Việt Nam áp thuế chống phá giá dầu thực vật nhập khẩu

Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký (tức ngày 7/9/2013).


Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), ngày 23/8/2013, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với dầu thực vật, cụ thể là dầu nành tinh luyện, dầu cọ tinh luyện với mã HS: 1507.90.90, 1511.90.91, 1511.90.92, 1511.90.99 nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ khác nhau.

Diễn biến sự việc điều tra để tiến đến áp dụng biện pháp tự vệ, áp dụng thuế chống phá giá với sản phẩm dầu thực vật nhập khẩu được bắt nguồn từ việc Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vicarimex) nộp đơn xin áp dụng các biện pháp tự vệ tạm thời với dầu ăn nhập khẩu.

                            Mức thuế tự vệ chính thức được áp dụng theo lộ trình.

Ngay sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị, cơ quan điều tra đã có công văn xác nhận hồ sơ của nguyên đơn là hợp lệ theo quy định của pháp luật. Ngày 26/12/2012, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ra quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với hàng hóa thuộc đối tượng điều tra. Ngày 27/12/2012, Quyết định điều tra và bản câu hỏi điều tra đã được gửi cho các bên liên quan. Thời hạn trả lời câu hỏi điều tra cho các bên liên quan là ngày 18/2/2013.

Trên cơ sở nghiên cứu, xem xét toàn bộ thông tin do các bên liên quan cung cấp, ngày 22/4/2013, Cục Quản lý Cạnh tranh đã ban hành báo cáo sơ bộ đối với vụ việc. Từ ngày 13 – 31/5/2013, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành thẩm tra tại chỗ các doanh nghiệp sản xuất dầu thực vật trong nước và các nhà nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng điều tra.

Quá trình điều tra cho thấy, lượng tiêu thụ mặt hàng dầu thực vật tinh luyện tại Việt Nam tăng liên tục trong vòng 4 năm (từ 2009 – 2012), từ 100 (index 100) năm 2009, lên đến 137.94 (index 100) tấn năm 2012, tăng 28% so với năm 2009.

Ngược lại với xu hướng gia tăng lượng tiêu thụ nội địa của hàng hóa thuộc đối tượng điều tra, lượng bán hàng của ngành sản xuất trong nước suy giảm nghiêm trọng, khiến thị phần của ngành sản xuất trong nước giảm từ 52% năm 2009 xuống còn 27% năm 2012.

Trong khi đó, trong 3 năm (từ 2009 – 2011), thị phần hàng nhập khẩu và hàng hóa của ngành sản xuất trong nước luôn ở mức độ tương đương nhau tại thị trường Việt Nam, nội địa và nhập khẩu đều chiếm khoảng 50% thị trường. Tuy nhiên, năm 2012, cùng với sự suy giảm về sản lượng của ngành sản xuất trong nước, thị phần cũng thay đổi một cách mạnh mẽ. Tương ứng với sự suy giảm thị phần của ngành sản xuất trong nước là sự gia tăng thị phần của hàng nhập khẩu qua từng năm, đặc biệt tăng từ 48% lên đến 73% trong giai đoạn này.

Căn cứ trên những thông tin do các bên liên quan cung cấp và các phân tích của các cán bộ điều tra vụ việc này, Cơ quan điều tra đánh giá, doanh nghiệp sản xuất dầu thực vật trong nước, chiếm hơn 50% tổng sản lượng cả toàn ngành. Hàng hóa được sản xuất trong nước là hàng hóa tương tự của hàng hóa nhập khẩu.

Khối lượng dầu nành và dầu cọ tinh luyện được nhập khẩu vào Việt Nam tăng, cả về mặt tuyệt đối và tương đối, trong giai đoạn điều tra dẫn tới việc ngành sản xuất dầu thực vật trong nước đã chịu thiệt hại như giảm thị phần, lượng bán hàng trong nước, sản lượng, công suất, doanh thu, lợi nhuận và nhân công trong năm 2012.Việc gia tăng nhập khẩu là nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại gây ra cho ngành sản xuất trong nước.

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cũng cho biết thêm, Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký (tức ngày 7/9/2013). Quyết định này thay thế Quyết định số 2564/QĐ-BCT ngày 22 tháng 4  năm 2013 về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời./.

Theo (VOV.VN) - LC

Tin mới