Lâu nay, vấn đề lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường trên địa bàn TP Vinh đã được nói đến rất nhiều, thế nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Các cơ quan chức năng đã không ít lần ra quân giải tỏa, thu gom, tuy nhiên cũng chỉ như... "bắt cóc bỏ đĩa"...
 
Dạo một vòng quanh các tuyến đường chính của thành phố, điều dễ nhận thấy nhất là vỉa hè nào cũng bị lấn chiếm nghiêm trọng. Các hộ kinh doanh vô tư đặt biển quảng cáo, bày hàng hoá ra tận mép đường, khiến khách mua hàng phải để xe xuống lòng đường. Không chỉ có vậy, ở nhiều chợ tạm, chợ cóc, bà con tiểu thương còn bày bán rau quả tràn cả ra lòng đường.
 
Tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, tuyến đường được xem là đẹp, nằm trong khu đất sầm uất nhất của thành phố, vỉa hè đã bị chiếm dụng tối đa để dùng cho việc để xe. Hay ở khu vực đường Đinh Công Tráng, Đặng Thái Thân, Nguyễn Văn Cừ..., ngày càng có nhiều cửa hàng thời trang mặc nhiên dọn hẳn các kệ quần áo ra lề đường, buộc người đi bộ không còn cách nào khác là đi xuống lòng đường. Nhất là tuyến đường Đặng Thái Thân, vào buổi tối, hai bên lề đường bày la liệt các loại quần áo, từ những loại hàng chợ rẻ tiền đến nhiều nhãn hiệu thời trang nổi tiếng. Chỉ cần tấp xe vào gần vỉa hè, người mua có thể vô tư chọn lựa và mặc cả giá bán. Đường biến thành chợ, xe đậu bát nháo, khiến vỉa hè và mặt đường chẳng còn ranh giới.

767433_small_65027.jpg
 Vỉa hè đường Nguyễn Trãi biến thành điểm thu mua phế liệu.

Đường Lê Hồng Phong, Phan Chu Trinh, Nguyễn Sỹ Sách, Phan Bội Châu,... nơi tập trung nhiều quán ăn, thì vỉa hè lâu nay đã trở thành chỗ đặt bàn ghế, bãi để xe. Điều đáng nói là từ cuối buổi chiều đến đêm, việc chiếm dụng vỉa hè, lòng đường còn diễn ra ồ ạt, công khai hơn nhưng không hề thấy bóng dáng của lực lượng chức năng tới kiểm tra, xử lý?
 
Vỉa hè cũng như lòng đường ngay chợ Quán Bánh, nằm song song với tuyến đường 1A lâu nay cũng bị lấn chiếm, gây cản trở đến giao thông nghiêm trọng. Chị Mai, người bán rau tại đây, cho biết: "Buổi sáng thì còn ngồi nép vào bên trong nhưng buổi chiều mà không lấn ra ngoài thì chẳng ai mua hết". Còn người mua luôn có nhiều lý do để giải thích, như đi làm về vội nên ghé mua thực phẩm cho nhanh, hơn nữa mỗi lần vào chợ vừa mất thời gian lại mất tiền gửi xe...
 
Không thể kể hết tên những tuyến đường có vỉa hè bị lấn chiếm một cách vô tội vạ. Người trước lấn được thì người sau tiếp tục lấn, gây ra tình trạng lộn xộn, nhếch nhác trên các tuyến đường. Chủ một cửa hàng đồ nhựa trên đường Trần Phú, cho rằng: "Nếu riêng cá nhân tôi chấp hành không chiếm vỉa hè, mà lực lượng chức năng không kiên quyết xử lý các hộ khác vi phạm, khi đó cửa hàng của tôi do không trưng bày các mặt hàng được, vì vậy sẽ mất khách.
 
Theo ông Nguyễn Văn Nam, Chánh thanh tra đô thị TP Vinh, ý thức kém của người dân là nguyên nhân chính gây ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Khi đã bỏ tiền ra mua hoặc thuê đất ngay mặt đường thì những hộ kinh doanh mặc sức dùng vỉa hè để mở mang kinh doanh. Trong khi "lực lượng thanh tra đô thị quá mỏng không thể kiểm soát được hàng trăm tuyến đường. Hơn nữa chúng tôi chỉ có quyền lập biên bản, tạm giữ đồ chứ phạt thì lên thành phố giải quyết. Mà với mức phạt cao như hiện nay ( từ 20-30 triệu đồng), các hộ kinh doanh nhất là những người buôn thúng bán mẹt lấy đâu ra tiền để nộp phạt. Thế nên cứ hôm nay đẩy đuổi ngày mai họ lại bày ra...."  
 
Trước tình trạng lấn chiếm vỉa hè tràn lan, Chính phủ đã có nhiều Nghị định nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông đường bộ, đồng thời chỉ rõ mức độ xử phạt nếu cá nhân, tổ chức nào có hành vi vi phạm vỉa hè như: Nghị định số 146/2007/NĐ-CP quy định: "Người nào vi phạm vỉa hè sẽ bị Thanh tra giao thông, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động xử lý nghiêm...". Tiếp đó, Nghị định 32/2009/NĐ-CP bổ sung, những hành vi vi phạm trong các hoạt động buôn bán tại vỉa hè, lòng đường, buôn bán vật liệu xây dựng, trông giữ, rửa xe máy, ôtô, treo biển quảng cáo không đúng nơi quy định thì sẽ bị phạt tiền với mức cao nhất lên đến 30 triệu đồng. Thế nhưng, trên thực tế, vỉa hè vẫn bị chiếm dụng, vẫn bị "xà xẻo", dẹp trước lại chiếm sau.
 
Hơn nữa, dù đã có nhiều quy định cụ thể, nhưng việc thực hiện tại các cấp địa phương lại chưa được tiến hành một cách nghiêm túc. Ngay tại các phường đều có Ban chỉ đạo ATGT, thế nhưng do các lực lượng này chỉ hợp đồng với UBND phường và do phường quản lý, nên việc duy trì trật tự không được làm thường xuyên. Các biện pháp xử lý lại thiếu kiên quyết, nên đã khiến người vi phạm nhờn luật. Thậm chí ở nhiều nơi, khi thanh tra đô thị đến lập biên bản xử lý vi phạm của một số đơn vị kinh doanh, thì ngay lập tức chính quyền ở đó lại trực tiếp đến "xin". Bởi theo như các vị ở phường đó, các hộ kinh doanh vi phạm, chủ yếu là những hộ có đóng góp "tích cực" về nguồn thu thuế cho phường.
 
Một trường hợp cũng gây khó hiểu cho người dân về cách thức giải quyết của phường, xã, đó là, hiện nay hầu hết các chợ cóc phát sinh ven đường gây ách tắc nhưng phường vẫn cử cán bộ thu vé chợ 2000 đồng/người bán hàng/ngày, như trường hợp hai bên đường phía trước chợ Kênh Bắc (phường Hà Huy Tập) hoặc phải nộp thuế hàng tháng như ở chợ cóc đoạn giao nhau giữa đường Hécman và đường Nguyễn Sỹ Sách... Đến đợt ra quân cao điểm về trật tự, người bán hàng tại những địa điểm này bỗng từ được phép lại thành không được phép. Họ bị thu giữ hàng hoá, phạt tiền trong khi hàng ngày vẫn phải nộp phí chợ. Rõ ràng cách xử lý thiếu nhất quán này đã khiến cho tình trạng lấn chiếm vỉa hè diễn ra tràn lan như hiện nay.


Khánh Ly - Đặng Cường