở về nạn khai thác khoáng sản trái phép, chúng tôi tìm gặp ông Lữ Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn. "Đối với vàng tặc là người nơi khác, mỗi khi đi kiểm tra là dẹp được ngay. Nhưng đối với người dân địa phương khai thác vàng thì khó dẹp lắm! Hôm trước kiểm tra xong, chờ đoàn về, hôm sau họ lại quay lại khai thác tiếp", ông Bình cho biết.


Theo số liệu từ Phòng Tài nguyên&Môi trường huyện Quế Phong, từ đầu năm 2010 đến nay, huyện đã thành lập 7 đoàn kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn toàn huyện, đặc biệt là tại các xã Quang Phong, Cắm Muộn, Tri Lễ. Trong đợt truy quét ngày 25/3/2011, Đoàn đã dùng mìn phá hủy 6 tàu tuyển vàng, trục xuất 9 máy xúc ra khỏi địa bàn huyện. Đợt truy quét ngày 15/7/2011, Đoàn kiểm tra phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An đã cho nổ mìn 2 tàu tuyển vàng, 4 sàng tuyển vàng, trục xuất 8 máy xúc ra khỏi địa bàn xã Cắm Muộn, xử lý phạt vi phạm hành chính với các tổ khai thác khoáng sản trái phép, nộp ngân sách 55 triệu đồng.


Những số liệu mà chúng tôi có được đã thể hiện nỗ lực của chính quyền địa phương trong cuộc chiến với vàng tặc trên vùng đất vàng. Nhưng những gì chúng tôi được mục sở thị tại Quang Phong, Cắm Muộn lại cho thấy để giải quyết dứt điểm nạn khai thác khoáng sản trái phép còn là một chặng đường gian nan.


Nhóm phóng viên