Kuwait mới đây đã ra thời hạn một tháng để Đại sứ Triều Tiên rời khỏi vương quốc này, và sẽ hạ cấp đại diện ngoại giao với Bình Nhưỡng.

images2006087_th_m_kuwait_tr_c_xu_t___i_s__tri_u_ti_n____nh_1_59bf166695419.jpgTiểu vương Kuwait Sheikh Sabah al-Ahmad Al-Sabah. Ảnh: AFP

Thông tin trên được AFP dẫn nguồn từ một nhà ngoại giao cấp cao của Kuwait ngày 17-9. Nhà ngoại giao giấu tên này cũng cho hay Kuwait sẽ giảm sự hiện diện của các nhà ngoại giao Triều Tiên ở nước này.

Sắp tới khi đại sứ Triều Tiên trở về nước, số lượng nhà ngoại giao Triều Tiên ở Kuwait sẽ còn một tham tán và ba nhân viên khác.

Động thái trên được cho có liên quan tới tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên thời gian qua.

Liên Hiệp Quốc hồi 11-9 đã nhất trí các biện pháp trừng phạt mới áp đặt lên Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng có hành động thử nghiệm bom khinh khí và phóng một tên lửa đạn đạo bay ngang lãnh thổ Nhật Bản. 

Ngày 15/9, Triều Tiên lại phóng thêm một tên lửa ngang lãnh thổ Nhật Bản.

Những diễn biến gần đây khiến Triều Tiên liên tục đối diện với những hành động trục xuất đại sứ cũng như cắt đứt quan hệ thương mại từ các nước khác như Peru, Mexico hay Philippines.

Các đại sứ Triều Tiên bị trục xuất đều phản đối, và giữ lập luận rằng vấn đề phát triển hạt nhân là "chuyện của Mỹ và Triều Tiên" chứ không liên quan các nước khác.

Kuwait, quốc gia ở vùng Vịnh, trong khi đó, là một đồng minh thân cận của Mỹ. Hành động trục xuất đại sứ Triều Tiên vừa qua diễn ra không đầy hai tuần sau khi Tiểu vương Sheikh Sabah al-Ahmad Al-Sabah có chuyến thăm tới Mỹ.

Nguồn tin ngoại giao của AFP lần này cũng khẳng định rằng Kuwait sẽ không gia hạn giấy phép cho công nhân Triều Tiên quay lại đất nước này.

Hiện tại có khoảng 2.000 - 2.500 công nhân Triều Tiên đang làm việc ở Kuwait, cũng như hàng ngàn người khác được cho đang làm việc ở các nước vùng Vịnh.

Dù vậy, theo lời nhà ngoại giao trên, các công nhân Triều Tiên ở Kuwait sẽ buộc phải về nước sau khi hoàn thành các công trình/dự án trong "một hoặc hai năm nữa".

Kuwait cũng quyết định ngừng cấp thị thực cho người Triều Tiên và ngưng toàn bộ quan hệ thương mại cũng như các chuyến bay nối với Bình Nhưỡng.

Các nguồn tin ngoại giao châu Á nói với AFP rằng Hàn Quốc và Nhật Bản đứng sau các áp lực lên những quốc gia vùng Vịnh nhằm chặn đường chuyển tiền về quê của công nhân Triều Tiên, do nghĩ rằng số tiền này sẽ được chính phủ Triều Tiên dùng cho phát triển vũ khí hạt nhân.

Theo Tuổi trẻ

TIN LIÊN QUAN