Trong đêm hòa nhạc Toyota Classics 2014 mới đây tại TP.HCM, cả thính phòng Nhà hát Thành phố đã đứng dậy nhún nhảy khi nghệ sĩ vĩ cầm Vasko Vassilev chơi bản disco nổi tiếng, Kungfu Fighting. Nhiều người reo lên thích thú khi được nghe lại một bản disco bất hủ qua dáng vẻ cổ điển…
Đây chỉ là một minh chứng cho sức sống lâu dài của Kungfu Fighting khi nhiều thập niên nay nó vẫn được xem là một trong những bài disco hay nhất thế giới. Ngày 21/12 tới đây, Kungfu Fighting sẽ tròn 40 tuổi.
10 phút cho một huyền thoại
Mùa Xuân 1974, nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng người Ấn Độ, Biddu Appaiah bước vào phòng thu của hãng đĩa Pye ở London với dáng vẻ khá mệt mỏi. Mấy ngày nay ông suy nghĩ nát óc mà chẳng biết sẽ tìm ai để hát ca khúc mới nhất của Larry Weiss, I Want To Give You My Everything. Đây là dự án phát hành single quan trọng của Hãng Pye bởi họ tin rằng bài hát này sẽ là cú hit của năm. Nhưng quan trọng hơn, bài hát này sẽ nằm ở mặt A, trong khi mặt B vẫn chưa có bài hát nào.
Đột nhiên Biddu nhớ đến Carl Douglas, một anh chàng ca sĩ người Jamaica, 22 tuổi, chuyên hát lót và đã từng hát rất tốt bài hát chủ đề cùng tên trong bộ phim Embassy mà ông đã phát hành 2 năm trước đó. Douglas có chất giọng khỏe, trường hơi và “giọng hát dường như có chất dẫn điện dễ làm người nghe co rúm lại”. Chỉ có điều, lúc ấy Carl Douglas chưa là ai và cũng chưa là gì trên bầu trời âm nhạc hằng hà ngôi sao.
Nghĩ kỹ một lần nữa, cuối cùng Biddu Appaiah gọi cho Carl Douglas. Ở đầu dây bên kia, Douglas reo lên đồng ý ngay lập tức. Anh chàng vốn là sinh viên bách khoa này chẳng nề hà chuyện gì miễn là có được những hợp đồng âm nhạc. Ngày hôm sau, Douglas xuất hiện đúng như lịch hẹn. Sau khi được dặn dò và đọc kỹ tổng phổ, Douglas thu âm ca khúc I Want To Give You My Everything rất nhanh chóng. Tất cả mọi người trong phòng thu đều rất hài lòng. Chỉ còn lấn cấn một chuyện, mặt B hiện giờ chẳng có bài nào. Thường thì ca khúc mặt B trong một đĩa single đóng vai trò không quan trọng so với mặt A nhưng lần này “một ca khúc mang tính lót đường” cũng không có.
Rất bâng quơ, Biddu Appaiah hỏi Douglas: “Cậu có ý tưởng ca từ nào không, tôi hiện có 4, 5 bài nhưng chưa đặt lời và đang bí rị”. Carl Douglas bỗng nhiên mở to mắt và bảo rằng: “Ông đưa tôi thử xem, tôi đang có vài ý tưởng nhưng chẳng có giai điệu nào trong đầu cả”. Thế là Appaiah đưa ngay những sáng tác của mình cho Douglas.
Như thể sét đánh, đúng 10 phút Douglas đưa lại cho Appaiah một sáng tác có đầy đủ cả nhạc lẫn lời. Bài hát có tựa đề Kungfu Fighting. Biddu Appaiah tròn mắt nhìn vào tổng phổ, ông không thể tin được kết quả lại hơn cả mong muốn như thế. Douglas vừa hát thử vừa giải thích rằng anh viết lời khi chợt nhớ đến cảnh hai đứa trẻ đánh nhau bằng võ kungfu trên đường phố. Lúc ấy võ thuật Trung Hoa đang là mốt ở Anh và Mỹ. Carl Douglas muốn đem kungfu vào sáng tác này, anh cũng rất uyển chuyển khi cho thêm đoạn “hoos” và “haas” giống như một người luyện võ đang lên tấn. Chính hai từ này đã tăng sức mạnh cho toàn bài hát, nó “cân” toàn bộ trọng lượng khiến người nghe rất hứng khởi.
Bài hát làm xong trong 10 phút và Carl Douglas cũng chỉ cần đúng lượng thời gian ấy để hát xong. Biddu Appaiah rất sung sướng, ông chọn cho bài hát một kiểu phối thiên về funk, disco. Giọng hát khỏe khoắn của Douglas cộng với phần phối sôi nổi với những tiếng organ biến tấu, tiếng guitar điện chặt nhịp đã biến Kungfu Fighting trở thành một bài hát cực kỳ sôi động, thu hút.
Thu âm xong, Biddu Appaiah mở cho Robin Blanchflower, chủ hãng đĩa Pye, nghe xong ông đứng phắt dậy: “Không cần suy nghĩ gì nữa, bài này sẽ nằm ở mặt A”. Kungfu Fighting chỉ mất 10 phút để thay đổi toàn bộ dự án. Lúc ấy Biddu Appaiah nghĩ thầm trong bụng: “Rồi bài này sẽ bán được 20.000 bản cho mà xem”.
Nhưng ông đã nhầm, ít nhất là sau 5 tuần đầu tiên…
Thành công muộn
Kungfu Fighting trở thành single quan trọng nhất của Hãng Pye và nó được chọn phát hành vào ngày 21/12/1974. Bất cứ ai tham gia vào dự án này đều hy vọng Kungfu Fighting sẽ làm nên cơm cháo. Nhưng thật bất ngờ, suốt 5 tuần liên tiếp chẳng ai đoái hoài tới ca khúc này. Đĩa thì bán lèo tèo vài chục cái, các đài phát thanh thì im bặt. Thị trường Anh, Mỹ lúc ấy đã rất rộn ràng với disco, cộng với đó là những bộ phim của Lý Tiểu Long luôn cháy vé, tinh thần kungfu lên rất cao, nhưng trái lại, chẳng ai thèm quan tâm tới Kungfu Fighting.
Sau 5 tuần im lìm, bỗng một hôm, trợ lý của ông chủ Robin Blanchflower báo về: “Tất cả các sàn nhảy đều mở Kungfu Fighting và dân đi sàn đều chết mê mệt với bài này”. Chỉ vài ngày sau, Kungfu Fighting được nhắc đến liên tục khi tất cả các sàn nhảy đã tạo ra một chứng cuồng và ngay lập tức các đài phát thanh cũng vào cuộc để không bị chậm chân. Bắt đầu từ đây, Kungfu Fighting “đả” hết tất cả những bài hot nhất thị trường để leo lên vị trí quán quân cả ở Anh lẫn Mỹ rồi sau đó lan ra toàn thế giới.
Carl Douglas sau 5 tuần buồn bã bỗng trở thành anh hùng võ lâm làng nhạc chỉ sau một đêm. Bài hát đã đưa anh chàng người Jamaica lên đỉnh vinh quang. Nhưng cũng cần nói thêm, cả cuộc đời Douglas chỉ có đúng bài này là thành hit nhưng nó cũng đủ sức nuôi anh sống sung túc cả đời.
Kungfu Fighting trở thành ngọn cờ đầu của disco và trở thành một trong những bài disco hay nhất mọi thời. Các đài phát thanh liên tục lên sóng nhiều tháng liền. Các hãng đĩa cũng thay nhau đưa bài vào hợp tuyển disco. Không như dự đoán ban đầu, bài này sau cùng đã bán được 11 triệu bản, vượt quá xa ước mơ.
Bài hát này sau đó được dùng cho rất nhiều chương trình truyền hình, phim ảnh. Nổi nhất là nó được sử dụng trong phim Kungfu Panda (2008) với tiếng hát của Cee-Lo Green và Jack Black mà sau đó lại tiếp tục trở thành một bài hit.
Carl Douglas giờ đã 72 tuổi và vẫn sống sung túc nhờ tác quyền của Kungfu Fighting. Giờ nghĩ lại, ông vẫn thầm cảm ơn cuộc gọi của Biddu Appaiah; nhưng chính Biddu cũng phải cảm ơn trời đất đã xui khiến ông nghĩ đến Douglas. Chỉ cần 10 phút, họ và Kungfu Fighting nữa là ba, đã thành huyền thoại.
Theo TT&VH