Dệt may Nghệ An và phép thử TPP

(Baonghean) -Trong 12 nước đặt bút ký thỏa thuận, Việt Nam được coi là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ “hiệp định thế kỷ” này, trong đó dệt may theo chúng tôi là một trong những “món quà” đầu tiên của Nghệ An chúng ta có thể thụ hưởng. Tuy nhiên, xin đừng nghĩ về TPP như một đôi đũa thần.

Cần phải sớm nhận ra rằng, TPP không phải là một mâm cơm soạn sẵn đầy sơn hào hải vị. Hội nhập bao giờ cũng thế, người được có thể được rất nhiều, người mất có thể mất rất nhiều, nhưng chắc chắn không có ai được tất cả và cũng không có ai mất tất cả.

Nhà máy dệt may Hoàng Thị Loan
Nhà máy dệt may Hoàng Thị Loan
Trước khi TPP “về” tới tỉnh nhà, ngành dệt may đã xây dựng Đề án định hướng phát triển xuất khẩu trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015 và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đây được coi là “cây gậy” để các doanh nghiệp yên tâm rót vốn đầu tư, nó đồng thời cũng thể hiện quan điểm của tỉnh về chiến lược phát triển ngành dệt may trên mảnh đất gió Lào này. Nó khẳng định dệt may vẫn giữ vị trí quan trọng trong ngành hàng công nghiệp của Nghệ An, góp phần phát huy lợi thế về nguồn lao động, tạo việc làm cho người lao động, tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu. 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì trên địa bàn Nghệ An hiện nay có đến hàng trăm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng dệt may. Có thể kể đến các “anh chị” như Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan; Công ty TNHH Phú Vinh; Xưởng may X20 của Công ty may Lam Hồng (Quân khu IV).  Công ty CP may HALOTEXCO, Công ty TNHH Haivina Kim Liên, Công ty TNHH Prex Vinh,… cùng với sự gia tăng về số lượng thì hiệu quả mang lại của các tên tuổi trên cũng đóng góp vào cơ hội cạnh tranh chung của tỉnh nhà, đưa ngành dệt may Nghệ An vươn lên thứ bậc mới cao hơn.
Nếu như năm 2008, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,4 triệu USD, thì khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2009 đã tác động rất lớn đến thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may Nghệ An nêu kim ngạch chỉ còn lại 2 triệu USD. Sự chuyển dịch tích cực trở lại chút ít từ năm 2010 với giá trị xuất khẩu chỉ đạt 3,1 triệu USD, chiếm 1,84 tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, cùng với việc đất nước gia nhập WTO, cú bứt phá ngoạn mục đã được viết nên ngay những năm sau đó.
Liên tục các năm 2012, 2013 “chạy đà” thì đến 2014 kim ngạch xuất khẩu dệt may đã đạt con số 73 triệu USD, chiếm tỷ trọng 19,4%. Riêng 7 tháng đầu năm 2015 đã đạt 41,7 triệu USD, tăng 71% so với cùng kỳ... Không còn nghi ngờ gì nữa, dệt may chính là một trong những bước đột phá ngoạn mục nhất trên lĩnh vực đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu, nó góp phần làm nên lợi thế rõ nét nhất của tỉnh nhà. 
Trở lại với câu chuyện TPP, sau thỏa thuận vừa được ký kết, rất có thể TPP sẽ được quốc hội các nước phê chuẩn vào những tháng đầu năm 2016. Cái “hên” cho ngành dệt may thì đã được người ta hồ hởi nói đến khá nhiều. Thuế suất từ trên 20% về 0%, chắc chắn đưa dệt may Việt Nam vào một lợi thế cạnh tranh về giá chưa từng có.
Tuy nhiên, đó là phía “củ cà rốt” còn phía “cây gậy” thì sao? Cũng như nhiều địa phương khác, lâu nay dệt may của chúng ta chủ yếu nhập nguyên liệu từ Trung Quốc (một trong những điều kiện loại trừ của TPP). Vậy sắp tới chúng ta lấy đâu ra sợi mà dệt vải, lấy đâu ra vải mà may mặc? Đấy rõ là câu hỏi rõ ràng nhất nhưng cũng khó trả lời nhất của dệt may xứ Nghệ chúng ta trước cơ hội TPP quá hấp dẫn!
Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần phải có một sự tính toán với những lộ trình cho từng giai đoạn cụ thể. Trước mắt không thể vì TPP mà buông các thị trường truyền thống. Nói một cách khác là chúng ta phải chấp nhận “chân trong chân ngoài” với TPP. Song song với đó là một chiếc lược dài hơi về nguồn nguyên liệu. Trước đây chúng ta từng có một nhà máy sợi khá đình đám ngay trên địa bàn Thành phố Vinh; lý do gì để ngăn cản chúng ta lúc này không nghĩ về điều ấy? Đó không phải là câu chuyện của ngày một ngày hai, cái mình tính đến thì không phải địa phương khác họ không tính đến. Trong kinh tế thị trường ngày càng chuyên môn hóa, lựa chọn tự sản xuất nguyên liệu chưa hẳn là lựa chọn tối ưu. 
Tuy nhiên, trong sản xuất, nguyên liệu tại chỗ bao giờ cũng là một lợi thế mà không ai muốn khước từ. Khó không có nghĩa là không làm được! Nhớ lại, cách đây vài chục năm liệu có mấy ai hình dung được chúng ta lại có được một tập đoàn sản xuất chế biến sữa sạch khép kín với hàng ngàn héc-ta như thương hiệu TH bây giờ? Mọi thứ vẫn có thể bắt đầu từ những con số 0 mà! TPP là cơ hội, điều ấy không cần phải bàn cãi, nhưng rất có thể TPP cũng là phép thử nghiệt ngã của thị trường. Thận trọng và bình tĩnh, không thể bỏ lỡ những cũng đừng quá vồ vập.
Nguyễn Khắc An

Tin mới