Phát triển số lượng và chất lượng doanh nghiệp tư nhân là yêu cầu tiên quyết đặt ra trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế sâu rộng.
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cả nước hiện có khoảng 600.000 doanh nghiệp với khoảng 500.000 doanh nghiệp tư nhân. Trong số này có tới hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa và hơn 96% là doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chỉ có khoảng 2% doanh nghiệp quy mô vừa và 2% doanh nghiệp lớn.
Do đó, để doanh nghiệp tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định, cộng đồng doanh nghiệp Việt cần rất nhiều sự hỗ trợ của nhà nước trong bối cảnh lực lượng doanh nghiệp tư nhân còn non trẻ và đang phát triển.
Cụ thể là với mục tiêu phải đạt 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, sau đó nâng dần lên 5 triệu doanh nghiệp, Chính phủ cần sớm xây dựng “Chương trình quốc gia về khởi nghiệp”. Trong đó, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và chia sẻ rủi ro cho các doanh nghiệp và dự án kinh doanh được thành lập trên cơ sở đổi mới sáng tạo.
TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, quá trình phát triển số lượng doanh nghiệp phải gắn với nâng cao chất lượng doanh nghiệp thành lập mới trong nền kinh tế. Một trong những yêu cầu quan trọng trong thời gian tới là phải làm thế nào để nâng cao được năng lực của khu vực kinh tế tư nhân để tham gia vào các chuỗi giá trị. Giải pháp được đưa ra là cần nâng cao được chất lượng của công tác dạy nghề, tái cấu trúc lại công tác dạy nghề, tăng cường sự đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân và hợp tác quốc tế để làm sao để hệ thống dạy nghề phải đạt được chuẩn mực quốc tế.
“Thị trường là cơ chế vận hành của nền kinh tế, còn kinh tế tư nhân chính là động lực của nền kinh tế. Nếu như ví nền kinh tế Việt Nam như con tàu cao tốc, thì đường ray chính là kinh tế thị trường, còn đầu máy chính là kinh tế tư nhân - động lực kinh tế tư nhân”, TS. Vũ Tiến Lộc chia sẻ./.
Theo VOV