Nằm chênh vênh bên những dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, cuộc sống của các đồng bào: Kinh, Thái, Mông, Khơ Mú triền miên chìm trong cái đói, cái nghèo vì những hủ tục lạc hậu và làn khói của nàng tiên nâu...Nhưng đó là câu chuyện của những năm đầu thập kỉ 90 thế kỷ trước.
 
Những ngày cuối tháng 7, ngược Quốc lộ 48, chúng tôi đến với Quế Phong ( Nghệ An). Trên chuyến xe khách cuối ngày, nhiều người dân Quế Phong mà chúng tôi gặp đã tự hào ví von quê hương mình ngày hôm nay như "một đại công trường". Đến thị trấn huyện lỵ Kim Sơn dù trời đã nhá nhem tối, chứng kiến một thị trấn vùng biên căng tràn nhựa sống mới thấy sự tự hào của người dân Quế Phong là hoàn toàn có cơ sở.
 
Khách quan nhận xét, Quế Phong ngày nay vẫn là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm gần 60% dân số, trong đó đời sống đồng bào ở các xã vùng sâu của huyện như Đồng Văn, Tri Lễ, Nậm Giải...còn rất nhiều khó khăn do trình độ dân trí, trình độ canh tác còn hết sức lạc hậu.
 
Nhưng trong nhiều năm qua, nhờ những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh cùng với sự nỗ lực của huyện, Quế Phong đang thoát nghèo một cách nhanh chóng và bền vững. Trong 6 tháng đầu năm các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của huyện đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.  Sản lượng lương thực tăng 2,2% so với cùng kì năm ngoái, tổng đàn trâu bò đạt gần 23.000 con, bằng 95% kế hoạch năm, sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có nhiều khả quan. Sản xuất đá xây dựng và khai thác cát sỏi. Thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt hơn 170 tỷ đồng, đạt gần 80% kế hoạch năm... Những con số này đối với Quế Phong là cả một sự nỗ lực rất lớn.
 
Từ những câu chuyện với mỗi người dân, với các cán bộ nơi đây, chúng tôi mới biết, sự thay đổi bắt nguồn từ việc Quế Phong một mặt vận động bà con xóa bỏ những tập tục lạc hậu trong đời sống và trong canh tác đặc biệt là vận động bà con xóa bỏ trồng cây thuốc phiện.
 
Một thời đã qua, cùng với Kỳ Sơn, Quế Phong được mệnh danh là "thủ phủ hoa anh túc". Thời kỳ đó, bà con người Mông trồng cây thuốc phiện như trồng lúa rẫy. Loài hoa phù dung ma mỵ đã phủ kín không ít những bản làng giáp đường biên. Không biết nguồn lợi từ loại cây này mang lại đến đâu nhưng đời sống đồng bào ngày ngày chìm trong làn khói mờ ảo của nàng tiên nâu, cái nghèo, cái đói theo đó mà đeo đẳng lấy đồng bào năm này qua năm khác.
 
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, thực hiện Chương trình xóa bỏ cây thuốc phiện, cả hệ thống chính trị của huyện vào cuộc. "Chúng tôi cùng ăn, cùng ở, vận động đồng bào phá bỏ loài cây thuốc phiện. Lúc đầu cũng khó khăn lắm, nhưng mình thuyết phục dần dần kết hợp với đó là thực hiện các chương trình giúp bà con ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế nên bà con dần dần nghe và làm theo. Hiện nay, hàng năm bà con đều ký cam kết không trồng cây thuốc phiện với chính quyền", ông Nguyễn Hữu Đức - Trưởng ban Phát triển Nông thôn - Miền núi huyện Quế Phong một người có thâm niên hơn 10 năm vận động bà con phá bỏ cây thuốc phiện nhớ lại.
 
Sau những nỗ lực không ngừng đến năm 2005, trên toàn huyện Quế Phong nạn trồng cây thuốc phiện cơ bản bị xóa bỏ. Từ đó đến nay, tình trạng buôn bán các chất ma túy trên địa bàn Quế Phong giảm một cách đáng kể cả về số vụ và khối lượng. Đại tá Hồ Hữu Ngọc -Trưởng Công an huyện Quế Phong cho biết: "Trong 6 tháng đầu năm nay, chúng tôi phát hiện và bắt giữ 33 vụ, 35 đối tượng phạm tội ma túy, thu giữ hơn 120 gam heroin, 0,27 gam ma túy tổng hợp, 9 gam thuốc phiện".

Tuy nhiên, là vùng đất có thói quen trồng cây thuốc phiện, thì việc phá bỏ loại cây này là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài và phức tạp. Bởi, trong 6 tháng đầu năm 2011, các lực lượng liên ngành trên địa bàn đã phát hiện và phá bỏ hơn 2800 m2 cây thuốc phiện trồng xen rau cải ở xã Tri Lễ. Nhờ sâu sát địa bàn kiểm tra nên các lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, phá bỏ- Đại tá Hồ Hữu Ngọc cho biết.
 
Quế Phong giờ đây đang đổi thay từng ngày khi thực sự bứt phá trên nhiều mặt. Mảnh đất "Mở cửa thấy núi, mở ngõ thấy rừng" đang có rất nhiều tiềm năng hứa hẹn. Và có lẽ ký ức buồn về một thời mang danh "thủ phủ hoa anh túc" sẽ chỉ còn là quá vãng.

Nhóm P.V